‘Ủy viên T.Ư 3 khóa mà không cấp hộ chiếu ngoại giao, rất bất cập’

Lê Hiệp
Lê Hiệp
12/06/2019 16:57 GMT+7

Đại biểu Nghiêm Vũ Khải (Hải Phòng) cho rằng, việc lãnh đạo một số tổ chức chính trị - xã hội như Liên hiệp Hội khoa hoa học kỹ thuật Việt Nam không được cấp hộ chiếu ngoại giao hay công vụ là rất bất cập.

Tham gia góp ý dự thảo luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam ngày 12.6, đại biểu Nghiêm Vũ Khải (Hải Phòng), Phó chủ tịch Liên hiệp các tổ chức khoa học kỹ thuật Việt Nam, cho rằng việc đại biểu Quốc hội được sử dụng hộ chiếu ngoại giao là phù hợp với thông lệ quốc tế và đại biểu nhiều khóa phấn khởi, coi đó là vinh dự được Quốc hội và nhân dân trao tặng.
Tuy nhiên, mấy năm gần đây, xuất hiện trường hợp đại biểu Quốc hội chỉ được dùng hộ chiếu ngoại giao khi thực hiện các nhiệm vụ của Quốc hội, còn khi thực hiện nhiệm vụ khác cũng là công vụ thì không được dùng hộ chiếu ngoại giao.
Theo đại biểu, Nghị quyết 08 của Quốc hội về vấn đề này chỉ quy định đại biểu Quốc hội sử dụng hộ chiếu ngoại giao khi ra nước ngoài, chứ không có điều kiện về việc thực hiện nhiệm vụ nào.
Từ đó, đại biểu đề nghị dự thảo luật lần này đã quy định đại biểu Quốc hội thuộc diện được cấp hộ chiếu ngoại giao nhưng cần quy định rõ là đại biểu Quốc hội được cấp và sử dụng hộ chiếu ngoại giao.

Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật lại phải dùng hộ chiếu phổ thông là rất bất cập

Một vấn đề khác cũng được đại biểu Khải đề cập là việc cấp hộ chiếu cho lãnh đạo các tổ chức chính trị xã hội.
Theo đại biểu, hiện nay, ngoài 6 tổ chức chính trị xã hội “truyền thống” gồm Mặt trận Tổ quốc, Tổng Liên đoàn Lao động, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thì còn một số tổ chức chính trị xã hội do Đảng thành lập như Liên hiệp Hội Khoa học kỹ thuật VN, Liên hiệp Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam và một số tổ chức chính trị đặc thù khác.
Đại biểu Khải cho biết, gần đây, lãnh đạo 6 tổ chức chính trị xã hội “truyền thống” được cấp hộ chiếu ngoại giao trong khi lãnh đạo những tổ chức chính trị xã hội thì không được cấp hộ chiếu ngoại giao, thậm chí không được cấp hộ chiếu công vụ mà chỉ được cấp hộ chiếu phổ thông.
“Trường hợp đơn vị chúng tôi là Liên hiệp Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, một đồng chí chủ tịch là ủy viên T.Ư 3 khóa, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội được Ban Bí thư đồng ý để bầu làm chủ tịch, nhưng hiện nay sử dụng hộ chiếu phổ thông, tôi thấy đó là bất cập”, đại biểu Khải nói.
Đặt vấn đề so sánh, đại biểu Khải cho rằng, hiện nay phu nhân hay phu quân một nhân viên ngoại giao được cấp hộ chiếu ngoại giao mà không cần điều kiện gì cả còn Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật lại phải dùng hộ chiếu phổ thông là rất bất cập.
“Tôi đề nghị trong luật này nên quy định chủ tịch các tổ chức chính trị xã hội do Ban Bí thư quản lý thì cần thiết được cấp hộ chiếu ngoại giao”, đại biểu Khải nêu, và đề nghị phó chủ tịch các tổ chức này cũng như chủ tịch các hội hữu nghị cũng cần phải được cấp hộ chiếu công vụ thay vì phải sử dụng hộ chiếu phổ thông như hiện nay.
Liên quan tới quy định về cấp hộ chiếu ngoại giao, công vụ, dự thảo luật do Bộ Công an trình Quốc hội đưa ra 2 phương án.
Phương án 1, quy định cụ thể đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ; cơ quan có thẩm quyền quyết định, cử, cho phép người thuộc diện cấp hộ chiếu ngoại giao, công vụ ra nước ngoài.
Phương án 2, luật chỉ quy định mang tính nguyên tắc chung và giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết.
Trước đó, trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Quốc phòng an ninh tán thành với phương án 1 mà Chính phủ đưa ra đồng thời, đề nghị rà soát kỹ lưỡng phương án này để quy định bảo đảm đầy đủ, sát hợp với thực tiễn, chặt chẽ về kỹ thuật văn bản, đáp ứng yêu cầu hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.