Luật sư (LS) Nguyễn Hải Vân bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Vinasun một lần nữa khẳng định Grab đang kinh doanh vận tải hành khách. LS của Vinasun đưa ra một số văn bản của cơ quan quản lý, nhấn mạnh rằng Grab đang kinh doanh dịch vụ vận tải. “Phiếu cung cấp thông tin do Sở KH-ĐT TP.HCM gửi TAND TP.HCM ghi rõ ngành nghề kinh doanh của Grab là “vận tải hành khách đường bộ trong nội thành, ngoại thành (trừ vận tải bằng xe buýt). Công văn của Bộ Công thương gửi Văn phòng Chính phủ cũng nêu cần sửa luật để khẳng định rõ các doanh nghiệp như Grab, Uber chính là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải…”, LS Vân trình bày…
Về lập luận cho rằng Grab vi phạm Quyết định (QĐ) 24, đề án thí điểm của Bộ GTVT, LS Vinasun đưa ra 5 vi phạm của Grab, gồm: thực hiện dịch vụ GrabShare khi QĐ 24 không đề cập; triển khai dịch vụ vận chuyển ngoài địa phương được cho phép thí điểm; trực tiếp thưởng/phạt tài xế; vi phạm nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước. Theo LS của Vinasun, chính việc nhận định sai về hoạt động kinh doanh của Grab, dẫn đến Grab không nộp thuế đúng quy định. Cụ thể, từ 2014 - 2017, Grab kinh doanh 34.000 xe nhưng chỉ nộp 9,5 tỉ đồng tiền thuế; trong khi Vinasun có số lượng xe ít hơn nhưng nộp hơn 1.200 tỉ đồng tiền thuế, 400 tỉ đồng tiền BHXH…
“Vinasun không đồng tình việc Grab dùng khuyến mại trái luật để triệt tiêu doanh nghiệp cùng ngành, sau khi thống lĩnh thị trường thì nâng giá sản phẩm, thu lợi rồi chuyển nhượng cho chủ khác, bỏ mặc người tiêu dùng ở giữa”, LS của Vinasun nhấn mạnh.
LS của Grab cho rằng cách nhìn nhận vấn đề của Vinasun đang đi ngược lại công nghệ 4.0 và những thông tin phía Vinasun đưa ra là vu khống, ảnh hưởng đến hoạt động của Grab. Grab khẳng định thực hiện đúng tinh thần QĐ 24 với tư cách cung ứng công nghệ hỗ trợ dịch vụ vận tải, và các hình thức kinh doanh mà Vinasun cho rằng Grab vi phạm, thực tế đó là một loại hình kinh doanh mới mà Grab đang đưa vào thị trường VN.
Ngày 22.10, phiên tòa tiếp tục.
Bình luận (0)