Vụ 'ồ ạt đào trộm đất dự án': Phải chỉ rõ người chịu trách nhiệm

24/09/2016 06:10 GMT+7

Hôm qua 23.9, ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của UBND TP.HCM cho biết UBND TP đã có chỉ đạo kiểm tra, xử lý vấn đề Báo Thanh Niên phản ánh về vấn nạn ồ ạt trộm đất ở P.Long Bình (Q.9) chở đi san lấp mặt bằng.

Ông Lê Văn Khoa, Phó chủ tịch UBND TP khẳng định đây là hành vi sai phạm và chủ trương của TP là xử lý nghiêm.
Trước vấn đề dư luận cho rằng có sự bảo kê của lực lượng chức năng, chứ nếu không thì không thể có chuyện “lạc đà chui qua lỗ kim” như thế, bà Đặng Thị Hồng Liên, Chủ tịch UBND Q.9 cho biết ngay sau khi Báo Thanh Niên phản ánh, UBND Q.9 đã yêu cầu công an quận, các phòng ban liên quan, UBND P.Long Bình... báo cáo lại toàn bộ vụ việc để có hướng xử lý cụ thể. Theo bà Liên, nếu như lực lượng chức năng thực thi đúng chức trách nhiệm vụ, quản lý chặt địa bàn thì sẽ không bao giờ có tình trạng xe múc, xe tải ồ ạt trộm đất suốt ngày đêm, chạy công khai trên nhiều tuyến đường như vậy.
Theo tôi đây là hành vi vi phạm pháp luật nên các cơ quan chức năng cần điều tra, làm rõ. Nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì khởi tố vụ án để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật
Luật sư Nguyễn Đức Chánh, Đoàn luật sư TP.HCM
“Quận cảm ơn sự phản ánh của Báo Thanh Niên để giúp cho quận kịp thời kiểm tra, xử lý sai phạm, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trên địa bàn. Việc khởi tố để điều tra ngay lúc này thì chưa tính đến cụ thể vì thường trực quận ủy, UBND quận còn nghe các bên liên quan báo cáo. Sau khi có kết quả rà soát, kiểm tra, với những cán bộ, công chức có sai phạm mà thuộc thẩm quyền của quận, thì quận sẽ xử lý, còn nếu thuộc thẩm quyền xử lý của TP thì quận báo cáo để TP xử lý đúng theo quy định pháp luật”, bà Liên nói thêm.
Cùng ngày, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường (C49), Bộ Công an; Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường (PC49), Công an TP.HCM cũng chỉ đạo cán bộ chuyên trách làm việc với Công an Q.9 nắm vụ việc mà báo phản ánh để có kế hoạch điều tra xử lý.
“Nghĩ nhóm người trộm đất tự phát nên chủ quan”
Trả lời câu hỏi của Thanh Niên: “Trong thời gian dài, nhiều lần phường tiếp nhận tin báo trộm đất tại dự án (đây là một trong 5 khu đất sạch được UBND TP.HCM giao cho nhà đầu tư Hàn Quốc theo phương thức “đổi đất lấy hạ tầng” - PV) của người dân và Trung tâm phát triển quỹ đất TP.HCM (Trung tâm PTQĐ) nhưng không bắt được nhóm người trộm đất (?)”, ông Nguyễn Gia Hưng, Chủ tịch UBND P.Long Bình, cho rằng do thời gian báo tin cách khoảng khá xa, nghĩ nhóm người trộm đất tự phát, không thường xuyên nên chủ quan không chỉ đạo cho công an, trật tự đô thị phường lên kế hoạch “trinh sát” kiểm tra, thu thập chứng cứ phối hợp với các phòng, ban nghiệp vụ của quận, công an quận bắt giữ (!?).
Về vấn đề này, trưa 23.9, bà Đặng Thị Hồng Liên, Chủ tịch UBND Q.9, cho biết: “Sau khi báo đăng, tôi đã chỉ đạo cho Công an Q.9, Phòng Tài nguyên - Môi trường, UBND P.Long Bình nhanh chóng vào cuộc kiểm tra báo cáo tình hình vụ việc. Quan điểm của quận là kiên quyết xử lý đến nơi đến chốn”. “Công an quận đang xác minh làm rõ. Bước đầu, cơ quan công an xác định tại khu đất này có bản hợp đồng bảo vệ giữa Trung tâm PTQĐ và UBND P.Long Bình”, một lãnh đạo của Công an Q.9, cung cấp. Liên quan đến việc các xe chở đất trộm ngang nhiên hoạt động ngày đêm mà sao công an không biết (?). Vị lãnh đạo công an quận nói: “Đây là đất dự án nên việc bảo vệ, giữ gìn tài sản bên trong là trách nhiệm của công ty được giao đất, Trung tâm PTQĐ và chính quyền địa phương. Hiện công an đang xác minh làm rõ”.
Vậy có khởi tố vụ án không thưa ông? “Hiện chúng tôi đang xem xét lại toàn bộ bản hợp đồng khi giao đất lúc đầu về hiện trạng và so sánh đến thời điểm hiện nay ra sao. Công an cũng đang xác minh những người đứng ra trộm đất (như báo nêu) để xem những người này là ai? Rồi đánh giá thiệt hại từ đó mới có hướng xử lý”, ông này cho biết thêm.
Đủ cơ sở khởi tố hành vi trộm cắp tài sản
Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP.HCM), hành vi trên có dấu hiệu của tội trộm cắp tài sản theo điều 138 bộ luật Hình sự hiện hành. Bởi lẽ, dự án bị trộm đất được UBND TP.HCM giao cho nhà đầu tư Hàn Quốc theo phương thức “đổi đất lấy hạ tầng”. Như vậy, chủ đầu tư là người trực tiếp quản lý, sử dụng khu đất này. Hành vi tháo dỡ hàng rào thép gai bao quanh khu đất, rồi lén lút khai thác, lấy đất trong dự án bán cho người khác. Nếu đúng là mỗi ngày múc đất trộm hàng chục xe, bán với giá từ 450.000 đồng - 1,1 triệu đồng/xe (tùy theo xe ben nhỏ, lớn) để san lấp mặt bằng thì giá trị tài sản bị chiếm đoạt đã đủ. Hành vi này đã gây ra thiệt hại cho nhà đầu tư Hàn Quốc vì để thực hiện dự án của mình, họ phải bỏ ra khoản chi phí khá lớn để bù lại phần đất bị mất hoặc họ sẽ phải thay đổi quy hoạch đã được phê duyệt do hiện trạng của khu đất bị thay đổi. Trong khi những kẻ trộm đất này lại được hưởng khoản thu lợi bất chính từ hành vi vi phạm pháp luật này.
Còn đối với việc hoạt động trộm đất này diễn ra cả ngày, lẫn đêm; gần trụ sở UBND, Công an P.Long Bình... theo luật sư Chánh thì rõ ràng chính quyền địa phương đã buông lỏng quản lý, đó là chưa nói đến việc dư luận có quyền đặt ra nghi vấn có sự bao che, bảo kê ở đây hay không?
"Theo tôi đây là hành vi vi phạm pháp luật nên các cơ quan chức năng cần điều tra, làm rõ. Nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì khởi tố vụ án để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật. Vì việc này ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của TP.HCM cũng như việc bảo vệ tài sản của nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện dự án tại VN", luật sư Nguyễn Đức Chánh nói.
Đồng quan điểm với luật sư Chánh, một lãnh đạo Viện KSND TP.HCM cho rằng, hành vi trộm đất có thể khởi tố được và tùy vào tính chất, mức độ chiếm đoạt tài sản của người vi phạm đối với chủ/người quản lý tài sản để định tội danh. Chẳng hạn, nếu lén lút chiếm đoạt tài sản thì hành vi đó là trộm cắp tài sản; nhưng nếu người phạm tội có hành vi chiếm đoạt bằng hình thức công khai, với thủ đoạn lợi dụng sơ hở của người quản lý tài sản thì đó là tội danh "công nhiên chiếm đoạt tài sản”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.