Tuyến đường sắt cổ nhất thế giới

04/02/2008 22:40 GMT+7

Nếu được phục hồi, cùng với "người anh em" ở Thụy Sĩ, đây sẽ là một trong hai tuyến đường sắt răng cưa cổ nhất còn lại trên thế giới.

Tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt chỉ có chiều dài khoảng 84 km, nhưng phải mất nhiều năm thi công và do các chuyên gia hàng đầu về đường sắt của Pháp, Thụy Sĩ trực tiếp thiết kế, giám sát.  Do tàu phải lên đèo cao, dốc quanh co nên phải có răng cưa để giữ các toa khỏi tuột dốc. Dự án được lập vào năm 1900, đến năm 1908 bắt đầu thi công, riêng đoạn có cầu Dran (thuộc huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) được xây dựng từ năm 1919 và hoàn thành vào năm 1925. Năm 1928, tuyến đường sắt Đà Lạt - Tháp Chàm chính thức đi vào hoạt động.

Sở dĩ người Pháp cho xây dựng công trình khó khăn này với chi phí lớn (200 triệu franc) vì Đà Lạt có khí hậu mát mẻ quanh năm, tuyến đường sắt là phương tiện hữu dụng đưa họ lên vùng đất này để tiếp tục khai phá hoặc nghỉ ngơi. Đến năm 1968, tuyến đường này ngưng khai thác và sau năm 1975 thì hoạt động lại, nhưng chỉ chạy được vài chuyến thì ngưng hoàn toàn cho đến nay vì hiệu quả kinh tế không cao.

Đường sắt Đà Lạt - Tháp Chàm có 13 ga, trong đó có giá trị nhất là 2 đoạn răng cưa dài gần 14 km. Cũng sau năm 1975, hệ thống răng cưa của tuyến đường hầu như bị tháo bỏ hoàn toàn. Đến năm 2004, cây cầu sắt duy nhất còn lại tại Đơn Dương (cầu Dran) - di tích còn lại của tuyến đường sắt này bị "xẻ thịt" đem bán sắt vụn. Kể từ đó tuyến đường sắt răng cưa Đà Lạt - Tháp Chàm trở thành… huyền thoại.

Đường  sắt răng cưa

Vào năm 1988-1989, Liên hiệp đường sắt Việt Nam đã bán 2 chiếc đầu máy chạy bằng hơi nước hiệu Puka của Thụy Sĩ. Phía Thụy Sĩ đã cử người qua tận Việt Nam mua và vận chuyển về phục vụ du lịch. Ga Đà Lạt hiện chỉ còn trưng bày một đầu máy chạy bằng hơi nước đốt bằng củi do Nhật sản xuất năm 1936, trọng lượng 45 tấn và mã lực 700 CV. Ngoài ra còn một toa xe chở hàng kéo bằng răng cưa được sản xuất tại Đức vào năm 1930, nặng 30 tấn với chiều dài 10,5m.

Riêng ga Đà Lạt được xây dựng vào năm 1936, có ba mái vút cao mô phỏng đỉnh núi Langbiang - biểu tượng của TP Đà Lạt. Theo các tài liệu lịch sử thì ga hỏa xa Đà Lạt thuộc loại cổ và đẹp nhất Đông Dương, do các kiến trúc sư người Pháp Moncet và Reveron thiết kế.  Năm 2002, ga Đà Lạt được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích cấp quốc gia.

Mới đây Bộ Giao thông vận tải thống nhất quy hoạch chi tiết khôi phục tuyến đường sắt Đà Lạt - Tháp Chàm để trình Thủ tướng phê duyệt. Dự kiến kinh phí khôi phục tuyến đường vào khoảng 5.000 tỉ đồng.  Đoàn tàu sẽ chạy bằng máy điện qua 5 hầm, 46 cầu, 14 ga, khổ đường 1m. Thời gian hoàn thành dự án là năm 2015. Bộ Giao thông vận tải cũng đã ban hành quyết định số 2667/QĐ-BGTVT phê duyệt, đưa dự án đường sắt Đà Lạt - Tháp Chàm vào danh mục đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng, khai thác, chuyển giao), bổ sung vào quyết định 06/2002-CP về việc phê duyệt tổng thể giao thông vận tải đường sắt đến năm 2010.

Theo ông Hứa Văn Tuấn - Giám đốc Sở Giao thông vận tải Lâm Đồng thì việc khôi phục tuyến đường sắt độc đáo này đã đặt ra từ những năm 90 thế kỷ trước, nhưng lúc đó còn nhiều khó khăn nên chưa thực hiện được. Nguồn vốn 5.000 tỉ đồng quả là không nhỏ, nhưng những người yêu Đà Lạt vẫn kỳ vọng tuyến đường sắt răng cưa gắn liền với lịch sử ban sơ của vùng đất này sẽ được phục hồi trong tương lai gần.

Lê Hân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.