Vụ tài xế Mercedes tông nữ tiếp viên hàng không: Luật sư đề nghị tòa kê biên tài sản để đảm bảo nghĩa vụ bồi thường

Phan Thương
Phan Thương
22/04/2021 15:41 GMT+7

Các luật sư bảo vệ quyền lợi cho nữ tiếp viên hàng không bị tài xế Mercedes tông gây thương tật vĩnh viễn 79% đề nghị tòa kê biên tài sản của bị cáo để đảm bảo nghĩa vụ bồi thường.

Chiều nay 22.4, phiên xử phúc thẩm vụ án “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” đối với bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong (32 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM) tiếp tục diễn ra. Phong là tài xế xe Mercedes tông xe máy chở nữ tiếp viên hàng không làm 1 người chết, 1 người bị thương tật 79% vĩnh viễn. 

Mẹ tài xế Mercedes giải thích chuyện “chuyển nhượng nhà nhưng chưa đền tiếp viên hàng không xu nào”

Theo hồ sơ vụ án, bị cáo Phong là người lái ô tô Mercedes gây ra vụ tai nạn vào rạng sáng 30.1.2020 ở đường Hồng Hà (Q.Phú Nhuận, TP.HCM). Vụ việc khiến người chạy xe dịch vụ GrabBike là ông Lê Mạnh Thường (64 tuổi, ngụ Q.12, TP.HCM) tử vong, nữ tiếp viên hàng không Nguyễn Thị Bích Hường (ngồi sau xe nạn nhân Thường) bị thương tật vĩnh viễn 79%.
Trong phần tranh luận chiều 22.4, các luật sư bảo vệ quyền lợi cho người bị hại là chị Nguyễn Thị Bích Hường (nữ tiếp viên hàng không bị thương tật vĩnh viễn 79%) nêu tại phiên tòa phúc thẩm phát sinh tình tiết mới, đó là bà Trần Hoàng Họa Mi (mẹ bị cáo Phong) đồng ý sử dụng giá trị tài sản là căn hộ, thực hiện việc cầm cố, chuyển nhượng để có tiền bồi thường khắc phục hậu quả thay cho bị cáo Phong.
Việc tự nguyện này của bà Mi là phù hợp với pháp luật, đúng ý chí nguyện vọng của bà Mi và cũng đúng với điều kiện ban đầu mà bị cáo đặt ra trước khi chuyển nhượng hợp đồng mua bán căn hộ trong thời gian bị cáo đang bị tạm giam”, luật sư của chị Hường nêu tại tòa.
Tuy nhiên để đảm bảo cho việc bà Mi và Phong thực hiện đúng cam kết của mình, các luật sư cho rằng cần thiết phải có biện pháp kê biên đối với căn hộ này, đảm bảo nghĩa vụ bồi thường thiệt hại của Phong sau này.
Căn cứ pháp lý để áp dụng biện pháp kê biên tài sản, theo các luật sư, Điều 347 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (BLTTHS), về áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, thì “sau khi thụ lý vụ án, tòa án cấp phúc thẩm có quyền quyết định việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế”.

Tiếp viên hàng không bị Mercedes tông: "Gia đình Phong không hỏi thăm một câu"

Trong phần tranh luận, mẹ của tài xế Mercedes tông nữ tiếp viên hàng không đã quay xuống xin lỗi các bị hại, đồng thời cầu xin cứu xét hoàn cảnh gia đình. Theo đó, Phong đang có con nhỏ, mong HĐXX khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt cho Phong, để bị cáo sớm trở về nhà chăm sóc các con và chăm lo cho gia đình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.