Việt Nam đang có trên 1.200 đối tượng phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài

Thái Sơn
Thái Sơn
05/08/2019 14:40 GMT+7

Bộ Công an cho biết, tính đến tháng 5, cả nước có trên 1.200 đối tượng phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài , trong đó có 235 đối tượng đã bị Interpol ra lệnh truy nã đỏ, nhiều đối tượng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.

Bộ Công an vừa hoàn thành dự thảo báo cáo Tổng kết thi hành pháp luật về dẫn độ để lấy ý kiến cơ quan chức năng, trước khi trình Chính phủ.
Theo dự thảo báo cáo, đến hết tháng 5, số đối tượng có lệnh truy nã đỏ của Interpol có thông tin lẩn trốn vào Việt Nam là 317 đối tượng. Căn cứ quy định của luật Tương trợ tư pháp năm 2007 và áp dụng Điều ước quốc tế, Bộ Công an đã tiếp nhận và xử lý 23 yêu cầu dẫn độ của nước ngoài; đồng thời, thực hiện 12 yêu cầu dẫn độ theo các hiệp định song phương, 11 yêu cầu dẫn độ theo nguyên tắc có đi có lại…
Đáng chú ý, cũng tính đến tháng 5, Việt Nam hiện có trên 1.200 đối tượng phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài, trong đó có 235 đối tượng đã bị Interpol ra lệnh truy nã đỏ, nhiều đối tượng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
Bộ Công an đã lập và chuyển 35 hồ sơ yêu cầu dẫn độ đến cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài (gồm 21 yêu cầu dẫn độ theo các hiệp định song phương giữa Việt Nam và Liên bang Nga, Úc, Séc...; 14 yêu cầu dẫn độ theo nguyên tắc có đi có lại với Anh, Hồng Kông, Nhật Bản, Thụy Điển;... đã dẫn độ được 7 đối tượng về Việt Nam; bắt giữ 1 đối tượng khi bỏ trốn về Việt Nam
Cũng theo thống kê của Bộ Công an, tính đến tháng 7, Việt Nam là thành viên của 22 điều ước quốc tế đa phương, 11 hiệp định tương trợ tư pháp song phương có quy định về dẫn độ và 12 hiệp định song phương chuyên biệt về dẫn độ…
Bộ này cũng đánh giá, luật Tương trợ tư pháp 2007 đã dành riêng một chương để quy định về dẫn độ với nhiều quy định chi tiết. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai cho thấy, nhiều quy định của luật chưa phù hợp với các điều ước quốc tế đa phương và song phương có quy định về dẫn độ mà Việt Nam là thành viên; chưa phù hợp với thông lệ pháp lý quốc tế cũng như thực tiễn xử lý các vụ việc dẫn độ của Việt Nam. Nhiều trường hợp chưa được quy định trong luật dẫn đến việc các cơ quan có thẩm quyền khó khăn, lúng túng trong xử lý.
Bên cạnh đó, các quy định của luật chưa dự báo điều chỉnh được hết các trường hợp phát sinh trên thực tế. Chưa kể các quy định về dẫn độ của luật Tương trợ tư pháp có độ “vênh” với quy định trong bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Từ thực tiễn này, Bộ Công an kiến nghị Quốc hội sớm ban hành đạo luật chuyên biệt về dẫn độ, trên cơ sở tách quy định về dẫn độ trong luật Tương trợ tư pháp năm 2007, với quan điểm đạo luật về dẫn độ cần bảo đảm các yêu cầu về chính trị, ngoại giao, pháp luật; nội luật hoá các quy định của điều ước quốc tế về dẫn độ mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia; đồng bộ hoá các quy định về dẫn độ giữa đạo luật về dẫn độ với các quy định của pháp luật liên quan...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.