Từ cúm gia cầm đến bệnh xanh tai heo

07/08/2007 10:48 GMT+7

Hồi đầu tháng 6 vừa qua, hàng vạn gia cầm tại các huyện Duy Xuyên, thị xã Hội An (Quảng Nam) đã bị tiêu hủy do cúm H5N1. Lúc đó, theo lãnh đạo các địa phương liên quan, dịch được phát hiện chậm cả tuần là do các chủ chăn nuôi và cán bộ thú y địa phương chủ quan hoặc giấu thông tin, không báo cáo kịp thời cho ngành y tế và thú y cấp huyện, để tự chạy chữa! Khi đã bó tay họ mới chịu báo cáo lên cấp trên; có trường hợp do dân phát hiện báo cáo chứ không phải do chính quyền cấp xã phường cung cấp thông tin.

Chưa đầy một tháng sau, bệnh “xanh tai heo” lại xuất hiện và lây lan nhanh chóng cả tỉnh Quảng Nam với mức độ nguy hiểm hơn. Nguyên nhân của việc để bệnh lây lan cũng lại bắt đầu từ sự chủ quan của cơ sở, có khi nhân viên thú ý trên địa bàn lại tiếp tục “cố đấm ăn xôi”, mà không chịu báo cáo lên cấp trên để có biện pháp ngan chặn thích đáng.

Trao đổi với chúng tôi, một chủ tịch huyện cho biết hiện nay các địa phương đang dồn sức không chế dịch một cách kiên quyết, kể cả việc tổ chức tiêu hủy, tiêm ngừa và vệ sinh môi trường. Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam cũng đã ra chỉ thị: “chấn chỉnh lại hoạt động của ban chỉ đạo các cấp; quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, chính quyền, kể cả thôn, xóm, bản, làng...” và “ khẳng định  một số địa phương vẫn còn tư tưởng chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch, thiếu hợp tác với ngành chuyên môn thực hiện công tác tiêm phòng triệt để, tạo nguy cơ bùng phát dịch bệnh và có khả năng lây lan sang người...”.

Cũng như hệ quả của dịch cúm H5N1 trên gia súc, khi bệnh xanh tai heo xuất hiện ở Quảng Nam, nguy cơ lây nhiễm vào Đà Nẵng là khó tránh khỏi. Đặc biệt đối với những ngành kinh doanh liên quan kể cả những hàng bún gà, bún giò heo - ngay lập tức bị tác động, thực khách thưa thớt hẳn.

Mùa hè là mùa khách du lịch nội địa tăng cao ở các tỉnh ven biển miền Trung; các loại thực phẩm, món ăn chế biến từ heo, gà ít nhiều vẫn được xem như những đặc sản ế ẩm sẽ trở thành một thiệt hại không nhỏ cho nền kinh tế nói chung và cho những người buôn bán mặt hàng này nói riêng. Cho nên, những biện pháp ngăn ngừa của Đà Nẵng để ngăn chặn lây lan ngay tại cơ sở tuy cần thiết nhưng là chưa đủ. Đà Nẵng cần chủ động hơn nữa để cùng phối hợp với Cục Thú Y và các địa phương lân cận với tư cách “thành phố trung tâm, động lực phát triển vùng trọng điểm kinh tế miền Trung” để có những động thái cần thiết.

Nhìn chung, “chuyện đổ thừa” các nguyên nhân lây lan dịch bệnh cho cấp cơ sở tương đối dễ, mặc dù thật sự đã có hiện tượng cấp cơ sở còn chủ quan, giấu diếm thông tin. Tuy vậy, ngay tại cấp tỉnh, thành chuyện “bít thông tin” về dịch cúm cũng đã và đang xảy ra ở nhiều nơi. Một Phó chủ tịch tỉnh từng gọi điện thoại yêu cầu phóng viên đừng đưa tin về dịch cúm gia cầm ở tỉnh mình mặc dù cán bộ Thú y cấp huyện đã xác định các hiện tượng bệnh lý khi xem xét bệnh phẩm tại hiện trường. Ngay trên website của một tỉnh đang có bệnh tai heo xanh đang hoành hành cũng không thấy đưa một dòng tin nào liên quan! Cho nên, nếu cơ sở thuộc địa phương nào có biểu hiện như nêu trên, theo chúng tôi, chủ tịch các huyện, thị, tỉnh, thành phố liên quan cũng cần xem lại công tác chỉ đạo của mình trước đã!

Cây chuyện đến đây chưa chấm dứt. Tại sao ngành thú y và bảo hiểm ở nhiều nơi chưa đặt vấn đề bảo hiểm cho gia súc, gia cầm như kinh nghiệm bảo hiểm bò ở Đại Lộc (Quảng Nam) vừa qua? Từ chuyện cúm gia cầm đến bệnh heo tai xanh, cho thấy tính minh bạch và công khai trong thông tin kinh tế - xã hội hiện nay đang là vấn đề cần được quan tâm hơn nữa ở mọi cấp, vì nó liên quan đến an sinh xã hội. Và chuyện triển khai các dịch vụ bảo hiểm hiệu quả là bảo vệ quyền lợi cho người chăn nuôi, cho nông dân. Cả hai khía cạnh này bổ sung cho nhau trong khái niệm “hiện đạo hóa” đất nước vậy!

Trương Điện Thắng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.