Từ 1.1.2016, thẻ căn cước công dân sẽ thay CMTND

21/11/2014 06:45 GMT+7

Với tỷ lệ ĐBQH tán thành 76,66%, chiều 20.11, QH đã biểu quyết thông qua toàn bộ luật Căn cước công dân (CCCD). Theo đó, từ 1.1.2016, chứng minh thư nhân dân (CMTND) sẽ được thay thế bằng thẻ CCCD.

Công chức bị cấm tiết lộ bí mật cá nhân biết qua hộ tịch

 
Theo luật Căn cước, CMND có 12 chữ số như thế này sẽ tiếp tục được thay đổi theo hướng gắn thêm “con chíp” điện tử và được kỳ vọng sẽ thay thế cho cả hộ khẩu và giấy khai sinh - Ảnh: Hoàng Trang

Về hiệu lực thi hành và quy định chuyển tiếp, dự luật quy định CMTND đã được cấp trước ngày luật có hiệu lực (1.1.2016) vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định. Khi công dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ CCCD. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ CMTND vẫn nguyên hiệu lực pháp luật. Các loại biểu mẫu đã phát hành có quy định sử dụng thông tin từ CMTND được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31.12.2019.

Các địa phương chưa có điều kiện về cơ sở hạ tầng thông tin, vật chất, kỹ thuật và người quản lý CCCD, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu CCCD để triển khai thi hành theo luật thì có thể tạm thời chưa áp dụng, cho đến chậm nhất là ngày 1.1.2020 phải thực hiện thống nhất.

Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật CCCD, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, an ninh QH Nguyễn Kim Khoa cho biết UBTVQH đã bổ sung quy định về thông tin nhóm máu theo hướng không phải là thông tin bắt buộc mà theo yêu cầu của công dân. Những thông tin như tên gọi khác, anh, chị em ruột... sẽ được thu thập, cập nhật trong các cơ sở dữ liệu chuyên ngành phù hợp với yêu cầu quản lý của từng ngành, lĩnh vực. Vì vậy, UBTVQH đề nghị chỉ bổ sung quy định thông tin về nhóm máu. Về tuổi cấp thẻ CCCD, luật thống nhất quy định cấp thẻ CCCD cho người từ 14 tuổi trở lên và chỉ đạo rà soát, chỉnh lý các quy định liên quan cho phù hợp.

* Với 76,65% số ĐBQH tán thành, chiều qua QH đã thông qua luật Hộ tịch (có hiệu lực thi hành kể từ 1.1.2016). Các loại sổ hộ tịch được lưu trữ và cấp trước ngày luật này có hiệu lực vẫn có giá trị làm căn cứ chứng minh sự kiện hộ tịch của cá nhân, tra cứu, cấp bản sao trích lục hộ tịch, cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân… Chậm nhất đến hết 31.12.2019 thực hiện thống nhất trên toàn quốc theo quy định của luật mới.

Liên quan đến những việc công chức làm công tác hộ tịch không được làm, dự luật quy định công chức không được tiết lộ thông tin liên quan đến bí mật cá nhân biết được qua đăng ký hộ tịch; tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung thông tin trong cơ sở dữ liệu hộ tịch.

Luật thống nhất quy định, cấp Giấy khai sinh cho trẻ khi đăng ký khai sinh (và cấp thẻ căn cước khi đủ 14 tuổi theo luật Căn cước công dân).

Chiều qua (20.11), trước khi kết thúc phiên họp, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu đã phải nhắc nhở các trưởng đoàn ĐBQH nắm lại tình hình ĐB tham gia các phiên họp QH những ngày gần đây. Theo ông Uông Chu Lưu, số ĐBQH những ngày qua vắng mặt khá nhiều.

Theo quan sát của PV Thanh Niên, sáng qua còn có 424 ĐBQH (85,31%) tham gia bỏ phiếu luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) nhưng vào buổi chiều khi thông qua luật Căn cước công dân chỉ có 403 ĐBQH (81,9%) có mặt.

Trường Sơn

>> Có căn cước công dân, vẫn phải có Giấy khai sinh
>> Quốc hội sẵn sàng đầu tư cho căn cước công dân
>> Căn cước và cải cách hành chính
>> Đề nghị không cấp căn cước cho người dưới 14 tuổi
>> Có thẻ căn cước thì phải cắt hết giấy tờ gây phiền hà cho dân
>> Đổi CMND thành thẻ căn cước: Để phục vụ nhân dân chứ không phải quản lý nhân dân
>> Ủng hộ việc cấp thẻ căn cước
>> Có căn cước, bỏ khai sinh ?
>> Không nên cấp ‘Căn cước’?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.