Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực HĐBA Liên Hiệp Quốc

17/10/2007 00:53 GMT+7

*Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Việt Nam sẽ làm tốt trọng trách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc Tối qua, vào lúc 22 giờ 30 giờ Việt Nam tức 9 giờ 30 sáng giờ New York, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã tiến hành phiên bỏ phiếu bầu 5 thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) khóa mới. Kết quả với số phiếu 183/190, Việt Nam lần đầu tiên trở thành thành viên của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ, sau 30 năm kể từ khi được kết nạp vào tổ chức toàn cầu này (20.9.1977).

Mặc dù rất bận rộn nhưng Đại sứ Lê Lương Minh - Trưởng phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ - vẫn luôn vui vẻ cập nhật thông tin mỗi lần phóng viên Thanh Niên điện sang cho ông trong suốt quá trình bỏ phiếu tối hôm qua.

Đại sứ Lê Lương Minh cho biết, khoảng 9 giờ 30 sáng giờ New York, Đại hội đồng LHQ bắt đầu nhóm họp. Một trong những nội dung quan trọng nhất của ngày họp đó là tiến hành bỏ phiếu bầu 5 thành viên không thường trực của HĐBA. Khoảng 9 giờ 50 phút, toàn thể Đại hội đồng gần như có mặt đông đủ và ông Chủ tịch Đại hội đồng yêu cầu tất cả thành viên có mặt tiến hành bỏ phiếu kín. Đại diện mỗi thành viên quốc gia được phát một lá phiếu viết tay trong đó ghi tên các ứng cử viên của từng châu lục, cụ thể mỗi châu lục được mấy ghế.
"Việt Nam là nước lớn thứ 12 trên thế giới tính theo dân số và đã là thành viên của LHQ 30 năm. Việc Việt Nam ứng cử vào vị trí của một trong 10 Ủy viên không thường trực của HĐBA LHQ là việc cần thiết để Việt Nam có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho an ninh thế giới và an toàn của con người, trong đó có người Việt Nam. Nếu Việt Nam tích cực làm việc này thì Việt Nam sẽ đóng góp rất nhiều trong việc tạo nên những giá trị thiết thực cho cộng đồng thế giới và qua đó, sẽ nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế" - Giáo sư Ngô Vĩnh Long, Đại học Main (Hoa Kỳ)

Sau cuộc kiểm phiếu kéo dài một tiếng đồng hồ, kết quả Việt Nam đã đạt được số phiếu gần như tuyệt đối 183/190. Trong khi chúng ta chỉ cần giành được 127 phiếu (tức 2/3 số phiếu trên tổng số thành viên LHQ) là có thể trở thành thành viên không thường trực của HĐBA LHQ. Cộng tác viên của Thanh Niên từ New York điện về gần như reo lên trong máy: "Việt Nam đã trúng cử ngay vòng đầu tiên và đã đạt được số phiếu mà chưa một nước ASEAN nào có được từ trước đến nay." Ngay sau khi công bố kết quả bỏ phiếu, rất nhiều phái đoàn quốc tế đã đến chúc mừng đoàn Việt Nam.

Trả lời phóng viên Thanh Niên ngay sau khi có kết quả bỏ phiếu, Đại sứ Lê Lương Minh nói: "Tôi thực sự rất vui mừng và cảm thấy tự hào, phấn khởi vì đây là lần đầu tiên mình có cơ hội tham gia vào cơ quan quyền lực nhất của LHQ về xử lý các vấn đề hòa bình và an ninh quốc tế. Mình lại trúng cử ngay vòng đầu với kết quả rất cao. Điều đó thể hiện sự đánh giá, nhất trí cao của cộng đồng quốc tế đối với vai trò của Việt Nam. Ngay sau khi có kết quả tôi cũng nghĩ ngay đến trách nhiệm của chúng ta đối với cộng đồng quốc tế. Làm sao chúng ta có những đóng góp cho an ninh và hòa bình quốc tế, qua đó nâng cao uy tín của Việt Nam, hỗ trợ mạnh mẽ cho công cuộc đổi mới đang diễn ra".   

Trước cuộc bỏ phiếu quan trọng này dư luận quốc tế đều thừa nhận Việt Nam đủ năng lực và xứng đáng đảm đương vị trí ủy viên không thường trực HĐBA. Suốt 30 năm qua, kể từ khi gia nhập LHQ vào năm 1977, Việt Nam đã đạt được những thành tựu vượt bậc trong phát triển kinh tế, xã hội. Việt Nam luôn tuân thủ những nguyên tắc và quy định của Hiến chương LHQ cũng như cam kết thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của tổ chức này.

Theo Hiến chương LHQ, HĐBA LHQ có trách nhiệm duy trì hòa bình và an ninh thế giới. Chương VII Hiến chương LHQ nêu rõ  HĐBA LHQ là cơ quan duy nhất trong LHQ có thể phán quyết một hành động nhằm củng cố hòa bình và an ninh thế giới. Hành động này có thể là cấm vận kinh tế hay biện pháp quân sự. HĐBA LHQ có 15 thành viên trong đó có 5 thành viên thường trực (P-5, với Mỹ, Nga, Anh, Pháp và Trung Quốc) và 10 thành viên không thường trực (E-10) được Đại hội đồng bầu làm việc trong nhiệm kỳ hai năm. Một phiếu chống trong bất kỳ thành viên P-5 nào (phiếu phủ quyết) cũng ngăn sự ra đời một nghị quyết, ngay cả khi tất cả thành viên E-10 ủng hộ. Với cơ chế trên, nếu các thành viên không bị ảnh hưởng và có tiếng nói độc lập, nghị quyết HĐBA LHQ là cơ sở đáng tin và có giá trị. (Theo United Nation)

Trong khuôn khổ chính sách đối ngoại vì hòa bình, đa phương và đa dạng hóa quan hệ quốc tế, Việt Nam ngày càng tham gia tích cực và sâu rộng hơn vào công việc của LHQ. Ngay từ năm 1997, chúng ta đã ứng cử làm ủy viên không thường trực HĐBA. Việt Nam cũng từng nắm giữ một số vai trò lãnh đạo trong các cơ quan của LHQ trong những năm gần đây như chức Phó chủ tịch Đại hội đồng LHQ, thành viên của Hội đồng Xã hội và Kinh tế (ECOSOC), Chủ tịch Đại hội đồng FAO, thành viên của Hội đồng điều hành UNESCO và Phó chủ tịch Ban điều hành UNFPA và UNDP.

Song song đó, Việt Nam cũng khẳng định vai trò ngày càng lớn hơn tại các diễn đàn đối thoại và hợp tác quốc tế. Nhờ những hoạt động trên, uy tín đất nước ngày càng được nâng cao. Việt Nam nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhiều quốc gia trên thế giới và khu vực - điều này thể hiện rất rõ qua quyết định chọn nước ta làm ứng cử viên duy nhất vào HĐBA nhiệm kỳ 2008-2009 của nhóm các nước châu Á.

N.N

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.