Vì sao TP.HCM thường xuyên ngập úng sau mưa lớn?

09/06/2018 15:00 GMT+7

Theo các chuyên gia, tình trạng bê tông hoá làm tăng nguy cơ ngập úng, gây ảnh hưởng đến sự phát triển của TP.HCM.

Tham luận của các chuyên gia tại hội thảo “Cơ hội và lựa chọn quản lý phát triển tích hợp hướng tới thành phố thông minh ở vùng TP.HCM” do Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM và Trường Đại học Việt Đức tổ chức ngày 7.6.
[VIDEO] "Khu nhà giàu" Thảo Điền cũng chật vật vì ngập sâu - Video tư liệu
Hội thảo “Cơ hội và lựa chọn quản lý phát triển tích hợp hướng tới thành phố thông minh ở vùng TP.HCM” diễn ra ngày 7.6 Ảnh: Nguyễn Tiến
Bê tông hoá làm tăng nguy cơ ngập
Theo ThS Nguyễn Việt Hưng, Trung tâm Điều hành chống ngập nước TP.HCM, nguyên nhân gây ra ngập lụt do nhiều nhân tố, trong đó quan trọng nhất là mưa lớn, triều cường, hệ thống thoát nước kém ở khu vực đô thị, lũ trên sông chính, sự phối hợp chưa chặt chẽ trong điều hành hoạt động của các hồ chứa trên thượng nguồn và tình trạng sụt lún nền do khai thác nước ngầm.
“Tần suất các trận mưa lớn tăng dần trong các thập kỷ qua, trong khi hệ thống thoát nước trong thành phố đã cũ kỹ và không đủ công suất thoát nước, thậm chí nhiều khu vực trong thành phố chưa có hệ thống thoát nước. Ngập úng do mưa lớn vì thế đã trở nên thường xuyên và ngày càng trở nên trầm trọng hơn”, ThS Hưng nhận định.
KTS Trịnh Thanh Tú, Trường ĐH Việt Đức, đồng tình với ý kiến trên và cho rằng thành phố phải đối mặt với tình trạng ngập úng thường xuyên, nhất là trong mùa mưa. Tuy nhiên, cách tiếp cận vấn đề thoát nước hiện nay chỉ tập trung vào việc thu và chuyển nước mưa qua hệ thống thoát nước hiện hữu. Trong khi, đa phần các hệ thống thoát nước này chưa hoàn chỉnh, thiếu phương thức vận hành và bảo dưỡng phù hợp.
Riêng TS Nguyễn Ngọc Hiếu, Trường ĐH Việt Đức, thì cho rằng nguyên nhân là do bê tông hoá bề mặt trên diện rộng, làm gia tăng lượng nước chảy tràn. Việc xây dựng công trình và khai thác nước ngầm gây sụt lún, giảm bù nước thấm. Quá trình tôn nền cũng làm thay đổi hướng thoát nước, gây ngập lụt cục bộ. Cùng với các vấn đề biến đổi khí hậu, nước biển dâng, biến động từ thay đổi quy hoạch vùng…
[VIDEO] Mất ăn, mất ngủ vì nước ngập vào nhà sau cơn mưa cực lớn - Video tư liệu
Làm sao để chống ngập hiệu quả?
Để chống ngập hiệu quả, giúp người dân có thông tin ứng phó kịp thời, ThS Nguyễn Việt Hưng đề xuất xây dựng hệ thống dự báo và cảnh báo sớm rủi ro ngập lụt. Trong đó, cần nâng cao năng lực dự báo mưa, mực nước và diện ngập trong thời đoạn ngắn. Mặc khác, cần xây dựng Trung tâm điều hành hiện đại, đáp ứng yêu cầu hiện đại hoá, tự động hoá quy trình điều hành chống ngập, nâng cao hiệu quả vận hành, duy tu bảo dưỡng hệ thống phòng, chống ngập và thoát nước.
“Để làm tốt công tác dự báo và cảnh báo sớm phục vụ chống ngập thì TP.HCM cần phải mở rộng mạng lưới quan trắc. Theo tiêu chuẩn quốc tế, thành phố cần phải lắp đặt mới 10 trạm khí tượng, 120 trạm đo mưa, 17 trạm thuỷ văn tự động và 1 trạm radar thời tiết mới giúp việc dự báo và cảnh báo sớm ngập lụt”, ThS Hưng nói.
[VIDEO] giao thông trên nhiều tuyến đường TP.HCM tê liệt vì ngập sâu - Video tư liệu
Trong khi đó, KTS Trịnh Thanh Tú cho rằng thành phố cần quản lý nước mưa một cách hợp lý sẽ giảm thiểu tình trạng ngập úng hiện hữu. “Đô thị hoá ảnh hưởng đến dòng chảy nước mưa mà không được tính toán, sẽ làm tình trạng ngập úng tăng và chất lượng của nước mặt, nước ngầm bị ảnh hưởng. Ngoài ra, biến đổi khí hậu khiến lượng mưa biết động thất thường với tần suất và cường độ mưa ngày càng tăng cao, trong khi cơ sở hạ tầng hiện hữu được thiết kế chưa tính đến những nguy cơ này”, KTS Tú giải thích.
ThS Nguyễn Việt Hưng thì cho rằng nền tảng để đảm bảo chống ngập hiệu quả là một hệ thống quản lý theo dõi giám sát, quan trắc và điều chỉnh kịp thời các chương đầu tư. Việc này sẽ góp phần hỗ trợ, quản lý và điều chỉnh thích ứng giữa thực tế thoát nước, độ phủ bề mặt, sụt lún đô thị hay nhu cầu xả nước đột biến.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng nhận định vẫn còn tình trạng người dân xả rác bừa bãi dẫn đến tắc nghẽn đường ống tiêu thoát nước, cá nhân hoạt động xây dựng chưa ý thức được lợi ích tổng thể, tiến hành san lấp kênh rạch tự nhiên, khai thác nguồn nước ngầm trái phép dẫn đến sụt lún… Vì vậy, nếu khai thác được năng lực đóng góp tham gia của người dân thì ngập úng sẽ giảm đáng kể.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.