(TNO) Với giá cát hiện nay 50.000 đồng/m3, nếu nhân với 300.000 m3 họ kiếm hàng tỷ đồng từ tiền bán cát, một đầu nậu cát lậu ở Bình Thuận tính toán.
Xe múc cát và hiện trường hố chôn rác khổng lồ - Ảnh: Quế Hà |
Theo ông Hồ Lâm, Giám đốc Sở TN-MT Bình Thuận, sáng nay 19.10, Sở TN-MT sẽ cho kiểm tra hiện trường “hố chôn rác” ở bãi rác Bình Tú, thành phố Phan Thiết, Bình Thuận, để báo cáo UBND tỉnh.
Chiều qua, 18.10, PV Thanh Niên Online có mặt tại nơi được gọi là “hố chôn rác”. Chiều rộng của hố chôn rác chừng 100m, dài khoảng 200m, có chỗ đã được đào sâu đến 4m. Tuy nhiên, toàn bộ cát được đào lên đã bị vận chuyển đi nơi khác.
Trước đó, ngày 13.10, Thường trực HĐND TP.Phan Thiết (Bình Thuận) có công văn gửi UBND TP.Phan Thiết, yêu cầu Chủ tịch UBND TP.Phan Thiết phải huỷ ngay hợp đồng do Trưởng Phòng Quản lý đô thị Phan Thiết ký với công ty TNHH Thuận Minh về việc “đào hai hố chôn rác”. Đề nghị công ty này ngừng ngay việc vận chuyển cát đi nơi khác khi chưa có giấy phép.
Thường trực HĐND TP.Phan Thiết, cho rằng UBND TP.Phan Thiết cho chủ trương đào hai hố chôn rác (tại bãi rác Bình Tú, xã Tiến Thành, TP.Phan Thiết, Bình Thuận) với kích thước 120m x 150m x 8m x 2, sau đó cho công ty TNHH Thuận Minh vận chuyển cát đi nơi khác là sai pháp luật. Nhận định về công văn số 3511/UBND-ĐT ra ngày 14.8 của UBND TP.Phan Thiết, cho phép Công ty TNHH Thuận Minh đào hố và lấy cát, thường trực HĐNDTP.Phan Thiết khẳng định: “Có nội dung chưa đúng pháp luật và không đúng thẩm quyền”.
Trả lời Thanh Niên Online, Phó chủ tịch HĐND TP.Phan Thiết Đặng Đình Hiếu cho rằng: “UBND TP.Phan Thiết cho vận chuyển một khối lượng cát đi nơi khác rất lớn trong khi không chứng minh được giá trị của công trình này là gì. Trong khi đó, bãi rác Bình Tú được UBND tỉnh cho tồn tại chỉ đến năm 2020. Vậy thì đào hai hố rác để lấy đi gần 300.000 m3 cát nhằm mục đích gì?”, ông Hiếu đặt câu hỏi.
Giám đốc Sở TN-MT Bình Thuận Hồ Lâm, cho biết ông mới chỉ nghe một phó giám đốc báo lại hôm qua. Ông Hồ Lâm cho biết, ngay hôm nay, 19.10, ông sẽ cho cán bộ đi kiểm tra để có cơ sở báo cáo UBND tỉnh. Về thẩm quyền, ông Hồ Lâm khẳng định: “Nếu UBND TP.Phan Thiết mà cho phép đào hố chôn rác, vận chuyển cát đi nơi khác là hoàn toàn sai. Vì theo Quyết định số 50, nay là Quyết định số 41 của UBND tỉnh Bình Thuận thì chỉ Sở TN-MT mới có quyền tham mưu cho UBND tỉnh cấp phép trên lĩnh vực khoáng sản”.
|
Có mặt tại hiện trường “hố chôn rác”, theo quan sát của PV Thanh Niên Online, việc đào mới chỉ được một hố với chiều rộng khoảng 100m, chiều dài chừng 200m, sâu từ 2 đến 4 m. Lượng cát đã được vận chuyển đi khoảng 80.000 m3. Hiện trường hố cát rất lớn, còn một xe múc nằm giữa hố cát. Cách đó chừng 100 m, có 3 chiếc xe múc, một xe ủi đang đậu gần đó. Khi thấy PV Thanh Niên Online ghi hình, một người đi xe máy đến ngăn cản và hỏi: “Quay phim làm gì? Không được quay!”.
Trả lời Thanh Niên Online qua điện thoại, Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết Đỗ Ngọc Điệp, khẳng định việc đào hố là để “chôn rác”. Ông Điệp khẳng định, trước đó Phó chủ tịch UBND TP.Phan Thiết Trần Hoàng Khôi có ký công văn “yêu cầu các phòng chức năng tham mưu để làm đúng quy định”. Nhưng sau đó ông Lê Văn Cang, Trưởng phòng Quản lý đô thị Phan Thiết (vừa nghỉ hưu) đã “tự ý ký hợp đồng” với công ty Thuận Minh về việc thực hiện đào hố rác.
Sau khi phóng viên trích các điều khoản của Quyết định số 50 và Quyết định số 41 của UBND tỉnh Bình Thuận thì ông Đỗ Ngọc Điệp thừa nhận chủ trương của UBND TP.Phan Thiết là hoàn toàn sai. “Hiện nay chúng tôi đã cho dừng ngay rồi”, ông Điệp nói.
Một đầu nậu cát ở Bình Thuận cho PV Thanh Niên Online cho biết: “Với giá cát hiện nay 50.000 đồng/m3, nếu nhân với 300.000 m3 họ kiếm hàng tỷ đồng từ tiền bán cát”.
Bình luận (0)