Vì sao hành khách khó đón xe vào Nam?

07/02/2006 21:38 GMT+7

Trước Tết, các bến xe ở TP.HCM đã đưa trên 800 ngàn lượt hành khách về quê trong trật tự và an toàn. Những ngày cao điểm như 27 Tết, lượng khách tăng kỷ lục, lên đến trên 130 ngàn lượt hành khách, nhưng các bến xe Miền Đông, Miền Tây, Ngã tư Ga... vẫn không quá tải. Phó giám đốc Tổng công ty cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (SAMCO) - ông Phạm Quốc Tài chiều 6/2 giải thích điều này với PV báo Thanh Niên như sau:

- Sở dĩ các bến xe không quá tải vào dịp Tết là nhờ có cơ chế và sự phối hợp giữa TP.HCM với một số địa phương. Cơ chế ở đây là được sự cho phép của lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) trong việc phụ thu chiều xe chạy rỗng. Đương nhiên, việc phụ thu ở mức phù hợp với sức mua, để người dân cảm thấy chấp nhận được đồng thời các doanh nghiệp (DN) vận tải bù đắp được chi phí để dễ dàng huy động xe vào bến phục vụ trong những ngày cao điểm Tết. Khi đó, trật tự vận tải được đảm bảo và hành khách đi xe cũng cảm thấy quyền lợi của mình được đảm bảo, không lo bị bỏ dọc đường và không bị đối xử trái với quy định.

Thứ hai, trước Tết đã có sự phối hợp rất tốt giữa Sở Giao thông - Công chính TP.HCM với các ban ngành và các DN vận tải, trong đó có SAMCO. Sự phối hợp này gắn liền với quyền lợi của các DN và đặc biệt là bảo đảm được quyền lợi của hành khách đi xe. Nhờ đó mà các DN đã mạnh dạn đưa xe vào bến, kể cả SAMCO cũng đã huy động hết lượng xe nhàn rỗi vào phục vụ, không vì mục đích lợi nhuận, chỉ mong bù đắp đủ chi phí để giải quyết nhu cầu của bà con về quê ăn Tết.

* Ngược lại sau Tết, người dân ở các địa phương, đặc biệt là ở miền Trung rất khó đón được xe trở vào TP.HCM. Nhiều người đã phải đón xe ở dọc đường, bị nhồi nhét, ép giá và không ít người đã đi nhầm phải xe "dù", chưa tới bến xe Miền Đông đã đổ khách xuống. Có phải giữa các địa phương và TP.HCM chưa có sự phối hợp tốt như trước Tết?

- Qua các thông tin trên báo chí phản ánh trong mấy ngày nay, chúng tôi cảm thấy có cái gì đó chưa ổn trong việc tổ chức đón rước bà con từ các tỉnh trở về TP.HCM. Vấn đề ở đây cũng là chuyện cơ chế và sự phối hợp như đã nói ở trên. Cơ chế thì Bộ GTVT đã "mở" rồi, vì khi chạy rỗng 1 chiều thì bao giờ cũng phải có phụ thu để huy động xe vào bến. Nhưng theo chúng tôi biết, có địa phương cho phụ thu và cũng có những địa phương không cho phụ thu. Cho nên, những địa phương nào không cho phụ thu thì xe không chịu vào bến chở khách. Bà con có nhu cầu đi, nhưng trong bến không có xe thì phải ra quốc lộ để đón xe. Khi đó, thường thấy nhất là tình trạng nhồi nhét khách trên xe và hành khách phải trả giá vé rất cao mà quyền lợi thì không được đảm bảo.

Về sự phối hợp, trong những năm qua, giữa hai Sở GTCC TP.HCM và TP Cần Thơ đã có sự phối hợp rất tốt trong việc tổ chức cho bà con đi lại giữa hai địa phương trước và sau Tết. Năm nào cũng vậy, từ chiều mùng 3 Tết trở đi, chúng tôi đưa xe chạy rỗng từ TP.HCM về Cần Thơ để hỗ trợ địa phương đưa khách trở lại TP.HCM. Năm nay, cho đến giờ chúng tôi đã thực hiện được trên 80 chuyến xe huy động cho Cần Thơ. Phía TP Cần Thơ cũng cho phép phụ thu chiều rỗng nên việc huy động xe rất thuận lợi.

Một hình thức khác chúng tôi cũng đã thực hiện đối với các tuyến phía Bắc, đó là khi tăng cường xe về miền Bắc trước Tết, chúng tôi động viên anh em lái phụ xe ở lại ăn Tết ngoài đó, vì nếu xe chạy rỗng trên 1.700 km trở về Nam thì lãng phí. Từ mùng 1 Tết, khi đã có khách vào, các bến xe đã hỗ trợ cho số xe này rước khách trở vào TP.HCM. Năm nay, chúng tôi đã để 50 xe nằm lại các tỉnh, thành phố phía Bắc chờ sau Tết mới quay trở về, góp phần giải quyết nhu cầu đi lại sau Tết ở miền Bắc. Còn ở miền Trung, lâu nay chưa có sự phối hợp như thế. Tôi nghĩ các cơ quan quản lý tuyến của TP.HCM và các địa  phương ở miền Trung cũng cần có sự phối hợp với nhau đồng thời cũng cần có cơ chế cho phép phụ thu để các DN ở TP.HCM dễ dàng điều động xe ra giải quyết nhu cầu đi lại của bà con sau Tết. Nếu không có sự phối hợp thì dù các DN TP.HCM có thiện chí điều động xe ra thì không biết sẽ đậu đón khách ở đâu, ai bảo vệ quyền lợi cho các chủ xe an tâm hoạt động...

Mai Vọng
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.