“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”

18/05/2006 22:39 GMT+7

Ngày 17/10/1945, Báo Cứu Quốc số 69, phát hành tại Hà Nội, lần đầu tiên công bố bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng". Bức thư lập tức trở thành một sự kiện lớn trong đời sống chính trị của đất nước lúc bấy giờ. Nhân dân các địa phương khắp cả nước chào đón bức thư của Bác với niềm phấn khởi lớn lao. Ai cũng cảm thấy hả lòng, hả dạ khi được nghe chính cụ Hồ nghiêm khắc lên án những cán bộ biến chất mà hằng ngày họ vẫn gặp ở địa phương:

“Cậy thế mình ở trong ban này ban nọ, rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân. Quên rằng dân bầu mình ra là để làm việc cho dân chứ không phải là để cậy thế với dân". Rồi thì “Ăn muốn cho ngon, mặc muốn cho đẹp, càng ngày càng xa xỉ, càng ngày càng lãng mạn. Thử hỏi tiền bạc ấy ở đâu ra? Thậm chí lấy của công dùng vào việc tư, quên cả thanh liêm đạo đức. Ông ủy viên đi xe hơi, rồi bà ủy viên cho đến các cô, các cậu ủy viên cũng đi xe hơi của công. Thử hỏi những hao phí đó ai chịu?”... (1).

Mọi người xuýt xoa bàn tán: "Sao cụ Hồ ở tận Hà Nội, bận trăm công ngàn việc mà hiểu thấu mọi chuyện ở địa phương đến thế!". Còn các cụ phụ lão, kể cả các vị quan lại, nhân sĩ, trí thức, thì có người vừa đọc thư của bác Hồ vừa khóc vì xúc động. Lời lẽ chân tình của vị Chủ tịch nước trong lá thư làm cho mọi người tin chắc rằng những sai lầm khuyết điểm của các cán bộ ở địa phương như thói hống hách, cửa quyền, tệ tham nhũng... không phải là bản chất của chế độ mới.

Có nhớ lại bối cảnh đất nước trong những ngày đó mới thấy được hết ý nghĩa đặc biệt quan trọng này. Nhà nước cộng hòa dân chủ vừa mới được thành lập được hơn một tháng. Thù trong, giặc ngoài, điên cuồng quấy phá, tìm mọi cách lật đổ chính quyền non trẻ của chúng ta. Như kinh nghiệm lịch sử đã chỉ rõ, cái mà kẻ thù luôn tìm cách lợi dụng là sự bất bình của nhân dân đối với chế độ. Nếu sự bất bình này đã có thì chúng sẽ khoét sâu thêm. Nếu chưa có thì chúng sẽ tạo ra. Trong lịch sử không hiếm những chính quyền chỉ tồn tại được một thời gian ngắn vài ba tháng, thậm chí vài ba ngày đã bị lật đổ. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là chính quyền đó không được lòng dân.

Toàn bộ bức thư của Bác chỉ hơn 700 chữ mà có sức chứa thật lớn. Những vấn đề cốt lõi của cách mạng, cả về lý luận và thực tiễn: Mối quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân, đạo đức và con người, pháp luật và cách mạng... được Bác đề cập đến với cách diễn đạt vô cùng giản dị, dễ hiểu. Sinh thời, Bác Hồ rất ghét viết dài và nói dài. Cả một "Chương trình Việt Minh", với đầy đủ mọi chủ trương đường lối của thời kỳ tiền khởi nghĩa, bác chỉ tóm gọn trong 46 câu thơ lục bát. cả một bản hịch chống Pháp (2) có giá trị sâu sắc về mọi phương diện, từ quyết tâm kháng chiến của toàn dân tộc đến phương châm tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân trường kỳ, bác cũng chỉ thể hiện trong 196 chữ. Phong cách viết đặc trưng của Bác là ngắn gọn. Nhưng mỗi câu, mỗi chữ của Bác để lại đều góp cho đời một viên ngọc quý. Ví như trong bức thư "Gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” có những câu có thể viết thành biểu ngữ, kẻ thành khẩu hiệu treo trang trọng tại trụ sở các cơ quan Đảng và Nhà nước để làm phương châm hành động cho cán bộ, đảng viên.

“Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật”.

Hoặc:

“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”.

Nếu mỗi cơ quan Đảng và Nhà nước ta, nếu mỗi cán bộ và đảng viên ta thực hiện đúng những lời dạy đó của Bác thì chắc chắn tệ quan liêu, cửa quyền, tệ hối lộ, tham nhũng và rất nhiều tệ nạn khác nữa, sẽ không trở thành một bệnh dịch nguy hiểm, lan tràn khắp nơi như thời gian qua.

Bức thư ngày 17/10/1945 của Bác còn là một mẫu mực sáng ngời về sự tự phê bình công khai trước nhân dân, do đó mà có sức thuyết phục, sức cảm hóa được nhân lên gấp nhiều lần. Không phải ngẫu nhiên mà người đứng đầu một Chính phủ mới thành lập chưa đầy hai tháng lại dám đăng báo nói thẳng những khuyết điểm sai lầm của các cơ quan Nhà nước đối với quốc dân đồng bào như vậy. Chỉ có những ai thật quang minh chính đại và có lòng tin tuyệt đối vào nhân dân mới làm được điều đó. Cho đến gần đây và ngay cả hiện nay, vẫn có người sợ rằng công khai khuyết điểm sẽ bị kẻ địch lợi dụng. Về điều này, hai năm sau, năm 1947, trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc Bác đã khẳng định:

“Nói vậy là lầm to. Khuyết điểm cũng như chứng bệnh, phê bình cũng như uống thuốc. Sợ phê bình cũng như có bệnh mà giấu bệnh, không dám uống thuốc. Để đến nỗi bệnh ngày càng nặng, không chết cũng “la lết quả dưa” (3).

Bác cho rằng:

“Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một đảng hỏng”.

Những cán bộ giữ cương vị lãnh đạo và những người làm công tác tổ chức, sẽ tìm thấy khuyết điểm của mình mà trong thư mà Bác gọi là “tư túng”: “Kéo bè, kéo cánh, bà con bạn hữu mình không tài năng gì cũng kéo vào chức này, chức nọ. Người có tài, có đức nhưng không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài. Quên rằng việc là việc công, chứ không phải là việc riêng gì dòng họ của ai”.

Chúng ta thấy khuyết điểm này, khuyết điểm mà Bác đã chỉ ra một cách thật chính xác cách đây hơn nửa thế kỷ, vẫn cứ tồn tại dai dẳng cho đến hôm nay và đã gây ra những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng. Đây cũng chính là khuyết điểm được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 6 tháng 12.1986 nghiêm khắc chỉ ra, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, dẫn đến cuộc khủng hoảng toàn diện của đất nước sau ngày toàn thắng năm 1975. Mặc dù vậy, cho đến nay công tác tổ chức cán bộ vẫn là vấn đề nổi cộm, làm nhiều người hết sức quan tâm, khi trong các vụ án lớn những năm gần đây tỷ lệ cán bộ đảng viên, kể cả cán bộ đảng viên trung cao cấp chiếm tỷ lệ lớn, có vụ đến 70%. Một câu hỏi được đặt ra: “Ai là người chịu trách nhiệm bố trí, cất nhắc những cán bộ như thế?”. Bức thư của Bác Hồ cách đây hơn nửa thế kỷ vẫn làm cho chúng ta phải thực sự nghiêm túc suy ngẫm.

Những cán bộ có chức có quyền trong các cơ quan Đảng và Nhà nước, sẽ tìm thấy khuyết điểm cần phải tránh mà Bác gọi trong thư là thói “kiêu ngạo”:

“Tưởng mình ở trong cơ quan Chính phủ là thần thánh rồi, coi khinh dân gian, cử chỉ lúc nào cũng vác mặt "quan cách mạng" lên. Không biết rằng thái độ kiêu ngạo đó sẽ làm mất lòng tin cậy của dân, sẽ hại đến uy tín của Chính phủ”.

Sau khi nghiêm khắc chỉ ra một loạt những khuyết điểm sai lầm, bằng những lời lẽ thân ái, bức thư của Bác đã mở ra hướng khắc phục cho tất cả mọi người:

“Chúng ta không sợ sai lầm, nhưng đã nhận biết sai lầm thì phải ra sức sửa chữa. Vậy nên ai không phạm những lỗi lầm trên này thì chú ý tránh đi và gắng sức cho thêm tiến bộ. Ai đã phạm những lỗi lầm trên này thì phải hết sức sửa chữa. Nếu không tự sửa chữa thì Chính phủ sẽ không khoan dung”.

Cuối bức thư, Bác gửi gắm những lời tâm huyết:

“Vì hạnh phúc của dân tộc, vì lợi ích của nước nhà mà tôi phải nói. Chúng ta phải ghi sâu những chữ “công bình, chính trực” vào lòng.

Lời nhắn nhủ của Bác Hồ năm ấy vẫn còn lay động tận mỗi trái tim chúng ta hôm nay.

Thế Kỷ

(1) Trích thư: “Gửi Ủy ban nhân dân các Kỳ, Tỉnh, huyện và làng” của Bác, Hồ Chí Minh tuyển tập, tập 1, NXB Sự thật, Hà Nội 1980.

(2) Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19.12.1946

(3) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Sự thật, Hà Nội 1984, tập 4, tr.477

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.