Vì sao TP.HCM xây đài phun nước nghệ thuật trên phố đi bộ Nguyễn Huệ?

Đình Phú
Đình Phú
20/03/2019 11:47 GMT+7

Tại giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi (Q.1, TP.HCM) ở phố đi bộ, UBND TP.HCM sẽ cho xây đài phun nước nghệ thuật với kế hoạch chỉnh trang, thiết kế lại cảnh quan khu vực vùng lõi trung tâm thành phố.

 
[VIDEO] Phố đi bộ Nguyễn Huệ ra sao khi có đài phun nước mới ở bùng binh Cây Liễu?
Liên quan đến quyết định xây đài phun nước nghệ thuật trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, sáng 20.3, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM cho hay khu vực trung tâm TP.HCM là nơi tập trung nhiều không gian công cộng đô thị quan trọng, các công trình kiến trúc có giá trị, mang nhiều ý nghĩa về chính trị, văn hóa, lịch sử và nghệ thuật kiến trúc.
Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, từ giai đoạn 2011 - 2012, được sự tài trợ của chính phủ Tây Ban Nha, Sở QH-KT đã cùng với một đơn vị tư vấn quy hoạch quốc tế nghiên cứu và đề xuất ý tưởng cảnh quan và không gian các tuyến đường trong khu vực trung tâm thành phố (thuộc địa bàn Q.1) với mục tiêu định hướng tổ chức không gian đi bộ, tổ chức giao thông và các khu vực đỗ xe, hướng dẫn thiết kế đô thị và thiết kế cảnh quan đường phố.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM cho hay đơn vị tư vấn quy hoạch quốc tế đã đề xuất định hướng tổ chức không gian cảnh quan chung khu trung tâm, bao gồm: các giải pháp tăng cường các đặc trưng về cảnh quan, những nét riêng có tính hấp dẫn về lịch sử, truyền thông và cả hiện đại; tối ưu hóa các tiện ích, chức năng cho người dân thành phố về sự tiện nghi, nhất là trong điều kiện khí hậu nhiệt đới nhiều mưa và nắng nóng; nghiên cứu trên cơ sở kết hợp giữa sự gia tăng các hệ thống giao thông công cộng và sự hình thành phát triển của không gian đi bộ một cách hài hòa.   
Phối cảnh đài phun nước nghệ thuật tại giao lộ phố đi bộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi về đêm. Phương án mặt bằng tổng thể đài phun nước với hình tượng chính là tượng hoa sen bằng thủy tinh ở vị trí trung tâm được cách điệu từ nụ hoa sen đang nở, đồng thời kết hợp với các vòi phun nước hướng vào tâm thể hiện tinh thần đoàn kết cùng hướng tới mục tiêu phát triển chung của thành phố. Thiết kế mang tính hiện đại thân thiện và tôn trọng kiến trúc đặc trưng của trụ sở UBND TP.HCM và Nhà hát Thành phố qua những chi tiết gờ chỉ, màu sắc trên thành hồ, ghế đá, bồn cây và lối đi bộ xung quanh đài phun nước ẢNH: H.T
Phố đi bộ Nguyễn Huệ nhìn từ trụ sở UBND TP.HCM (86 Lê Thánh Tôn, P.Bến Nghé, Q.1) hiện hữu. Trước đó, đường Nguyễn Huệ dài 670 m, rộng 64 m, bắt đầu từ công viên Bạch Đằng (đường Tôn Đức Thắng) đến trước trụ sở UBND TP.HCM (đường Lê Thánh Tôn) được đầu tư thành phố đi bộ đầu tiên của TP.HCM, mặt đường lót toàn bộ bằng đá granit với tổng kinh phí đầu tư khoảng hơn 430 tỉ đồng; hoàn thành đưa vào hoạt động từ tháng 4.2015 ẢNH: ĐÌNH PHÚ
Giao lộ phố đi bộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi đã được rào chắn để thi công đài phun nước nghệ thuật, dự kiến quý 2/2019 hoàn thành.Vị trí này trước đây (khi chưa được tiến hành cải tạo, hình thành phố đi bộ Nguyễn Huệ) thường được gọi là bùng binh Cây Liễu, được thiết kế 1 hồ phun nước nổi và có trồng liễu. Tuy nhiên, khi xây dựng, cải tạo và đưa phố đi bộ Nguyễn Huệ vào sử dụng (từ tháng 4.2015 đến nay), bùng binh Cây Liễu được tháo dỡ hoàn toàn, thay vào đó là mặt bằng quảng trường phố đi bộ lót đá granit, ngay phía dưới thiết kế hồ nước ngầm, có vòi phun lên bề mặt phố đi bộ Nguyễn Huệ kết hợp nhạc, ánh sáng ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Cùng với đó, các nhà quy hoạch đã đề xuất ý tưởng tổ chức không gian khu trung tâm trên cơ sở phân tích về: tỷ lệ phù hợp với quy mô đô thị, dân số và năng lực đón du khách quốc tế trong tương lai, tạo sự hấp dẫn, kích thích sự phát triển và cạnh tranh với các đô thị khác trong khu vực, khoảng cách của các điểm đi bộ, tổ chức không gian đô thị, tạo ra sự phong phú trong cảnh quan đô thị, kết nối với các khu vực lân cận, kết nối cảnh quan khu trung tâm với cảnh quan sông nước, thiết lập sự pha trộn giữa hiện đại và truyền thông một cách hài hòa.
Với những nội dung nghiên cứu, phân tích khoa học về tổ chức không gian, cảnh quan và định hướng thực hiện quy hoạch đã thực hiện, dự án “Thiết kế ý tưởng về cảnh quan và bố cục không gian khu phố đi bộ trong khu trung tâm TP.HCM” của đơn vị tư vấn quy hoạch quốc tế đã khái quát bức tranh không gian đi bộ với những giải pháp cụ thể trong khu lõi trung tâm TP.HCM.
Mạng lưới kết nối không gian công cộng tại trung tâm Q.1, TP.HCM ẢNH: H.T
Cũng theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, sau khi thực hiện chỉnh trang tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ, trong thời gian tới cần triển khai tiếp tục trục Lê Lợi và các tuyến xung quanh. Ngoài ra, tuyến đường sắt đô thị số 1 (metro Bến Thành - Suối Tiên) đang chuẩn bị bàn giao mặt bằng tại tuyến đường Lê Lợi, nên việc triển khai nghiên cứu thiết kế và đầu tư lại toàn bộ cảnh quan dọc tuyến Lê Lợi là hết sức cần thiết và cấp bách. Công tác triển khai thực hiện qua hai giai đoạn.
Cụ thể giai đoạn 1: Hoàn chỉnh không gian công viên phía trước, phía sau Nhà hát Thành phố và không gian khu vực giao lộ giữa Lê Lợi - phố đi bộ Nguyễn Huệ, kết hợp các yếu tố cảnh quan nước, mảng xanh và không gian Tượng đài Bác (Công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, nằm từ phía trước trụ sở UBND TP.HCM đến giao lộ Lê Lợi - phố đi bộ Nguyễn Huệ), tạo điểm nhấn về mặt cảnh quan tại vị trí giao của 2 không gian, phân tách không gian sử dụng, đảm bảo về mặt giao thông và tầm nhìn thông thoáng từ phía Tượng đài Bác về hướng Sông Sài Gòn, đảm bảo tính trang nghiêm trước Tượng đài Bác.
Trong giai đoạn 1, phần xử lý điểm giao trục Lê Lợi với phố đi bộ Nguyễn Huệ xem xét sử dụng hình thức hồ nước tĩnh, có biểu tượng nghệ thuật, kết hợp có phun (đài phun nước) để vừa giải quyết yêu cầu điểm nhấn cảnh quan, chuyển tiếp không gian (tĩnh và động, chính trị, văn hóa và thương mại du lịch…), cải thiện môi trường khí hậu cũng như các yêu cầu về không gian khác.
Giai đoạn 2: Hoàn chỉnh thiết kế không gian kiến trúc cảnh quan của toàn bộ trục đường Lê Lợi hướng tới việc nghiên cứu đề xuất giải pháp thiết kế không gian cảnh quan đảm bảo việc kết nối định hình toàn bộ không gian công cộng, trong đó có phố đi bộ Nguyễn Huệ kết hợp với không gian ngầm, thương mại dịch vụ theo định hướng quy hoạch được duyệt.
Sơ đồ định hướng hệ thống đường đi bộ và giao thông tại trung tâm TP.HCM ẢNH: H.T
Với yêu cầu chung về tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan trong giai đoạn 1 và giai đoạn 2 như trên, việc xử lý điểm giao trục Lê Lợi với phố đi bộ Nguyễn Huệ tạo điểm nhấn về mặt cảnh quan là hết sức quan trọng. Ngoài ra, vị trí điểm giao giữa trục Lê Lợi và Nguyễn Huệ còn nằm ngay phía trước không gian của Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, là không gian có ý nghĩa chính trị quan trọng của thành phố.
Về phân khu chức năng, khu vực thiết kế được chia thành các không gian: không gian mở, công viên công cộng và khu vực đài phun nước trên phố đi bộ Nguyễn Huệ.
Đài phun nước nghệ thuật này là điểm giao của 2 trục phố đi bộ Nguyễn Huệ và Lê Lợi, đồng thời điểm tập trung du khách trong và ngoài nước, thường xuyên tổ chức nhiều sự kiện quan trọng của thành phố. Do đó, sự kết nối không gian và các công trình kiến trúc xung quanh sao cho hài hòa là yêu cầu quan trọng đã được đặt ra.
Mặt cắt tuyến đường Lê Lợi - kết hợp giữa giao thông cơ giới và ưu tiên các không gian đi bộ, không gian công cộng và các hoạt động thương mại, văn hóa hai bên đường ẢNH: H.T
Ông Hoàng Tùng, Phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM cho hay chiều cao thiết kế của đài phun nước nghệ thuật đã nghiên cứu đảm bảo góc nhìn thông thoáng từ Tượng đài Bác Hồ theo trục Nguyễn Huệ ra sông Sài Gòn, tạo tầm nhìn phù hợp cho khách bộ hành không làm che khuất tượng Bác và trụ sở UBND TP.HCM.
Công viên phía trước Nhà hát Thành phố cũng được chỉnh trang bổ sung tiện ích đường phố tại những vị trí thích hợp nhằm tăng tính tiện dụng trong việc sử dụng không gian công cộng, kết nối nhà ga metro và không gian, thuận tiện cho người dân đến tham quan và tham gia các hoạt động văn hóa ngoài trời phía trước công trình Nhà hát Thành phố.
Cùng với tuyến đường đi bộ Nguyễn Huệ, công viên trước Nhà hát Thành phố..., đài phun nước nghệ thuật tại giao lộ phố đi bộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi bước đầu sẽ đóng góp thêm các không gian công cộng và điểm đến hấp dẫn cho người dân thành phố, du khách. 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.