Vụ Bệnh viện sa thải hàng loạt nhân viên có bầu: Trái luật lao động!

19/09/2009 00:13 GMT+7

Báo Thanh Niên số ra ngày 14.9 đăng bài Bệnh viện sa thải hàng loạt nhân viên có bầu phản ánh tình trạng vi phạm pháp luật lao động nghiêm trọng tại Bệnh viện khách sạn Đa khoa quốc tế Vũ Anh (đường Phan Văn Trị, P.7, Q.Gò Vấp, TP.HCM). Sau khi báo phát hành, chúng tôi đã nhận được công văn phản hồi từ lãnh đạo bệnh viện, đồng thời cũng ghi nhận nhiều ý kiến của các cơ quan chức năng liên quan đến vụ việc.

Trong “Đơn xin đăng tải ý kiến phản hồi”, ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó giám đốc điều hành BV, nói rằng bài viết của phóng viên “phiến diện, hoàn toàn nghiêng về một phía...”. Thực tế, sau khi nhận được phản ánh của người lao động (NLĐ), phóng viên đã đến làm việc với BV, và đã đăng tải ý kiến của người có trách nhiệm tại BV.

Trong đơn ông Khánh còn nêu: “Trong 6 trường hợp đang mang thai thì có 4 trường hợp nghỉ việc do hết thời hạn hợp đồng, 1 trường hợp tự nộp đơn xin nghỉ việc và chỉ có duy nhất chị Lê Thị Mỹ Hạnh nghỉ việc khi thời hạn hợp đồng còn hiệu lực. Đối với 6 trường hợp thai sản thì BV đã làm xong thủ tục trợ cấp và đã gửi giấy mời đến nhận tiền trợ cấp vào ngày 20.7...”. Báo Thanh Niên cũng đã dẫn lời ông Thái (Trưởng phòng Nhân sự) giải thích lý do (“BV không tái ký hợp đồng vì những người này không đáp ứng được nhu cầu công việc”).

Lập biên bản trái luật

Trong khi đó, để sa thải thai phụ Lê Thị Mỹ Hạnh, BV đã tự thành lập “hội đồng kỷ luật”, và tự ra quyết định kỷ luật đối với chị Mỹ Hạnh, mà không có sự tham dự của đại diện Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở, và chính NLĐ là chị Mỹ Hạnh.

Trao đổi với Thanh Niên, luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP.HCM) nói: “Bộ luật Lao động quy định người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối với NLĐ nữ vì lý do kết hôn, có thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp doanh nghiệp ngừng hoạt động". Trong trường hợp lao động nữ có thai mà vi phạm kỷ luật lao động thì cũng chỉ có thể xử lý kỷ luật lao động sa thải khi đó là lỗi nghiêm trọng, lặp đi lặp lại nhiều lần mà doanh nghiệp đã nhắc nhở, kỷ luật cảnh cáo nhưng vẫn tái phạm. Nhưng trong trường hợp này, doanh nghiệp phải tổ chức một cuộc họp xem xét xử lý kỷ luật NLĐ, và phải tuân thủ các quy định chặt chẽ được quy định trong Luật Lao động và các nghị định dưới luật về thời gian, thành phần tham dự. Cụ thể phải có mặt đại diện Ban Chấp hành Công đoàn và NLĐ.

Bà Nguyễn Thị Dân, Trưởng phòng Lao động – Tiền lương – Tiền công Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, thì khẳng định: “Việc cho chị Lê Thị Mỹ Hạnh nghỉ việc khi đang có thai là hoàn toàn trái với pháp luật lao động. Trong trường hợp có hội đồng kỷ luật thì NLĐ có quyền đưa luật sư của họ tới dự. Trường hợp NLĐ vi phạm nội quy đơn vị buộc phải sa thải thì bắt buộc phải có mặt NLĐ. Nếu có văn bản thông báo mời NLĐ 3 lần không đến dự mà không có lý do chính đáng, thì người sử dụng lao động mới được xử lý vắng mặt NLĐ”.

* “BV phải nhận NLĐ trở lại làm việc và phải bồi thường một khoản tiền tương ứng với tiền lương trong những ngày NLĐ không được làm việc. Nếu BV không giải quyết thỏa đáng quyền lợi, NLĐ có thể làm đơn khởi kiện quyết định nêu trên của BV ra tòa”. (Luật sư Hà Hải – Đoàn luật sư TP.HCM)

* “Việc BV Vũ Anh chấm dứt HĐLĐ với chị Mỹ Hạnh là trái pháp luật. Về mặt lý đã sai, nhưng về mặt tình còn sai hơn nữa. BV phải nhận lại và bố trí công việc cũ cho chị Hạnh, nếu vấn đề này BV không giải quyết, thì chị Hạnh có quyền khởi kiện. Trước mắt, chị Hạnh có thể trực tiếp đến Liên đoàn Lao động TP để được trao đổi, hướng dẫn cụ thể, trực tiếp là Trung tâm Tư vấn pháp luật, hoặc Ban Thi đua chính sách thuộc liên đoàn”.

(Ông Trương Lâm Danh, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM)

T.Tùng - M.Nam - L.Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.