Vụ Hãi hùng 'tắm trắng' bắp chuối bằng hóa chất: Bỏ ngỏ câu hỏi trách nhiệm!

12/07/2018 08:17 GMT+7

Liên quan đến vụ Hãi hùng 'tắm trắng' bắp chuối bằng hóa chất , câu hỏi đặt ra về trách nhiệm của cá nhân, tập thể quản lý công tác ATTP trên địa bàn, cả UBND P.Hiệp Bình Phước và UBND Q.Thủ Đức không trả lời!

Câu hỏi của PV Thanh Niên về trách nhiệm cá nhân, tập thể phụ trách công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn P.Hiệp Bình Phước và Q.Thủ Đức (TP.HCM) khi để các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm tràn lan sử dụng hóa chất độc hại đã bị “lờ” đi, thay vào đó là điệp khúc than khó.
Ngày 11.7, sau 15 ngày liên hệ làm việc và đề nghị cung cấp thông tin liên quan đến bài điều tra Hãi hùng “tắm trắng” bắp chuối bằng hóa chất của Báo Thanh Niên, PV mới nhận được văn bản (ghi ngày 6.7) cung cấp thông tin của UBND Q.Thủ Đức.
Khu vực không được phép kinh doanh
Theo UBND Q.Thủ Đức, dọc QL1A gần chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (gọi tắt là chợ đầu mối Thủ Đức) thuộc 2 phường Hiệp Bình Phước và Tam Bình có 30 cơ sở hoạt động kinh doanh với các mặt hàng nông sản như chuối, mít, bắp chuối bào, sả xay. Các cơ sở hoạt động không có giấy đăng ký kinh doanh do khu vực bao quanh chợ đầu mối Thủ Đức là khu vực không được kinh doanh nông sản thực phẩm dưới mọi hình thức, theo Quyết định 64/2009/QĐ-UBND ngày 31.7.2009 của UBND TP.HCM. Nhưng vì lợi nhuận, các cơ sở vẫn hoạt động và diễn ra phức tạp. Khi cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt thì hầu hết chủ cơ sở đều vắng mặt. Khi bị xử phạt vi phạm hành chính thì thay đổi địa điểm hoặc thay đổi chủ khác, cố tình không chấp hành quyết định xử phạt hành chính.
“Các cấp chính quyền từ quận đến phường thường xuyên tuyên truyền, vận động các hộ ra ngoài khu vực hạn chế kinh doanh nhưng đến nay tình hình chưa chuyển biến”, công văn của UBND Q.Thủ Đức ghi.
Năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) quận, công an quận và UBND phường đã kiểm tra xử phạt vi phạm hành chính 23 cơ sở quanh chợ với tổng số tiền phạt hơn 154 triệu đồng. Trong đó, khu vực QL1A xử phạt 8 cơ sở với số tiền 52,5 triệu đồng về các hành vi hoạt động không có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo quy định, sử dụng hóa chất không có nguồn gốc để sản xuất thực phẩm.
Nhiều lý do, đủ lý do
Theo UBND Q.Thủ Đức, dù địa phương đã tuyên truyền vận động nhưng vì lợi ích kinh tế, cuộc sống mưu sinh và lợi nhuận trong kinh doanh nên các cơ sở tiếp tục vi phạm. Công tác quản lý về kinh doanh, sử dụng phụ gia hiện nay còn nhiều hạn chế do nhu cầu, tâm lý của người tiêu dùng mong muốn thực phẩm phải bắt mắt trắng sạch, vì vậy các cơ sở sử dụng phụ gia, hóa chất vào công đoạn sơ chế. Các cơ sở cũng mong muốn sử dụng phụ gia hóa chất đúng quy định, tuy nhiên khi mua người bán chỉ tư vấn phụ gia, hóa chất được sử dụng trong ngành thực phẩm mà không xem thông tin trên bao bì, các quy định...
Quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 166/2013/NĐ-CP ngày 12.11.2013 thiếu hướng dẫn thi hành, đối với các chủ cơ sở kinh doanh không phép không thể xác định được tài khoản ngân hàng, nguồn thu nhập từ lương..., do đó hầu hết các quyết định xử phạt đối với người vi phạm đều không chấp hành và các cơ quan chức năng cũng chưa có căn cứ quy định của pháp luật để thực hiện chế tài hiệu quả.
Việc mua bán hóa chất không nhãn mác, không nguồn gốc xuất xứ chưa được quản lý chặt chẽ, cơ sở dễ dàng tìm mua để sử dụng.
Về giải pháp, Q.Thủ Đức cho biết sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động, chỉ đạo đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh ATTP tăng cường kiểm tra, giám sát...
Đối với câu hỏi PV Thanh Niên đặt ra về trách nhiệm của cá nhân, tập thể quản lý công tác ATTP trên địa bàn khi để các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm tràn lan sử dụng hóa chất đầu độc người tiêu dùng, cả UBND P.Hiệp Bình Phước và UBND Q.Thủ Đức không trả lời!
Sau bài điều tra Hãi hùng “tắm trắng” bắp chuối bằng hóa chất của Báo Thanh Niên, Văn phòng UBND TP.HCM đã có công văn truyền đạt ý kiến của Phó chủ tịch UBND TP Lê Thanh Liêm chỉ đạo Ban Quản lý ATTP TP chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra nội dung báo phản ánh; xử lý nghiêm vi phạm và báo cáo UBND TP trước ngày 10.7.
Tiếp đó, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý ATTP, cũng đã ký công văn gửi UBND Q.Thủ Đức, đề nghị quận chỉ đạo các phòng chức năng yêu cầu 2 cơ sở ngưng hoạt động; chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể phụ trách công tác quản lý ATTP liên quan.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.