Vụ 'đập phá bệnh viện, đánh bác sĩ': Có hay không việc test kháng sinh?

14/08/2013 17:35 GMT+7

(TNO) Liên quan đến vụ một bệnh nhân 75 tuổi đột ngột tử vong ở Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh do sốc phản vệ, Thanh Niên Online đã tìm hiểu "có hay không việc test kháng sinh trước lúc tiêm cho bệnh nhân Hồng, vốn có tiền sử dị ứng với kháng sinh?".

>> Vụ đập phá bệnh viện, đánh bác sĩ: Vì sao gia đình nạn nhân bức xúc ?
>> Bệnh nhân tử vong, người nhà đánh bác sĩ bị thương

Như Thanh Niên Online đã thông tin, ngày 12.8, ông Nguyễn Xuân Hồng (75 tuổi, trú xã Cẩm Thăng, H.Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) tử vong tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Hà Tĩnh.

Trước cái chết đột ngột của ông Hồng, nhiều người thân có mặt tại bệnh viện đã tỏ ra bất bình, đập vỡ một số máy móc, đánh bị thương bác sĩ Mai Văn Lục (Trưởng khoa Hồi sức tích cực) và 3 y, bác sĩ khác của khoa này. Công an TP.Hà Tĩnh phải huy động hơn 40 người mới kiểm soát được vụ việc.

Vụ tử vong do sốc phản vệ: có hay không việc test kháng sinh trước lúc tiêm?
Hai loại kháng sinh Trikazim, Ciprofloxacin Kabi tiêm vào người bệnh nhân Hồng dẫn đến sốc phản vệ, tử vong

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, bà Trần Thị Diên (50 tuổi, con dâu của ông Hồng) và ông Nguyễn Ngọc Châu (68 tuổi, em ruột của nạn nhân) cùng nhiều người trong gia đình bệnh nhân Hồng khẳng định với Thanh Niên Online là "cái chết của ông Hồng có nhiều uẩn khúc".

Cụ thể, theo người nhà bệnh nhân Hồng, BVĐK Hà Tĩnh đã làm việc tắc trách, bỏ qua khuyến cáo trước đó của gia đình và của BVĐK H.Cẩm Xuyên là bệnh nhân Hồng có tiền sử dị ứng kháng sinh. BVĐK Hà Tĩnh đã không tiến hành test kháng sinh trước mà lại chích thẳng vào cơ thể của bệnh nhân Hồng hai loại kháng sinh mạnh dẫn đến sốc phản vệ, tử vong.

Vụ tử vong do sốc phản vệ: có hay không việc test kháng sinh trước lúc tiêm?
Theo người nhà của bệnh nhân Hồng thì BVĐK Hà Tĩnh đã không test trước lúc tiêm kháng sinh vào người ông Hồng, dẫn đến sốc phản vệ, tử vong

Sáng 14.8, trả lời Thanh Niên Online về việc: “Có hay không việc test kháng sinh trước lúc tiêm hai loại kháng sinh mạnh Trikazim, Ciprofloxacin Kabi vào cơ thể bệnh nhân Hồng dẫn sốc phản vệ, tử vong?", ông Đào Xuân Lý, Phó trưởng khoa Chấn thương (người chỉ định tiêm cho nạn nhân) khẳng định là "có".

Ông Lý cho biết khoảng 9 giờ 20 ngày 8.8, khoa Chấn thương BVĐK Hà Tĩnh tiếp nhận bệnh nhân Hồng. Theo đúng tuần tự thủ tục, ngay trong sáng 8.8, bác sĩ Nguyễn Trọng Đức (người trực ca), đã làm xét nghiệm, lấy mẫu làm kháng sinh đồ cho bệnh nhân Hồng. Bước sang ngày 9.8, bệnh nhân Hồng được chuyển đến điều trị tại phòng 108 do ông Lý trực tiếp phụ trách.

Sáng 10 và 11.8 (thứ 7 và chủ nhật), vì không có ca trực nên ông Lý không đến bệnh viện và đến sáng 12.8, ông Lý mới đến cơ quan làm việc.

Cũng theo ông Lý, trong giấy chuyển viện của BVĐK H.Cẩm Xuyên có ghi rõ nội dung chẩn đoán tình trạng bệnh của ông Hồng là “viêm xương trên bệnh nhân có tiền sử dị ứng kháng sinh”. Ngoài nội dung trên thì trước đó, bản thân bệnh nhân Hồng cũng có khuyến cáo với ông Lý là bệnh nhân có tiền sử dị ứng kháng sinh nhưng không nói cụ thể tên loại kháng sinh bị dị ứng.

“Dù trong quy định của Bộ Y tế thì hai loại thuốc kháng sinh Trikazim, Ciprofloxacin Kabi không cần phải test nhưng vì trong trường hợp này, bệnh nhân Hồng có tiền sử dị ứng kháng sinh nên chúng tôi phải làm quy trình, test cẩn thận”, ông Lý nói.

Vụ tử vong do sốc phản vệ: có hay không việc test kháng sinh trước lúc tiêm?
Ông Đào Xuân Lý, Phó trưởng khoa Chấn thương (người chỉ định tiêm kháng sinh cho nạn nhân) cho rằng bệnh viện có tiến hành test kháng sinh trước lúc tiêm kháng sinh cho bệnh nhân Hồng

Theo ông Lý, khoảng hơn 10 giờ ngày 12.8, sau khi có kết quả test kháng sinh từ điều dưỡng Phan Văn Hà (âm tính với hai loại kháng sinh Trikazim, Ciprofloxacin Kabi) nên ông Lý mới ra chỉ định cho điều dưỡng Phan Văn Hà (người trực ca) tiêm cho nạn nhân.

Về nghi vấn “hợp thức hóa hồ sơ (tức thủ tục test kháng sinh - PV) sau khi nạn nhân tử vong và trước thời điểm cơ quan công an vào cuộc điều tra?”, ông Lý phủ nhận hoàn toàn.

“Việc này là hoàn toàn không có. Còn việc tôi bị lãnh đạo bệnh viện đình chỉ công tác trong vòng 2 tuần là nhằm tạo điều kiện cho cơ quan chức năng làm rõ từng vấn đề vụ việc”, ông Lý nói.

Sáng 14.8, PV Thanh Niên Online đã chủ động liên lạc với điều dưỡng Phan Văn Hà (người trực tiếp tiêm cho bệnh nhân Hồng) để tìm hiều thêm thông tin vụ việc nhưng ông Hà đã từ chối gặp, với lý do: “Tôi không có quyền phát ngôn và trả lời cho báo chí”.

Trao đổi với Thanh Niên Online, ông Nguyễn Tiến Nam, Trưởng công an TP.Hà Tĩnh, cho biết công an đã vào cuộc điều tra vụ việc.

“Hiện chúng tôi đang điều tra làm rõ 2 vấn đề: Nguyên nhân tử vong của bệnh nhân Hồng và việc người nhà của bệnh nhân hủy hoại tài sản, đánh bị thương một số y, bác sĩ của Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh. Nếu có dấu hiệu vi phạm hình sự thì chúng tôi sẽ tiến hành khởi tố vụ án”, ông Nam nói.

Nguyên Dũng

>> Bệnh nhân tử vong, người nhà đuổi đánh bác sĩ
>> Đang mổ bệnh nhân vùng dậy đánh bác sĩ
>> Giả danh bác sĩ bán “thần dược”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.