Vụ sạt lở nghiêm trọng ở kênh Thanh Đa (TP.HCM): Bao giờ người dân an cư?

01/07/2007 23:39 GMT+7

Sau khi 13 căn nhà đổ ập xuống sông thì đến tối 30.6, có thêm 2 căn nhà khác cũng đã bị nhấn chìm xuống sông. Trước tình hình này, chính quyền địa phương đã kiến nghị di dời khẩn cấp tổng cộng 23 căn hộ ra khỏi vùng nguy hiểm, bố trí tạm cư cho người dân để đảm bảo an toàn tính mạng.

Hôm qua 1.7, báo cáo nhanh của Trạm quản lý đường sông số 2 - Khu Đường sông (Sở Giao thông - Công chính TP.HCM) cho biết, lúc 23 giờ 30 đêm 30.6, phần sau của villa số 801/86 Xô Viết Nghệ Tĩnh (XVNT) và khuôn viên quán cà phê Trà My (801/88 XVNT) lần lượt đổ ập xuống sông, nâng tổng số nhà bị sập lên 15 căn nhà. Mặc dù chỉ có hai căn nhưng khối lượng công trình, diện tích đất bị nhấn chìm xuống sông lên đến gần 200m2.

Vào thời điểm trên, nhà số 801/84/2 XVNT cũng bị rúng động và thêm một phần kết cấu nhà rơi xuống sông. Trong số 13 căn nhà bị sạt lở (tối 29.6), có thêm căn 2 nhà (số 801/84/2 và 801/82) đã nghiêng về hướng sông rất nghiêm trọng, có thể bị đổ ập bất cứ lúc nào. Để đảm bảo an toàn tính mạng người dân, UBND P.26, Q.Bình Thạnh đã bố trí lực lượng công an, dân phòng, cán bộ của phường chốt trực 24/24 tại khu sạt lở, giữ an ninh trật tự và cảnh báo nguy cơ tiếp tục sạt lở cho dân. UBND P.26 cũng đã lập biên bản yêu cầu 2 quán cà phê ở khu vực này ngưng hoạt động. Khu Đường sông TP cũng đã điều động 1 tàu cẩu 5 tấn, 1 tàu kéo 250 CV, 2 chiếc ca-nô đến hiện trường ứng cứu; trục vớt các vật dụng trang thiết bị, tài sản của người dân bị sạt lở xuống sông; cảnh giới ngăn ngừa thiệt hại - sự cố sạt lở tiếp theo; bố trí công tác trực ban ngày và ứng trực sẵn sàng cứu hộ ban đêm. Đến chiều qua, Khu Đường sông đã trục vớt được 7 máy giặt, 5 tủ lạnh, 3 xe gắn máy, 1 máy may, 7 triệu đồng cùng nhiều vật dụng nhà bếp khác...

Sau khi khảo sát hiện trường sạt lở, Khu Đường sông đã xác định được vị trí sạt lở thuộc phía bờ hữu tuyến kênh Thanh Đa tại Km 00 + 800 đến Km 00 + 870 với chiều dài dọc bờ sông 70m, chiều rộng từ bờ hiện hữu trở vào trung bình từ 6 - 10m. Việc sạt lở ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ dân đang sinh sống từ nhà 801/66 đến 801/84 thuộc tổ 53, khu phố 5, P.26, Q.Bình Thạnh.

Ông Lê Hoàng Minh - Giám đốc Khu Đường sông khuyến cáo: "Qua đánh giá tại hiện trường, vết trượt sạt lở có thể phát triển về phía thượng lưu khoảng 20m và phát triển về phía bờ khoảng 3m. Hiện tại, mặc dù khu vực sạt lở đã được tổ chức cảnh giới nhằm đảm bảo an toàn và tránh thiệt hại khi có hiện tượng sạt lở tiếp theo, nhưng vẫn cần chính quyền địa phương có biện pháp di dời mở rộng về phía thượng lưu nhằm tránh thiệt hại cho bà con".

Hơn 20 căn nhà nằm trong khu sạt lở (ảnh: Nghĩa Phạm)

Theo UBND P.26, Q.Bình Thạnh, hiện nay các hộ có nhà bị sạt lở hầu hết đều không có chốn nương thân. Trong số nhà bị sạt lở, có 4 hộ có hoàn cảnh rất khó khăn, gồm: Trần Thị Lợi (801/72 XVNT); Lê Quang Thứ (801/70); Phạm Quang Hiền (801/66); Lê Hoàng Khanh (801/74). "Hiện khu vực hẻm 595/32 XVNT (gần nơi sạt lở) là khu vực nằm trong tình trạng báo động hằng năm với hiện trạng 8 căn nhà sàn đã nghiêng chúi về phía sông rất nguy hiểm. Để đảm bảo an toàn tính mạng người dân, UBND phường sẽ vận động người dân di dời khẩn cấp không trú ngụ tại đây. Nhằm mục đích an dân, đề nghị UBND quận hỗ trợ kinh phí thuê nhà tạm 3 tháng cho số hộ này (8 căn nhà) cùng 15 căn nhà đã bị sạt lở, giúp người dân có chỗ ở tạm thời" - trong một công văn khẩn gửi UBND Q.Bình Thạnh hôm qua, lãnh đạo UBND P.26 đã khẩn thiết đề nghị như vậy. Trao đổi với PV Thanh Niên vào tối qua, bà Đặng Thị Quỳnh Như, Phó chủ tịch UBND P.26 cho biết: "Sau khi xin ý kiến của quận, phường đã quyết định ứng tiền hỗ trợ 700.000 đồng tiền thuê nhà cho mỗi hộ có từ 4 nhân khẩu trở xuống. Hộ có nhân khẩu thứ 5 trở lên được hỗ trợ thêm mỗi người 150 nghìn đồng".

Trở lại hiện trường hôm qua, PV Thanh Niên còn ghi nhận nhiều băn khoăn của các hộ dân tại đây. Người thì lo không biết được phép sửa chữa phần nhà còn lại để tiếp tục ở hay không? Người thì thắc mắc tại sao Nhà nước không thực hiện dự án làm bờ kè sớm?... Nhưng phần đông là bà con đề nghị chính quyền nhanh chóng thực hiện dự án có bồi thường tái định cư để người dân an tâm ổn định cuộc sống.

Trao đổi qua điện thoại, ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch UBND Q.Bình Thạnh cho biết: "Nếu giải tỏa toàn tuyến kênh Thanh Đa để xây dựng bờ kè, số hộ bị giải tỏa sẽ lên đến hơn 1.000 căn. Với số lượng nhà tái định cư như vậy thì quận khó có thể đáp ứng. Nhưng nếu Sở Giao thông - Công chính TP đề nghị giải tỏa để xây bờ kè ở những điểm nóng có nguy cơ sạt lở cao thì quận sẵn sàng tiến hành giải tỏa và đủ quỹ nhà tái định cư. Ví dụ như khu vực có nguy cơ sạt lở cao ở P.25, quận cũng đã bố trí tái định cư và đến nay đang xây dựng bờ kè".

Vậy bao giờ người dân mới được an cư?

Đàm Huy - Đình Mười

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.