Chiều 3.10, đoàn giám sát gồm đại diện Bộ NN-PTNT, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) Bộ Công an, Chi cục Thú y TP.HCM vẫn đang giám sát việc tiêu hủy 3.750 con heo bị tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ tại cơ sở Xuyên Á (H.Củ Chi, TP.HCM). Một cán bộ đoàn giám sát cho hay, đến chiều qua đoàn vẫn đang thuyết phục 3 thương lái còn lại đồng ý để tiêu hủy số heo này.
Trước đó ngày 1.10, trong quá trình lấy mẫu xét nghiệm để tìm thuốc an thần trong heo, các cán bộ phát hiện gần 1.000 con heo (trong tổng số 3.750 con heo bị tiêm thuốc an thần) mang mầm bệnh lở mồm long móng nên lập biên bản cho tiêu hủy. Ngày 2.10, đoàn kiểm tra tiếp tục phát hiện số heo còn lại cũng bị lây nhiễm lở mồm long móng nên tiến hành thủ tục tiêu hủy.
Heo tiêu hủy được xử lý bằng chích điện, sau đó cho vào nước sôi, cho vào bao rồi đem đến bãi rác Đông Thạnh (H.Hóc Môn, TP.HCM) để thiêu, chôn lấp. Các công đoạn tiêu hủy heo bệnh được đoàn kiểm tra giám sát chặt chẽ, để tránh lây nhiễm dịch bệnh ra ngoài.
Liên quan đến trách nhiệm của các cán bộ thú y để thương lái tiêm thuốc an thần vào heo trước khi giết mổ tại lò mổ Xuyên Á, ông Huỳnh Tấn Phát, Phó chi cục Thú y TP.HCM, cho hay sẽ cho kiểm tra lại từng khâu ca trực của các cán bộ thú y hôm xảy ra vụ việc.
Ông Phát nói: “Chúng tôi chưa khẳng định cán bộ thú y có vô trách nhiệm hay tiếp tay cho thương lái hay không. Chi cục Thú y đang cho rà soát các khâu, xem chỗ nào thiếu sót sẽ chấn chỉnh. Sau khi có kết luận từ Bộ NN-PTNT, C49, nếu cán bộ nào sai phạm, tiếp tay cho thương lái sẽ xử lý nghiêm và thông tin cho báo chí”.
Liên quan đến trách nhiệm cán bộ thú y, trung tá Võ Văn Khứ, Phó phòng 7 (C49), cho biết: “Chưa khẳng định cán bộ thú y có tiếp tay cho thương lái tiêm thuốc an thần vào heo tại lò mổ Xuyên Á hay không. Nhưng trên thực tế, cán bộ thú y đã lơ là nhiệm vụ để các thương lái qua mặt. Hầu hết heo được tiêm thuốc an thần công khai, vứt chai lọ thuốc ngay tại lò mổ”.
Không chấp nhận thương lái hành nghề tự do
“TP.HCM đã họp bàn và xác định một số giải pháp, cụ thể: Trước đây thương lái hành nghề tự do, họ mua heo, đưa vào lò giết mổ rồi đưa ra chợ bán. Nay TP định hướng các thương lái phải có đăng ký kinh doanh, phải có pháp nhân để chịu trách nhiệm nếu có sự cố xảy ra. Kế đến, các pháp nhân này phải tham gia vào chuỗi truy xuất nguồn gốc - trước đây chúng ta vận động họ trên tinh thần tự nguyện. TP sẽ không chấp nhận những thương lái hành nghề một cách tự do như từ trước tới nay. Các lò mổ, chợ đầu mối sẽ buộc chỉ ký hợp đồng với các thương lái có đăng ký kinh doanh và tham gia chuỗi truy xuất nguồn gốc. Sắp tới TP cũng sẽ chỉ đạo các lực lượng liên quan tích cực hỗ trợ và giám sát các thương lái trong việc này”, ông Nguyễn Ngọc Hòa (ảnh), Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho biết.
Chí Nhân (ghi)
|
Bình luận (0)