Vững chãi Biển trời Tây Nam: Quần đảo Hải Tặc hút du khách

18/01/2017 09:00 GMT+7

Những câu chuyện hoặc dấu tích về cướp biển thuở xa xưa làm nên 'thương hiệu' quần đảo này

Nếu tới Hòn Đốc (thuộc quần đảo Hà Tiên hay quần đảo Hải Tặc) mà không nghe “đặc sản” là những câu chuyện hoặc dấu tích về cướp biển thuở xa xưa làm nên “thương hiệu” quần đảo này ắt hẳn ra về sẽ nuối tiếc và chính những “đặc sản” này đang thu hút du khách đến với đảo.
Câu chuyện cướp biển
Tàu chúng tôi từ quần đảo Nam Du chạy tới Hòn Đốc lúc 6 giờ sáng. Nhìn từ xa, Hòn Đốc khá nhỏ, dài chừng hơn một cây số, quanh đảo cát trắng và nước xanh thẳm. Tàu cập cầu cảng, tôi tìm đến nhà ông Tám Quẽo (81 tuổi), một trong những cư dân tới Hòn Đốc từ rất sớm và là người lưu giữ nhiều giai thoại về quần đảo Hải Tặc. Ông Tám Quẽo tên thật là Lê Văn Tám, quê ở TX.Hà Tiên (Kiên Giang), năm 1960 trốn quân dịch ra Hòn Đốc và lập nghiệp ở đây. Vợ chồng ông có 7 người con, phần lớn đều sống ở đảo, theo nghiệp đi biển của cha.
“Cái tên Tám Quẽo do lúc nhỏ tôi bị trái rạ, không có thuốc chữa nên tay bị quẽo rồi bị gọi chết tên luôn. Những ngày đầu mới ra đảo, ở đây chỉ có mấy hộ dân, vắng vẻ lắm, chỉ toàn cỏ dại, lau sậy… Mấy năm nay sức khỏe yếu nên nghỉ đi biển, ở nhà chăm sóc bà xã bị tai biến”, ông Tám Quẽo nói rồi chỉ tay về phía vợ đang nằm trên giường.
Hỏi về chuyện cướp biển, ông Tám Quẽo nhấp một ngụm trà, đôi mắt mờ mờ chong ra biển, giọng rỉ rả: “Đúng là vùng biển này ngày xưa có cướp biển nên nơi đây mới gọi là quần đảo Hải Tặc. Cướp biển chọn Hòn Đốc để lập căn cứ đi ra ngoài vùng biển tiếp giáp Thái Lan, Campuchia cướp các tàu buôn. Sau khi cướp, chúng trở về Hòn Đốc chia nhau. Người ta còn truyền nhau trên đảo có kho báu mà cướp biển chôn giấu”.
Kho báu mà cướp biển chôn giấu đến nay vẫn chỉ là giai thoại nhưng chuyện dân trên đảo từng bắt được người nước ngoài lên đảo tìm kho báu lại có thực. Đầu năm 1983, hai người nước ngoài chạy "bo bo" (xuồng cao tốc) từ đảo Phú Quốc vào Hòn Đốc với hành trang là bộ đàm, ống nhòm, hải đồ... Khi bị dân địa phương vây bắt, hai người này khai rằng họ có bản đồ 300 tuổi, vẽ kho báu của cướp biển do dòng họ truyền lại!
Do quần đảo có địa hình hiểm trở, lại nằm trên tuyến đường thông thương quan trọng nên một thời gian dài, Hòn Đốc là nơi lý tưởng để cướp biển ẩn nấp, mai phục và tấn công các tàu buôn qua lại thời xa xưa. Ngay cả đến khi Pháp chiếm vùng Hà Tiên thì vùng biển này vẫn bị cướp biển hoành hành.
Ông Tám Quẽo sống trên đảo từ năm 1960
Chết tên “quần đảo Hải Tặc”
Ông Tám Quẽo kể tiếp: Thời cướp biển hoành hành, một trong những thủ lĩnh của nhóm cướp biển là ông Nguyễn Thanh Vân, người từ bé đến lớn sống ở Hòn Đốc. Ông Vân được biết đến là người lặn biển như rái cá, tính khí ngang tàng, nhưng lại đầy lòng nghĩa hiệp, thường cướp của nhà giàu rồi chia cho người nghèo. "Nghề" của ông Vân được con trai nối tiếp về sau. Bây giờ mộ của cha con ông Vân vẫn còn ở Hòn Đốc. Một số con, cháu của ông Vân vẫn còn sinh sống ở đảo, làm nghề biển cũng như lo phần hương khói, thờ tự cho gia đình. “Chuyện ông nội là thủ lĩnh cướp biển, lấy của nhà giàu chia cho nhà nghèo, tôi cũng chỉ được nghe mọi người trong gia đình kể lại. Giờ làm chi có cướp biển hả chú? Anh em tụi tôi giờ chỉ làm nghề đi biển”, anh Nguyễn Văn Thảo, một trong những người cháu gọi ông Vân là ông nội, trò chuyện.
Ở đảo Hòn Đốc còn lưu lại cột mốc chủ quyền hình tháp được chính quyền Việt Nam Cộng hòa xây bằng bê tông mà người nào tới đảo cũng ghé vào chụp tấm hình làm kỷ niệm. Trên cột mốc có ghi chữ: “Quần đảo Hải tặc. Hải đồ số: 3686 S.H; vĩ tuyến 10 độ 10’8; kinh tuyến 104 độ 20’0”.
Ở phần đế của trụ bê tông có dòng chữ ghi rõ: “Quần đảo Hải tặc gồm có các đảo sau: Hòn Kèo Ngựa, Hòn Kiến Vàng, Hòn Tre Lớn, Hòn Tre Vinh, Hòn Gùi, Hòn Ụ, Hòn Giong, Hòn Chơ Rơ, Hòn Đước, Hòn Bồ Đập, Hòn Đồi Mồi…”. Gần 59 năm trôi qua, cột mốc chủ quyền biển đảo vẫn sừng sững nơi đất trời Hòn Đốc.
Ông Phan Hồng Phúc, Phó chủ tịch UBND xã Tiên Hải, cho biết trước đây người dân ở đảo chủ yếu sinh sống bằng nghề đi biển, đánh bắt hải sản. Khoảng 2 năm gần đây, Hòn Đốc là điểm du lịch được nhiều du khách biết tới. Lý do khách chọn Hòn Đốc, bởi ở đây có nhiều cảnh đẹp, làng chài còn hoang sơ, việc đi ra đây khá dễ dàng. Với khoảng cách 18 km, từ Hà Tiên ra Hòn Đốc chỉ mất chừng 30 phút chạy tàu cao tốc. Năm 2016, Hòn Đốc đón hơn 70.000 lượt khách đến tham quan, doanh thu từ du lịch đạt gần 17 tỉ đồng. Khách thường đến vào cuối tuần và dịp lễ tết. “Đảo thu hút khách một phần gần đây có một số doanh nghiệp đầu tư du lịch ở đây, hạ tầng trên đảo cũng đáp ứng phần nào yêu cầu của khách. Nhưng quan trọng là tên gọi quần đảo Hải Tặc góp phần kéo khách tới. Giờ nói xã Tiên Hải không ai hay mà người ta gọi chết tên quần đảo Hải Tặc rồi rủ nhau tới thăm mà thôi”, ông Phúc cười nói.
Toàn bộ quần đảo Hà Tiên (hay quần đảo Hải Tặc) cấu thành xã Tiên Hải thuộc TX.Hà Tiên (Kiên Giang). Quần đảo cách bờ biển Hà Tiên và đất liền lần lượt là hơn 20 km và 18 km về phía tây, cách đảo Phú Quốc gần 40 km về phía đông. Các đảo nằm gần nhau, trong đó Hòn Đốc là đảo lớn nhất. Hiện quần đảo có hơn 2.000 người dân sinh sống.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.