Từ vụ án 'bí thư xã giết cháu vợ': Trục lợi bảo hiểm, xử lý thế nào?

Phan Thương
Phan Thương
11/05/2020 15:32 GMT+7

Nghi phạm Đỗ Văn Minh, Bí thư Đảng ủy xã Liên Hà (Lâm Đồng) lên kế hoạch giết cháu vợ, tạo hiện trường giả để gia đình được hưởng bảo hiểm 18 tỉ đồng. Hành vi trục lợi bảo hiểm này được Công an Đắk Nông đánh giá là... hy hữu.

Nghi phạm Đỗ Văn Minh (49 tuổi, Bí thư Đảng ủy xã Liên Hà, H.Lâm Hà, Lâm Đồng) vừa bị Công an tỉnh Đắk Nông bắt tại tỉnh Bình Phước liên quan đến vụ chiếc xe bán tải BS 51C - 715.70 cháy rụi cùng một thi thể biến dạng bên trong xe, nằm trên QL28, được người dân phát hiện sáng 4.5. Ông Minh là nghi phạm được xác định đã giết cháu vợ, tạo hiện trường giả, mục đích trục lợi bảo hiểm 18 tỉ đồng.
Theo điều tra ban đầu, Minh đang nợ số tiền 10 tỉ đồng. Đầu năm 2020, Minh mua một gói bảo hiểm trị giá hơn 200 triệu đồng, nếu nghi can này chết gia đình sẽ được hưởng khoản tiền bảo hiểm khoảng 18 tỉ đồng.
Ngày 3.5, trong khi ngồi nhậu với cháu vợ là Trần Nho Vương, đợi cháu vợ ngủ say, Minh đã ra tay sát hại nạn nhân,  rồi tạo hiện trường giả.
Liên quan đến vụ án này, nhiều bạn đọc Báo Thanh Niên cũng quan tâm về quy định chi trả bảo hiểm trong những trường hợp nào? Người cố ý trục lợi tiền bảo hiểm sẽ bị xử lý ra sao?

Trục lợi bảo hiểm, xử lý hình sự

Luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết sự kiện bảo hiểm là sự kiện khách quan do các bên thỏa thuận hoặc pháp luật quy định mà khi sự kiện đó xảy ra thì doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm.
Tuy nhiên, luật sư Bùi Quốc Tuấn cũng cho biết, luật Kinh doanh bảo hiểm cũng quy định các trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm không trả tiền bảo hiểm.
Cụ thể, Điều 39 luật Kinh doanh bảo hiểm, quy định 3 trường hợp không trả bảo hiểm, gồm: Người được bảo hiểm chết do tự tử trong thời hạn hai năm, kể từ ngày nộp khoản phí bảo hiểm đầu tiên hoặc kể từ ngày hợp đồng bảo hiểm tiếp tục có hiệu lực; người được bảo hiểm chết hoặc bị thương tật vĩnh viễn do lỗi cố ý của bên mua bảo hiểm hoặc lỗi cố ý của người thụ hưởng; người được bảo hiểm chết do bị thi hành án tử hình.
Ngoài ra, luật sư Lê Minh Hùng (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết ngoài việc bị doanh nghiệp bảo hiểm từ chối chi trả bảo hiểm xã hội thì hành vi trục lợi bảo hiểm từ 20 triệu đồng trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 213 bộ luật Hình sự với tội danh “gian lận trong kinh doanh bảo hiểm” với mức hình phạt cao nhất 7 năm tù.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.