Viện Vật lý địa cầu: Động đất ở Việt Nam không phải là bất thường

16/08/2005 00:16 GMT+7

Chỉ từ cuối tháng 7 đến nay, cả nước đã xảy ra 3 trận động đất liên tiếp. Trao đổi với báo Thanh Niên, PGS-TS Nguyễn Ngọc Thủy, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết:

- Các trận động đất xảy ra khá liền nhau được ghi nhận trong thời gian gần đây: trận động đất ở Hà Giang hồi cuối tháng 7 với 4,7 độ Richter, chấn động cấp 6; ngày 3.8: động đất tại Ninh Bình với  3,1 độ Richter chấn động cấp 6 và ngày 5/8 là động đất tại ngoài khơi biển Vũng Tàu với 4,6 độ Richter, chấn động cấp 5. Còn gần đây nhất là ảnh hưởng của trận động đất tại Vân Nam, Trung Quốc. Trận động đất này cũng được trạm quan trắc động đất trong nước ghi nhận. Nó xảy ra lúc 11h58, cách thị xã Lào Cai 60km, tâm chấn có độ sâu 10,8km, chấn động tại chấn tâm cấp 7, ảnh hưởng đến Lào Cai ở chấn động cấp 6. Nhìn chung các trận động đất và dư chấn của nó đã không có ảnh hưởng nặng nề nào.

* Động đất và dư chấn của nó đang xảy ra mau hơn và khác với những gì người dân nhận thấy trong những năm gần đây?

- Đúng là các trận động đất xảy ra liên tục nhưng không phải bất thường. Vì hằng năm, các trạm địa chấn trong nước vẫn ghi nhận từ vài chục đến hơn một trăm trận động đất ở những cấp độ khác nhau. Khá nhiều trận động đất mà người dân không thấy được trong đời sống sinh hoạt bình thường. Những diễn biến về động đất gần đây hoàn toàn nằm trong dự báo chung của chúng ta và cũng không khác biệt nhiều so với những dự báo đã được đề cập trước đây.

* Tuy nhiên, chúng ta có thể bị ảnh hưởng từ một số nước láng giềng, nếu có động đất mạnh?

- Về cơ bản, sẽ không có vấn đề gì đáng kể. Trung Quốc, Campuchia cũng tương tự như ta. Động đất ở Lào có thể hơi cao hơn một chút, tuy nhiên, không có gì lo ngại.

* Trong nước có thể dự báo được sớm đến mức nào về khả năng xảy ra động đất?

- Về ngày giờ chính xác xảy ra thì chưa nước nào có thể làm được. Tuy nhiên, những dự báo cơ bản, dài hạn chúng ta đã có. Dựa vào những đặc điểm địa chất kiến tạo và đặc trưng các mặt của các hệ thống đứt gãy những kích thước, độ sâu, cường độ, cơ chế hoạt động của các đứt gãy và khả năng phát sinh động đất, có thể xếp các đứt gãy của lãnh thổ nước ta thành 3 loại cơ bản với khả năng phát sinh động đất khác nhau. Loại một  thuộc vùng Tây Bắc, có thể xảy ra động đất mạnh, với chấn động tối đa có thể đến cấp 8-9. Loại hai, có thể gây chấn động cấp 8, thuộc các đứt gãy sông Hồng, sông Chảy, sông Cả, khối Tây biển Đông. Loại 3, có thể có động đất với mức tối đa dự báo là chấn động cấp 7,  thuộc các đứt gãy  Cao Bằng, Tiên Yên; Đông Triều (Quảng Ninh), sông Đà, duyên hải Trung Bộ và Nam Bộ. Còn lại là các vùng nếu động đất cũng ở cấp độ nhẹ, cấp chấn động tối đa dưới cấp 7. Nếu các công trình xây dựng quan tâm nghiên cứu về dự báo và có các thiết kế kháng chấn phù hợp thì có thể đảm bảo an toàn.

* Hệ thống các trạm quan trắc động đất của chúng ta có ghi nhận đầy đủ các biến động liên quan đến động đất tại các vùng?

- Hiện cả nước có 26 trạm quan trắc. Nếu có điều kiện, chúng tôi mong muốn có thêm 12 trạm quan trắc nữa, trong đó, sẽ phải đặt được trạm quan trắc động đất biển Đông vì hiện tại, chúng ta chưa có ở khu vực này.

Liên Châu
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.