Vì sao ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh bị truy tố trong dự án Ethanol Phú Thọ?

Thái Sơn
Thái Sơn
20/11/2020 06:29 GMT+7

Các bị can Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh... đều khai biết rõ liên danh nhà thầu PVC không đủ năng lực nhưng vẫn lựa chọn để thực hiện dự án Ethanol Phú Thọ, dẫn đến thiệt hại cho nhà nước và doanh nghiệp.

Cơ quan tố tụng xác định ông Đinh La Thăng biết rõ PVC không đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện dự án Ethanol Phú Thọ nhưng vẫn tìm mọi cách để PVC được chỉ định thầu trái quy định, dẫn đến dự án “đắp chiếu”, thiệt hại hơn 543 tỉ đồng.
Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố bị can Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN); Trịnh Xuân Thanh, Chủ tịch Tổng công ty CP xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), cùng 10 đồng phạm trong vụ án “vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” và “lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ”, xảy ra tại Công ty CP hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB) và dự án nhiên liệu sinh học Ethanol Phú Thọ.
Trong vụ án này có 11 bị can bị truy tố về tội “vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” theo khoản 3, điều 244 bộ luật Hình sự năm 2015, gồm: Đinh La Thăng, Vũ Thanh Hà (nguyên Tổng giám đốc PVB), Trần Thị Bình (nguyên Phó tổng giám đốc PVN), Đỗ Văn Quang (nguyên Trưởng ban Kinh tế kế hoạch PVN)... Riêng bị can Trịnh Xuân Thanh bị truy tố thêm tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ” theo khoản 3, điều 356 bộ luật Hình sự.

Nhà thầu ngàn tỉ “bỏ chạy”

Theo cáo trạng, PVB được thành lập ngày 27.12.2007 theo chủ trương của PVN để thực hiện đầu tư dự án Ethanol Phú Thọ tại H.Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Đây là dự án nhằm sản xuất ethanol làm nguyên liệu phối trộn tạo xăng sinh học, công suất 100.000 m3 ethanol tuyệt đối (99,7%)/năm, tương đương 330 m3/ngày; tổng mức đầu tư hơn 1.317 tỉ đồng; thời gian thực hiện trong 18 tháng, dự kiến tháng 10.2010 đi vào hoạt động.
Năm 2008, PVB phê duyệt gói thầu TK05 “chìa khóa trao tay” xây dựng nhà máy và tiến hành đấu thầu công khai lựa chọn nhà thầu. Đã có 6 nhà thầu nộp hồ sơ tham gia, trong đó có liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T (liên danh PVC). Kết quả cả 6 nhà thầu đều được đánh giá chưa đạt tiêu chí chủ đầu tư đặt ra. Trong đó liên danh PVC còn bị đánh giá chưa đạt nhiều tiêu chí.
Dù biết rõ liên danh PVC chưa thực hiện dự án nào trong lĩnh vực nhiên liệu ethanol nhưng với vai trò Chủ tịch PVN và Trưởng ban Chỉ đạo triển khai các dự án nhiên liệu sinh học, ông Đinh La Thăng đã chủ trì nhiều cuộc họp để định hướng giao cho liên danh này. Nhờ đó, liên danh PVC được chỉ định thầu thay vì đấu thầu theo kế hoạch.
Ngày 21.9.2009, liên danh của PVC bắt đầu triển khai dự án, đến ngày 27.3.2013 nhà thầu này đơn phương dừng thi công dự án khi chưa có bất cứ hạng mục nào được hoàn thành, bàn giao theo cam kết với lý do: liên danh PVC gặp nhiều khó khăn về tài chính không thể tiếp tục dự án, liên danh PVC hoàn toàn không có kinh nghiệm quản lý và kết nối công nghệ... Thậm chí, liên danh PVC còn có văn bản đề nghị PVN đưa nhà thầu khác vào thay, còn mình chỉ thực hiện các hạng mục lắp đặt...
Tính đến thời điểm khởi tố vụ án (năm 2018), PVB đã sử dụng gần 1.500 tỉ đồng để thực hiện dự án xây dựng nhà máy sản xuất ethanol và các dự án thành phần, trong đó vay ngân hàng 754 tỉ đồng. Cáo trạng xác định dự án Ethanol Phú Thọ gây ra toàn bộ số tiền lãi phát sinh mà PVB đã trả và số còn nghĩa vụ trả cho các ngân hàng từ khi dự án dừng thi công đến ngày khởi tố là 543 tỉ đồng.
Tại cơ quan điều tra, các bị can Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Vũ Thanh Hà, Trần Thị Bình... đều khai biết rõ liên danh nhà thầu PVC không đủ năng lực nhưng vẫn lựa chọn để thi công, dẫn đến thiệt hại cho nhà nước và doanh nghiệp.

Trịnh Xuân Thanh lấy tiền công ty mua đất cho người thân

Đối với bị can Trịnh Xuân Thanh, cơ quan tố tụng xác định ngoài sai phạm trong dự án Ethanol Phú Thọ, bị can này còn có hành vi tư lợi tại PVC và đơn vị thành viên. Cụ thể năm 2009, Trịnh Xuân Thanh đã chỉ đạo bị can Đỗ Văn Hồng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư và xây lắp dầu khí Kinh Bắc (PVC Kinh Bắc) - thành viên của PVC, sử dụng tiền thi công tại dự án Nhà máy Polyester Đình Vũ - Hải Phòng mua lô đất 3.400 m2 tại H.Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Thời điểm này, PVC là nhà thầu dự án Nhà máy Polyester Đình Vũ và PVC Kinh Bắc là thầu phụ. Các bị can đã bàn bạc thống nhất PVC cho PVC Kinh Bắc tạm ứng 25 tỉ đồng, sau đó PVC Kinh Bắc sử dụng 24 tỉ đồng để mua đất. Để hợp thức hóa khoản tiền này, Trịnh Xuân Thanh chủ trương tăng vốn điều lệ của PVC Kinh Bắc từ 50 tỉ đồng lên 150 tỉ đồng và sử dụng khoản tiền tạm ứng nêu trên thành tiền góp vốn của PVC tại PVC Kinh Bắc.
Tiếp đó, Trịnh Xuân Thanh đề nghị Đỗ Văn Hồng chuyển nhượng lại lô đất ở TT.Tam Đảo cho Thanh với giá 23,8 tỉ đồng. Để thực hiện, Trịnh Xuân Thanh đã thành lập Công ty Mai Phương và nhờ bố đẻ mình là ông Trịnh Xuân Giới đứng tên chủ sở hữu. Sau đó, Đỗ Văn Hồng đã ký hợp đồng chuyển nhượng thửa đất 3.400 m2 cho Công ty Mai Phương. Tuy nhiên, Trịnh Xuân Thanh đã lợi dụng chức vụ chủ tịch HĐQT PVC, có sự chi phối ảnh hưởng đến hoạt động của PVC Kinh Bắc nên chỉ trả tiền mua thửa đất trên là 20,8 tỉ đồng, còn 3 tỉ đồng không trả. Đến nay trên hệ thống sổ sách kế toán của PVC Kinh Bắc vẫn hạch toán số tiền 3 tỉ đồng là khoản phải thu của Công ty Mai Phương.
Sau khi nhận chuyển nhượng từ PVC Kinh Bắc, ông Trịnh Xuân Giới tiếp tục chuyển nhượng toàn bộ Công ty Mai Phương gồm cả thửa đất trên cho vợ của Trịnh Xuân Thanh là Trần Dương Nga. Đến tháng 6.2016, bà Nga tiếp tục chuyển nhượng công ty cho người khác với giá 45 tỉ đồng. Trong vụ án này, Trịnh Xuân Thanh được xác định vai trò chủ mưu, bị can Đỗ Văn Hồng có vai trò đồng phạm về tội danh lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ.
Ngoài vụ án này, các bị can Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh đang là bị án trong nhiều vụ án khác vì sai phạm tại các dự án của ngành dầu khí.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.