Vụ kiện chất độc da cam/dioxin: Nạn nhân Mỹ thì được, Việt Nam thì không!

23/07/2007 13:10 GMT+7

*Tiếp sau anh Nguyễn Văn Quý, thêm một nạn nhân vụ kiện tại Mỹ - chị Nguyễn Thị Hồng đã qua đời. *Tòa Kháng án Mỹ ra phán quyết bồi thường cho lính Mỹ bị bệnh bạch cầu do tiếp xúc chất độc da cam/dioxin. 1. Chị Nguyễn Thị Hồng, một trong bốn nạn nhân chất độc da cam/dioxin vừa từ Mỹ trở về sau khi tham dự phiên điều trần tại tòa án New York, đã ra đi vào 10g45 sáng 20.7 ở Bệnh viên Ung bướu TP.HCM.

Trước đó, ông Nguyễn Văn Quý, nạn nhân đồng hành sang Mỹ với chị Hồng cũng đã qua đời tại Hải Phòng.

Cái chết của hai nạn nhân trong cuộc chiến trtanh VN đã và đang gây xúc động sâu sắc mọi người. Các bản tin mới nhất từ VN cho biết: Từ nước Anh, ông Len Adis, Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Anh- Việt “rất sốc và giận dữ khi đọc tin người phụ nữ dũng cảm Nguyễn Thị Hồng đã mất.”

Ông giải thích: “Tôi sốc vì cái chết của người phụ nữ đã chịu nỗi đau ghê gớm của chất độc da cam và tức giận bởi lại có thêm một nạn nhân chất độc da cam bị công lý chối từ do sự chối bỏ của Chính phủ Mỹ và các công ty đứng đầu bởi Monsanto, Dow Chemical khi họ không chịu trách nhiệm về những tội ác mà họ gây ra cho những người VN này”.

Thư của "Tổ chức Cứu trợ và Trách nhiệm về chất da cam Việt Nam" của Hoa Kỳ viết về anh Quý, có đoạn: “Chuyến đi của anh Nguyễn Văn Quý đến Mỹ đã khẳng định sự đấu tranh đòi công lý và bồi thường cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Anh Nguyễn Văn Quý là tấm gương về ý chí đoàn kết và tinh thần quốc tế cao nhất, tạo được sự đồng cảm và hiểu biết về cuộc đấu tranh vì hòa bình và công lý của nhân dân Mỹ".

2. Trong khi tòa án Mỹ liên tục không chấp nhận vụ kiện của các nạn nhân VN thì tại Mỹ, những nạn nhân tương tự lại thắng kiện. Bài viết của Scott Lindlaw thuộc hãng tin AP (Mỹ) cho biết: thứ  năm vừa qua, 19.7.2007, một toà kháng án vừa tuyên phạt Cục Cựu Chiến binh Mỹ và ra lệnh cho Cục nầy phải bồi thường cho các cựu chiến binh tham chiến tại VN mà  đã  tiếp xúc với chất độc da cam nên bị bệnh bạch cầu (leukemia).

Tòa Kháng án Liên bang số 9 cho rằng: “Thành tích của Cục Cựu Chiến binh Mỹ đã cơ  bản đóng góp vào nỗi quốc nhục của chúng ta (national shame)”. Năm 2003, Cục Cựu Chiến binh đã đồng ý gia hạn tiền bồi thường cho các cựu chiến binh nào được chẩn đoán là bị bệnh bạch cầu lymphocytic mãn tính, gọi tắt là CLL.

Theo các nhà nghiên cứu, quân đội Mỹ đã phun 76 triệu lít chất độc da cam và nhiều loại thuốc diệt cỏ khác trên nhiều vùng đất ở nam Việt Nam và Campuchia trong những thập niên 60 và 70 để khai hoang rừng rậm, và sau đó, người ta đã tìm được mối liên hệ giữa bệnh CLL nầy với Chất độc da cam/dioxin. Nhưng Cục Cựu Chiến binh Mỹ đã không tái xét những khiếu nại trước đó của những cựu chiến binh bị bệnh này, mà cũng không trả tiền hồi tố (retroactive) cho họ.

Những trẻ em ra đời sau chiến tranh lại là những nạn nhân gián tiếp - Ảnh: Long An

Và  điều này chính là trọng tâm của những tranh cãi mới đây nhất. Ý kiến của Tòa vào thứ năm vừa qua là về  một vấn đề kỹ thuật xem liệu Tòa phúc thẩm có diễn giải một cách đúng đắn một thỏa thuận có tính bước ngoặc vào năm 1991, xuất phát từ một vụ án vốn được khởi động từ năm 1986. Và Tòa Kháng án đã đứng về phía những cựu chiến binh đòi hỏi được hưởng quyền nhận tiền bồi thường hồi tố.  

3. “Chúng ta hy vọng rằng sự tranh chấp nầy sẽ chấm dứt ở đây, và chính phủ của chúng ta bây giờ sẽ phải tôn trọng nghĩa vụ pháp lý mà chính phủ đã cam kết theo luật khoảng 16 năm trước đây, rằng sự chống đối hành chánh gây ra trở ngại sẽ chấm dứt, và rằng những cựu chiến binh của chúng ta, cuối cùng, sẽ nhận được tiền bồi thường mà từ góc độ đạo đức cũng như luật pháp, họ xứng đáng được nhận”.

Ông chánh án Stephen Reinhardt đã viết như trên trong bản ý kiến của phiên tòa 19.7. Còn ông Richard Spataro, một luật sư của “Chương trình Dịch vụ Tư pháp Quốc gia cho Cựu Chiến binh” đã cho rằng phán quyết hôm thứ năm, cuối cùng, sẽ chấm dứt nhiều  năm tranh chấp pháp lý nếu Cục Cựu Chiến binh không kháng án lên Tòa án Liên bang Tối cao. 

Nếu đây thật sự là phiên tòa cuối cùng về hậu quả chất độc da cam/dioxin thì điều này đồng nghĩa chính phủ Mỹ và các công ty sản xuất chất độc da cam/dioxin để cung cấp cho quân đội Mỹ buộc phải công nhận và bồi thường cho cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại VN. Nhưng sẽ thật lạ lùng, nếu họ chỉ bồi thường cho những người lính Mỹ mà không bồi thường cho đông đảo nạn nhân VN. Nói cách khác, nạn nhân Mỹ thì được chấp nhận đơn kiện còn nạn nhân VN thì lại không!

Các điều tra mới đây của Mỹ và Canada còn cho biết, nồng độ dioxin trong đất ở các sân bay Biên Hòa, Phù Cát, Đà Nẵng cao gấp hàng trăm lần cho phép. Nhiều cư dân sống gần các vùng chất độc đang tiếp tục hứng chịu hậu quả, không ít thai nhi buộc phải bị loại trừ từ trong bụng mẹ do gián tiếp nhiễm phải chất độc da cam/dioxin. Vì thế, cuộc đấu tranh chống lại loại tội ác này đối với con người vẫn phải tiếp tục, không chỉ đòi hỏi quyền được bồi thường với những nạn nhân đã chết, đang chết mà còn vì các thế hệ tương lai sinh ra sau cuộc chiến tranh.

Theo ông Len Aldis, Hội Hữu nghị Anh - Việt hứa vẫn tiếp tục cuộc vận động vì công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin, cuộc vận động mà nhiều nạn nhân như chị Nguyễn Thị Hồng, ông Nguyễn Văn Quý đã đấu tranh và mong đợi từ lâu.

Đặng Ngọc Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.