>> WWF đầu tư 4 triệu euro để bảo tồn gấu trúc
Một sáng cuối tháng 4, theo chân đoàn công tác thuộc Tổ chức động vật châu Á, chúng tôi có dịp trở lại Vườn quốc gia Tam Đảo thăm "ngôi nhà" đặc biệt của loài gấu.
Trắng đêm giải cứu
Giữa thung lũng Chắt Dậu, cạnh rừng quốc gia Tam Đảo và suối Bạc trong vắt chạy qua có một khu đất rộng khoảng 12 ha được chia thành nhiều khu nuôi gấu lớn, gấu nhỏ, với 10 khu hoang dã và khu cách li… xung quanh được bao bọc kiên cố bởi lưới sắt, bên trong bố trí đầy đủ nhà ở, bể bơi, sân chơi.
Trung tâm cứu hộ gấu Tam Đảo được khởi công xây dựng từ năm 2006, dự án này do Tổ chức động vật châu Á đầu tư; đến nay trung tâm có tất cả 106 cá thể gấu được giải cứu.
Mỗi con gấu là một cuộc đời, một số phận, có khi bị giam cầm, bị hành hạ, có khi đang trên đường bị vận chuyển buôn bán, sắp bị giết thịt, lại có khi là gấu con đáng thương bị lạc mẹ.
Ông Tuấn Bendixsen - Giám đốc Trung tâm cứu hộ gấu Tam Đảo - người được gọi là “hiệp sĩ” vì đã giải cứu nhiều gấu bị nuôi nhốt hay bị buôn lậu, kể cho chúng tôi nghe về những hành trình, giải cứu gian nan để đưa gấu về với cuộc sống hoang dã vốn có.
Gấu Zebedee khiến ông xúc động và để lại nhiều ấn tượng nhất bởi số phận đáng thương khi 14 năm bị giam cầm, nuôi nhốt trong góc bếp quanh năm tối om, không có ánh sáng lọt vào tại một hộ dân ở Huế và Zebedee thường xuyên chịu đau đớn vì tiêm thuốc mê, bị chọc kim vào túi mật.
|
Hồi còn nhỏ, Zebedee lạc vào khu dân cư, bị một số người vây bắt và đánh gãy mũi, vết sẹo dài vẫn còn đến tận bây giờ. Hành trình cứu hộ Zebedee từ Huế về Tam Đảo không hề dễ dàng gì vì khoảng cách quá xa về địa lí. Các dụng cụ lồng sắt, phương tiện vận chuyển, thuốc men... đã được đoàn cứu hộ chuẩn bị rất chu đáo vì chuyến đi xa.
Sau khi được các bác sĩ tiêm thuốc gây mê, đưa vào lồng sắt bắt đầu trải qua chặng đường dài hàng trăm cây số, đi hết hơn 20 tiếng đồng hồ, Zebedee đã được giải cứu thành công từ Huế đưa ra Trung tâm cứu hộ Tam Đảo... Trong suốt chuyến đi, cứ khoảng 2 - 3 tiếng, đoàn lại phải dừng lại để cho gấu ăn, uống và đảm bảo gấu vẫn khỏe để đi tiếp đoạn đường còn lại.
Còn đôi gấu con Bradly và Lintron lại có số phận khác, được giải thoát trong hoàn cảnh khác. Một ngày đen đủi cuối năm 2011, hai chú gấu con bé bỏng lạc mẹ bị kẻ hám lợi bắt đem đi bán ở tỉnh Kon Tum, đoạn giáp biên giới Việt - Lào.
May mắn thay, vụ việc được các chiến sĩ ở Đồn biên phòng H.Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) phát hiện kịp thời. Từ lúc nhận được tin báo có hai con gấu con cần được cứu hộ từ Đồn biên phòng H.Sa Thầy, Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam đã fax lên đây một bản hướng dẫn cách chăm sóc gấu con để nhờ lực lượng kiểm lâm chăm sóc gấu. Sau đó, các thành viên trong đoàn sốt sắng, khẩn trương chuẩn bị đồ đạc, dụng cụ cứu hộ lên đường.
"Đến nơi, gặp hai gấu con, sức khỏe của chúng yếu lắm, chân choãi ra, không đi được, mỗi con chỉ vẻn vẹn được khoảng 3 kg, ông Tuấn Bendixsen nhớ lại.
Suốt chặng đường từ Kon Tum về Tam Đảo, hai chú gấu con được ủ ấm bằng khăn, đệm bông và cả rơm khô. Cứ chạy xe được 2 tiếng, đoàn cứu hộ lại dừng lại pha sữa cho hai gấu con uống vì chúng còn nhỏ quá không tự ăn được.
Đi đến khi trời tối, cả đoàn phải thuê khách sạn để nghỉ qua đêm, lúc này ông Tuấn Bendixsen phải giấu kín hai chú gấu con vào túi xách lén lút mang vào khách sạn vì nếu bị phát hiện thì họ sẽ không đồng ý.
Cả đêm hôm ấy, họ phải thức trắng đêm để pha sữa cho Bradly và Lintron uống. Ông Tuấn Bendixsen bảo, chăm sóc gấu con như chăm sóc đứa trẻ mới sinh, gặp nhiều khó khăn, chúng tôi luôn coi chúng như chính những đứa con đẻ của mình.
Mới đây nhất, ngày 12.4, trải qua hành trình dài hai ngày một đêm, hai chú gấu con khác là Misty (Sương) và Raine (Mưa) đã được các nhân viên cứu hộ giải cứu thành công từ Chi cục kiểm lâm Lai Châu về đến Tam Đảo.
Chị Hoàng Thị Quyên, cán bộ quản lí giáo dục ở Trung tâm cứu hộ gấu Tam Đảo, cho biết sau khi giải cứu thành công, có nhiều cá thể gấu được đưa về trong tình trạng chấn thương nặng, sức khỏe suy kiệt khiến mọi người vô cùng xót xa, lo lắng.
Chẳng hạn như gấu Jpedee ở Bình Dương, lúc về Tam Đảo bị viêm và hoại tử túi mật nên đã chết sau đó khoảng 6 tháng; gấu ngựa Vandrew có nhiều vết thương ở trên đầu do chà xát vào song cũi cả ngày, bị mất toàn bộ chi trước bên phải và mù mắt bên phải, túi mật bị viêm nhiễm, thùy gan bên cạnh có nhiều vết sẹo do bị chọc kim tiêm quá nhiều lần. Hay gấu Bubu bị đau xương khớp lúc đầu không thể di chuyển được hay gấu Cat đã được 8 tuổi nhưng bị suy dinh dưỡng, gầy nhom chỉ được chừng 50 kg...
Thế nhưng, về Tam Đảo trải qua một hành trình dài được chăm sóc, nuôi dưỡng trong môi trường bán hoang dã, những cá thể gấu được "hồi sinh".
Trong khoảng thời gian 45 ngày đầu, gấu sẽ được đưa vào khu nhà cách ly tạm thời để các chuyên gia thú y tiến hành kiểm tra, tận tình theo dõi sức khỏe ban đầu.
Hầu hết các cá thể gấu đã bị nhốt trong lồng nhỏ quá lâu, không được vận động, nhiều bản năng sinh tồn đã bị mất đi. Ông Tuấn Bendixsen đau xót khi nhìn hình ảnh lần đầu chú gấu Zebedee đứng lặng im nghe và nghểnh mắt lên nhìn chú chim đứng hót trên cành cây vì Zebedee thấy đó là điều lạ.
Khi mới về trung tâm, gấu sẽ được chăm sóc trong những chiếc lồng nhỏ trước, sau đó sang lồng lớn hơn, rồi sang buồng gấu, tiến tới việc liên kết các buồng gấu để tạo không gian rộng rồi mới được đưa ra khu bán hoang dã. Nơi đây, gấu có thể được leo trèo, bơi lội, chạy nhảy để rèn luyện các kỹ năng sinh tồn ngoài tự nhiên.
Trước đó, không bị con người đối xử ngược đãi thì những cá thể gấu này cũng sắp bị xẻ thịt nên khi mới vào chúng kêu gào, gầm rú thảm thiết như giận dữ, oán hờn. Dần dần, sau một thời gian dài gấu được nhân viên chăm sóc tận tình, cho ăn 3 bữa/ngày, trung bình từ 2-5 kg rau, củ, quả nên chúng cũng bớt hung dữ hơn nhiều.
Do gấu thường được cứu hộ đơn lẻ, nên sau khi về đây và được chăm sóc hồi phục sức khỏe, gấu sẽ trải qua một quá trình làm quen với các “bạn” gấu khác.
Để luyện gấu tích cực sử dụng khứu giác, thị giác cũng như sự khéo léo của cơ thể để tìm kiếm thức ăn, các nhân viên chăm sóc thường giấu thức ăn trong các ống tre, hốc cây, trên cành.
Bao giờ gấu mới về thiên nhiên hoang dã?" Trả lời Thanh Niên Online, ông Tuấn Bendixsen - Giám đốc Trung tâm cứu hộ gấu Tam Đảo Nam cho rằng, câu hỏi đó vượt quá chức năng, thẩm quyền của trung tâm. Theo ông, thả gấu về với thiên nhiên hoang dã là cả một lộ trình dài, cần nghiên cứu quy hoạch về khu tái thả. Trung tâm đã có đề xuất, xin ý kiến của Bộ NN-PTNN nhưng hiện tại Bộ NN-PTNN chưa có phương án thực hiện. Hiện tại Trung tâm Cứu hộ gấu Tam Đảo đang chăm sóc, nuôi dưỡng 106 cá thể gấu, trong đó có 7 gấu chó và 99 gấu ngựa, tối đa trung tâm có thể đón 200 cá thể. |
Nguyễn Tuấn
Bình luận (0)