Vụ sai phạm mua bán quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương: Hợp đồng là phương tiện phạm tội

Phan Thương
Phan Thương
20/12/2020 05:59 GMT+7

Ngày 19.12, phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Đinh La Thăng , Đinh Ngọc Hệ và 18 bị cáo khác sai phạm trong mua bán quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương tiếp tục với phần tranh luận giữa luật sư và đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM.

Đối đáp lại các quan điểm của luật sư bào chữa cho bị cáo, người liên quan, Viện Kiểm sát nhân dân (VKS) TP.HCM một lần nữa khẳng định cáo trạng truy tố đúng người, đúng tội.

Út "trọc" bị đề nghị tù chung thân, bồi thường 725 tỉ đồng

Dẫn chứng nhiều lời khai về mối quan hệ “hậu thuẫn”

Đối với vai trò của ông Đinh La Thăng (nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT) trong vụ án, VKS nêu trong hồ sơ có rất nhiều tài liệu chứng minh ông Đinh La Thăng biết rõ quá trình thực hiện đề án mua bán quyền thu phí, có mối quan hệ giữa hành vi cố ý làm trái của nhóm ông Đinh La Thăng, Nguyễn Hồng Trường (cựu Thứ trưởng Bộ GTVT) và các bị cáo tại Bộ GTVT với hành vi chiếm đoạt tài sản của Đinh Ngọc Hệ (còn gọi là Út “trọc”, nguyên Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng, đứng sau Công ty Yên Khánh). Từ hành vi của ông Thăng và các bị cáo này, Đinh Ngọc Hệ có thể chiếm đoạt được tài sản nhà nước.
Cũng theo VKS, về hợp đồng mua bán quyền thu phí giữa Tổng công ty Cửu Long và Công ty Yên Khánh, được điều chỉnh bởi pháp luật dân sự và pháp luật kinh tế, nhưng đòi hỏi các bên tham gia phải tuân thủ nghiêm chỉnh các điều kiện quy định pháp luật liên quan, từ ký kết đến thực hiện hợp đồng. Trường hợp một trong các bên coi thường, bất chấp pháp luật và cố ý thực hiện hành vi phạm tội gây hậu quả thiệt hại, thì sẽ bị điều chỉnh và xử lý theo pháp luật hình sự. Khi đó hợp đồng không còn ý nghĩa pháp lý của nó, mà trở thành phương tiện cho các đối tượng phạm tội sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội.
“Đánh giá một cách toàn diện trong vụ án này, Hệ đã chỉ đạo các bị cáo thực hiện một loạt hành vi gian dối, từ đó tạo ra khoản tiền hơn 725 tỉ đồng trong số tiền thu phí để chiếm đoạt. Vì vậy, hành vi của Hệ và đồng phạm phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (của nhà nước - PV)”, VKS nhấn mạnh.
VKS dẫn chứng một loạt bút lục, lời khai của các bị cáo và người liên quan để chứng minh mối quan hệ giữa ông Thăng và ông Hệ. Cụ thể, ông Thăng có những lời khai (có luật sư tham dự - PV) thừa nhận mối quan hệ này, như ông Thăng biết Hệ vào năm 2012 - 2013. Ông Hệ đến Bộ GTVT gặp ông Thăng. Ông Thăng biết ông Hệ là sĩ quan quân đội, ở Bộ Quốc phòng, nên thường gọi điện nói chuyện.
VKS cũng dẫn chứng nhiều lời khai khác, trong đó có 2 lời khai từ thư ký của ông Thăng là ông Nguyễn Tấn Bình, bà Bùi Thanh Nga phản ánh thường gặp ông Hệ trong phòng làm việc của ông Đinh La Thăng, được ông Thăng giới thiệu rằng ông Hệ là người quen thân của bác Đ.Q (ở Bộ Quốc phòng); nguyên Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cũng có lời khai về mối quan hệ này; bị cáo Dương Tuấn Minh (nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Cửu Long) có 7 lời khai, 3 bản tường trình về việc ông Thăng giới thiệu ông Hệ đến gặp ông Minh để làm việc về dự án đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Theo VKS, tại tòa, ông Thăng chỉ khai ký 1 văn bản trình Thủ tướng, 1 văn bản thành lập Hội đồng đấu giá (quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương - PV), 1 bút phê vào tờ trình của Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể. Tuy nhiên, trong hồ sơ có tài liệu chứng minh ông Thăng biết rõ quá trình thực hiện đề án. Bởi trong giai đoạn xây dựng đề án có nhiều văn bản về dự án được gửi cho Bộ trưởng Bộ GTVT để báo cáo. Trong giai đoạn chuyển giao quyền thu phí, có 11 văn bản mà nơi nhận là Bộ trưởng Đinh La Thăng.
Do đó, VKS khẳng định đã truy tố và kết luận ông Đinh La Thăng về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí” và phải chịu trách nhiệm chính là có cơ sở.

Ông Đinh La Thăng liên tục phủ nhận cáo buộc sai phạm trong dự án cao tốc

Viện KSND TP.HCM nêu quan điểm về số tiền thiệt hại hơn 725 tỉ

Hơn 725 tỉ đồng tiền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương (là số tiền được xác định nhà nước bị thiệt hại - PV) mà nhân viên Công ty Yên Khánh dùng phần mềm can thiệp che giấu doanh thu, là sở hữu của nhà nước hay của Công ty Yên Khánh là một trong những nội dung mà các luật sư đặt ra, gây nhiều tranh cãi.
Tranh luận với luật sư bào chữa cho các bị cáo trong vụ án, VKS cho rằng theo quy định tại các điều 197, điều 198 bộ luật Dân sự 2005, tài sản công - trong đó có kết cấu hạ tầng giao thông, là tài sản nhà nước, do nhà nước làm chủ sở hữu. Vì vậy, các khoản thu phí từ công trình này là nguồn thu ngân sách nhà nước. Nhà nước có quyền chủ sở hữu đối với doanh thu đó, cho dù đã chuyển giao cho Công ty Yên Khánh quyền thu phí trong thời hạn 5 năm, từ năm 2014 - 2019.
“Hợp đồng bán quyền thu phí giữa Tổng công ty Cửu Long (Bộ GTVT) và Công ty Yên Khánh không bao gồm việc chuyển giao quyền sở hữu nhà nước. Công ty Yên Khánh chỉ có nghĩa vụ tổ chức thu phí theo đúng quy định”, VKS nhấn mạnh.
VKS cũng cho rằng việc luật sư bào chữa cho bị cáo Hệ và bảo vệ quyền lợi Công ty Yên Khánh nêu rằng sau khi Công ty Yên Khánh thanh toán hơn 2.004 tỉ đồng cho Tổng công ty Cửu Long, từ đó việc thu phí cao tốc sẽ được Công ty Yên Khánh thu phí theo hình thức “lời ăn, lỗ chịu”, là “nhầm lẫn về khái niệm, không có căn cứ”.

Ông Đinh La Thăng nói lời sau cùng: “Làm nhiều sai nhiều, không làm không sai”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.