Vì sao vẫn có người dọa bom trên máy bay?

10/10/2006 00:47 GMT+7

Trong chưa đầy 6 tháng nhưng đã có tới ba lần máy bay của Vietnam Airlines (VNA) bị dọa có bom. Mỗi lần như vậy, VNA bị thiệt hại hàng trăm triệu đồng, uy tín của hãng bị ảnh hưởng. Vì sao những người gây ra hậu quả trên không bị xử lý? Thanh Niên đã trao đổi với ông Nguyễn Thành Trung, Phó tổng giám đốc VNA, về vấn đề này.

* Các hãng hàng không trong khu vực có thường xuyên gặp phải tình trạng này không thưa ông?

- Trong khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á, tôi chưa thấy nước nào liên tục xảy ra những chuyện như thế. Vì nếu có, chỉ một lần thôi, người ta cũng đã đưa ra làm quyết liệt rồi, sẽ không có lần thứ hai, lần thứ ba. Đây là những trường hợp hết sức nguy hiểm cho ngành hàng không. Ngoài thiệt hại về kinh tế cho hãng vận chuyển, nó còn ảnh hưởng đến uy tín của đất nước.

Ở mình thì tôi không hiểu như thế nào. Về cá nhân, ngay từ lần thứ nhất khi có hai hành khách nói là có bom trên máy bay, tôi đã nói rõ quan điểm là phải đưa ra công luận, phải đưa ra luật pháp đàng hoàng. Nếu mà nhân nhượng, vướng víu tình cảm như thế này, thế nọ, rồi sẽ có việc thứ hai. Lần thứ hai tôi cũng giữ quan điểm như thế. Tôi đã nói rồi, không xử lý thì sẽ có việc thứ ba. Và việc thứ ba đã xảy ra.

* Lần thứ nhất, trong số hai hành khách nói có bom trong hành lý, có một người là con rể của một lãnh đạo cấp cao đã nghỉ hưu. Có phải vì thế mà VNA không muốn làm to chuyện ?

- Tôi không rõ lắm, vì tôi không quan tâm đến việc họ là con ai. Xét về hoàn cảnh, họ là những hành khách bị say rượu, và cũng là trường hợp đầu tiên, có thể người ta không hiểu biết nên ta có thể châm chước. Nhưng lần thứ hai thì không có lý do gì mà bảo là lỡ lời, không hiểu biết được.

* Lần thứ hai bị dọa, VNA đã có những tuyên bố mạnh mẽ, chẳng hạn sẽ cấm không cho hành khách đó đi máy bay của VNA, kiện đòi hành khách phải bồi thường. Nhưng đến nay, vì sao những tuyên bố trên vẫn chỉ mang tính răn đe?

- Đó chỉ là quan điểm của riêng tôi. Các anh biết, người quyết định cuối cùng vẫn là tổng giám đốc (TGĐ). TGĐ không muốn đưa việc này ra nên chúng tôi cũng đành bó tay. Trong Ban TGĐ, tôi vẫn giữ quan điểm là việc này phải đưa ra pháp luật. Nhưng cuối cùng không biết vướng víu gì đấy, TGĐ bảo là thôi.

* Trong Ban TGĐ, có nhiều người đồng tình với quan điểm xử lý của ông?

- Nói chung là nhiều người có quan điểm như tôi.

* Lần này, vụ việc có được giải quyết nghiêm khắc?

- Trong ngành hàng không, anh không thể nói đùa trên mạng sống của người khác được. Việc đó là nghiêm trọng và phải thấy tính chất nghiêm trọng đó. Nhưng người làm việc đó lại chạy đến gặp ông này, gặp ông kia, rồi lại thôi. Tôi vừa đi công tác về nên chưa biết ý tưởng của TGĐ như thế nào. Tôi xác định, mình chỉ là người giúp việc. Quyết định cuối cùng vẫn là TGĐ. Tuy nhiên, việc thứ ba này mà không làm đến nơi đến chốn thì sẽ có việc thứ tư.

Đừng nghĩ là luật pháp thì vướng cái này, vướng cái nọ. Đưa ra là việc mình phải đưa ra còn luật pháp người ta xử theo quyền hạn của người ta. Không phải bảo là chờ Quốc hội có luật rồi mới đưa ra. Tôi vẫn bảo lưu quan điểm những việc này phải đưa ra pháp luật, cấm bay ba người này. Hôm nay (9/10), Mỹ đưa ra một danh sách cấm bay gồm mấy chục nghìn người. Tôi là người phục vụ chuyên chở, tôi có quyền không chở anh khi tôi thấy anh không an toàn.

Xuân Toàn
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.