Vì sao ông Lê Tấn Hùng bị bắt giam?

07/07/2019 05:55 GMT+7

Các sai phạm tại SAGRI xảy ra từ năm 2004, kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ. Ông Lê Tấn Hùng bị xác định có trách nhiệm trong các vi phạm về quản lý tài chính, đất đai, dự án... thời kỳ liên quan

Với những sai phạm xảy ra tại Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV (SAGRI), ông Lê Tấn Hùng (56 tuổi, ngụ P.6, Q.3, TP.HCM), nguyên Tổng giám đốc SAGRI, vừa bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Ông Lê Tấn Hùng bị di lý ra Hà Nội để phục vụ công tác điều tra. Ngoài ông Lê Tấn Hùng, cùng bị khởi tố, bắt tạm giam lần này cũng về tội danh trên, có ông Nguyễn Thành Mỹ (60 tuổi, nguyên Phó trưởng phòng Kế hoạch - Đầu tư; ngụ P.8, Q.8, TP.HCM).
Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (C01, Bộ Công an) cho biết đang tiếp tục điều tra vụ án “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” quy định tại điều 219 bộ luật Hình sự năm 2015, xảy ra tại SAGRI. Theo đó ngày 6.7, C01 đã thi hành quyết định khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam (4 tháng) và lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với Lê Tấn Hùng và Nguyễn Thành Mỹ.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, từ sáng đến chiều 6.7, lực lượng chức năng thi hành lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc của các bị can Lê Tấn Hùng và Nguyễn Thành Mỹ. Việc khám xét diễn ra vài giờ đồng hồ, cơ quan công an đã thu giữ một số tài liệu liên quan phục vụ điều tra vụ án.
Vì sao ông Lê Tấn Hùng bị bắt giam ?

Ông Lê Tấn Hùng (trái) và ông Nguyễn Thành Mỹ bị khởi tố, bắt giam

Ảnh: BCA

Hàng loạt sai phạm kéo dài

Là doanh nghiệp nhà nước (thuộc UBND TP.HCM), SAGRI có lợi thế lớn trong việc được giao đất đai với hàng ngàn héc ta, nguồn lực lớn từ vốn, cơ sở nhà đất, trong đó có nhiều vị trí đất vàng... Tuy nhiên, hoạt động điều hành, kinh doanh của SARGI lại bất chấp quy định pháp luật, để xảy ra sai phạm trong một thời gian dài. Các sai phạm của SAGRI "trải rộng" từ công tác quản lý tài chính, đầu tư, hợp tác đầu tư, chuyển nhượng dự án, mua sắm, đấu thầu...
Các sai phạm tại SAGRI xảy ra từ năm 2004, kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ, “dính” đến 18 lãnh đạo chủ chốt của SAGRI trong hội đồng thành viên, ban tổng giám đốc, kế toán trưởng, kiểm soát viên... Riêng ông Lê Tấn Hùng ngoài “khoản ký khống hợp đồng hơn 13 tỉ đồng”, còn bị xác định có trách nhiệm trong các vi phạm về quản lý tài chính, đất đai, dự án... thời kỳ liên quan.

Dấu hiệu gây thất thoát tài sản nhà nước

Đất đai công sản được giao cho SAGRI lên đến khoảng 1.900 ha. Tuy nhiên, hàng loạt dự án quy mô hàng trăm héc ta/dự án do SAGRI thực hiện có sai sót, đặc biệt là các dự án: dự án trồng chuối xuất khẩu tại xã Phạm Văn Cội; khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại xã Phú Mỹ Hưng (đều tại H.Củ Chi, TP.HCM); khu sản xuất nông nghiệp Phạm Văn Cội...
SAGRI còn chuyển nhượng đất dự án "giá bèo" trái luật, điển hình là phát triển nhà ở tại KP.4, P.Phước Long B, Q.9 (chuyển nhượng giá hơn 168 tỉ đồng, tương đương hơn 10,5 triệu đồng/m2. Mức giá này được xác định thấp hơn giá mà đơn vị được chuyển nhượng huy động vốn từ khách hàng thời điểm năm 2013 (gần 14 triệu đồng/m2) và thấp hơn giá chuyển nhượng của dự án liền kề (hơn 29 triệu đồng/m2).
Dấu hiệu gây thất thoát tài sản nhà nước cũng được chỉ ra sau phi vụ chuyển nhượng hơn 3,6 ha đất tại xã Cửa Cạn, H.Phú Quốc (Kiên Giang) của Công ty CP lâm nghiệp Sài Gòn (Forimex - công ty thành viên của SAGRI, và SAGRI chiếm hơn 26% vốn góp) cho một cá nhân với giá 280.000 đồng/m2 (sau đó, có đơn tố cáo Forimex bán đất “giá bèo” vì giá thị trường loại đất này ở thời điểm chuyển nhượng là khoảng 3 triệu đồng/m2). SAGRI còn “qua mặt” UBND TP.HCM để gây ra các sai phạm nghiêm trọng khác tại hàng loạt dự án đầu tư sử dụng đất công sản, điển hình là tại dự án Cụm công nghiệp Láng Le - Bàu Cò ở xã Lê Minh Xuân (H.Bình Chánh) diện tích hơn 89 ha, tổng mức đầu tư 693 tỉ đồng...
Đối với việc quản lý, sử dụng đất, mặt bằng, nhà đất công của SAGRI và các đơn vị thành viên, Thanh tra TP.HCM xác định SAGRI sử dụng 13/17 mặt bằng, nhà đất cho thuê lại một phần hoặc toàn bộ diện tích là không đúng phương án xử lý tổng thể nhà, đất; không đúng đối tượng, mục đích sử dụng đất theo quyết định giao đất, cho thuê đất của UBND TP.HCM và Thông tư số 39/2011 của Bộ Tài chính.
Số tiền thu từ hoạt động cho thuê mặt bằng, nhà đất không đúng quy định hơn 6,9 tỉ đồng. Việc quản lý, sử dụng đất tại công ty bò sữa, công ty cây trồng thực hiện chưa đúng các quy định pháp luật.

Vốn nhà nước cũng bị tổn thất

SAGRI hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, có vốn điều lệ được duyệt hơn 1.690 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu tính đến ngày 31.12.2016 hơn 2.000 tỉ đồng.
Cơ cấu lãnh đạo trong SAGRI gồm hội đồng thành viên 3 người; ban tổng giám đốc có 5 người, trong đó có 1 cấp trưởng (ông Lê Tấn Hùng) và 4 cấp phó; kiểm soát viên có 2 người. Mặc dù có số vốn lớn, hoạt động góp vốn, hợp tác liên doanh nhiều, nhưng hầu hết hoạt động của SAGRI bị thanh tra đều có “dính” sai phạm.
Về hoạt động đầu tư, tính đến ngày 31.12.2016, SAGRI đầu tư trực tiếp 100% vốn vào 3 công ty con (công ty bò sữa, công ty cây trồng, công ty xuất nhập khẩu nông lâm hải sản với hơn 642 tỉ đồng); đầu tư vốn tỷ lệ trên 50% vào 4 công ty con (hơn 50 tỉ đồng), và đầu tư vốn tỷ lệ dưới 50% vào 21 đơn vị là các công ty liên doanh, công ty TNHH và công ty CP khác hơn 322 tỉ đồng. Với tổng vốn đầu tư đã chi ra hơn 1.070 tỉ đồng, nhưng lợi nhuận SAGRI thu về năm 2015 chỉ hơn 53 tỉ đồng (đạt 4,97% tổng vốn đầu tư), năm 2016 chỉ hơn 33 tỉ đồng (đạt 3,15% tổng vốn đầu tư).
Qua thanh tra toàn diện, Thanh tra TP.HCM khẳng định hoạt động đầu tư vốn của SAGRI hiệu quả không cao, một số khoản đầu tư tài chính dài hạn không hiệu quả, thua lỗ kéo dài, phải ngưng hoạt động dẫn đến vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp này bị tổn thất (18/28 đơn vị không lãi).
Điển hình vốn nhà nước bị thất thoát là việc hợp tác đầu tư dự án trồng và khai thác cây cao su tại tỉnh Đắk Lắk vào năm 2011. Thời điểm này, SAGRI ký hợp đồng 60 tỉ đồng với Công ty CP tư vấn đầu tư Đức Nguyên (Công ty Đức Nguyên) để triển khai trồng 4.000 ha cao su tại H.Ea Súp (Đắk Lắk). Ngay sau đó, 12 tỉ đồng (20%) đã được tạm chi cho Công ty Đức Nguyên. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa triển khai. Thanh tra TP.HCM khẳng định việc SAGRI sử dụng tài sản nhà nước ký kết hợp đồng dịch vụ với Công ty Đức Nguyên mà không kiểm tra, đánh giá, thẩm định năng lực của đối tác là sử dụng không hiệu quả vốn nhà nước, thể hiện sự chủ quan; trách nhiệm sai phạm chính thuộc về Tổng giám đốc SAGRI, Giám đốc công ty bò sữa thời kỳ liên quan.
Đối với dự án nhà máy chế biến gạo xuất khẩu tại tỉnh Long An mà SAGRI hợp tác liên doanh, ký hợp đồng góp hơn 83 tỉ đồng với Công ty CP Sài Gòn - Việt Hưng từ 2010, sai phạm làm thiệt hại vốn nhà nước cũng được Thanh tra TP.HCM xác định trách nhiệm của trưởng phòng đầu tư, kế toán trưởng, Tổng giám đốc SAGRI thời kỳ có liên quan. Trong “phi vụ này”, Thanh tra TP.HCM cũng chỉ ra những bất cập, thiếu sót đến mức “khó hiểu” đối với phương thức góp vốn, tăng vốn điều lệ, hạch toán định giá tài sản...

Đấu thầu, mua sắm tùy tiện

Thanh tra TP.HCM cũng phát hiện tại SAGRI và các đơn vị thành viên có nhiều sai phạm về tài chính khác. Điển hình là qua kiểm tra ngẫu nhiên hồ sơ mua sắm tài sản cố định (12/30 gói mua sắm), Thanh tra TP.HCM nhận thấy việc mua sắm tài sản cố định tại SAGRI và các đơn vị phụ thuộc chưa đảm bảo đầy đủ về trình tự thủ tục quy định tại luật Đấu thầu 2013, Nghị định số 63/2014 của Chính phủ và quy định pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Thanh tra TP.HCM khẳng định những thiếu sót này thuộc trách nhiệm của bộ phận đề xuất tham mưu mua sắm, kế toán trưởng và giám đốc trung tâm giống thủy sản và cây trồng; kế toán trưởng, Tổng giám đốc SAGRI thời kỳ liên quan.
Đối với việc thực hiện các dự án đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, Thanh tra TP.HCM xác định SAGRI không làm thủ tục công khai kết quả lựa chọn nhà thầu 4 dự án: thảm nhựa đường từ đường Lê Đức Thọ vào cổng Trung tâm giết mổ gia cầm An Nhơn; nhà màng trồng dưa lưới tại trung tâm giống thủy sản và cây trồng; sửa chữa nhỏ tại Trung tâm giết mổ gia cầm An Nhơn; sửa chữa nhà văn phòng, nạo vét kênh nội đồng tại trung tâm giống thủy sản và cây trồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.