Chiều 10.6, tiếp phần xét hỏi các bị cáo trong vụ án thâu tóm đất công tại Đà Nẵng và TP.HCM, HĐXX đã cho gọi bị cáo Vũ “nhôm” từ phòng cách ly vào vị trí khai báo.
Trả lời HĐXX, Vũ "nhôm" khẳng định tiếp tục kháng cáo toàn bộ bản án và cho rằng mình đã khai báo đúng sự thật tại cơ quan điều tra cũng như phiên xét xử sơ thẩm. Bị cáo này cũng cho biết được tuyển dụng làm tình báo viên hoạt động theo phương thức bí mật. Người trực tiếp giao nhiệm vụ cho bị cáo là Phan Hữu Tuấn, cựu trung tướng, cựu Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Bộ Công an.
[VIDEO] Hai cựu thứ trưởng Bộ Công an lại ra tòa với Vũ "nhôm"
|
Trước tòa, Vũ “nhôm” cho biết, việc bị cáo được tuyển vào ngành tình báo và 2 công ty do bị cáo đại diện theo pháp luật và góp vốn là Công ty xây dựng Bắc Nam 79 và Công ty Cổ phần Nova Bắc Nam 79, được đưa vào diện tổ chức bình phong của Tổng cục Tình báo Bộ Công an diễn ra song song từ năm 2009.
“Ai là người thông báo cho bị cáo biết các Công ty Bắc Nam 79 và Nova Bắc Nam 79 được công nhận, sử dụng là tổ chức bình phong?”. Trước câu hỏi này, bị cáo Vũ “nhôm” không trả lời trực tiếp mà xin HĐXX cho phép trình bày. Tuy nhiên, Chủ tọa phiên tòa từ chối.
Trả lời Chủ tọa, bị cáo Vũ nhôm cũng cho biết, đến cuối năm 2017, sau khi bị cáo bị bắt, các doanh nghiệp nêu trên vẫn tồn tại, hoạt động. “Tại sao gọi là công ty cổ phần mà chỉ có mỗi mình bị cáo, vậy thì cổ phần với ai?”, Chủ tọa truy. Đáp lại, Vũ “nhôm” nói không nhớ, rồi than: “HĐXX hỏi vậy thì bị cáo rất khó trả lời".
Ngay lập tức, Chủ tọa nói trả lời hay không là quyền của bị cáo.
Chủ tọa công bố, theo tài liệu có trong hồ sơ, Bắc Nam 79 khi thành lập (31.7.2009) với 3 cổ đông, trong đó có Vũ và 2 cán bộ công an. Đến tháng 12.2013, công ty này tăng vốn điều lệ và tăng thêm cổ đông thành 4 người, trong đó, Vũ "nhôm" góp vốn bằng 2 tên là Phan Văn Anh Vũ và Lê Văn Sáu.
Đối với Công ty cổ phần Nova 79, Vũ khai thành lập năm 2014, đến năm 2017 đổi tên thành Công ty Chấn Phong.
Quá trình xét hỏi tại tòa, Vũ "nhôm" thừa nhận đã sai với quy định của luật Doanh nghiệp khi công ty có 3 cổ đông nhưng chỉ có 2 chữ ký. Mặt khác, các doanh nghiệp này có sự tham gia góp vốn của Vũ khi đó là trung tá công an cùng 2 người khác cũng là sĩ quan công an, là không đúng quy định của luật Doanh nghiệp, khi sĩ quan không được tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp.
“Bị cáo sử dụng các bí danh Lê Văn Sáu, Trần Đại Vũ vào những trường hợp nào?”, Chủ tọa hỏi.
“Bị cáo sử dụng các tên đó trong thi hành nhiệm vụ”, Vũ "nhôm" đáp, đồng thời thừa nhận được Công an TP.Đà Nẵng cấp 2 giấy chứng minh nhân dân và cùng lúc sử dụng 3 tên.
Đáng chú ý, Vũ “nhôm” thừa nhận đã nhiều lần ký các hợp đồng theo dạng “3 trong 1”. Bị cáo ký hợp đồng số 11 ngày 27.8.2010 có nội dung Phan Văn Anh Vũ chuyển nhượng cho Lê Văn Sáu 70% cổ phần.
Khi Chủ tọa hỏi việc tự bán cổ phần cho chính mình thì đúng hay sai, vì theo bộ luật Dân sự thì đại diện công ty không được tự xác lập giao dịch dân sự với chính mình, lúc này, Vũ “nhôm” mới thừa nhận là sai.
Bình luận (0)