Nằm ở phía đông tỉnh Gia Lai, cách TP.Pleiku hơn 50 km, Vườn quốc gia Kon Ka Kinh có diện tích hơn 42.000 ha, trải dài qua các huyện Đăk Đoa, Mang Yang, Kbang (Gia Lai). Địa hình của vườn núi non trùng điệp, có ngọn Kon Ka Kinh cao 1.748 m. Đây còn là lưu vực của ba hệ thống sông lớn của khu vực Tây nguyên là sông Ba, Đăk Pne và Ayun. Theo ông Nguyễn Văn Hoan, Giám đốc Vườn quốc gia Kon Ka Kinh, các công trình điều tra đa dạng sinh học tại Kon Ka Kinh cho thấy, đến tháng 8.2011, hệ động vật của vườn rất đa dạng và phong phú với tổng số 556 loài, thuộc 91 họ và 30 bộ; trong đó có 16 loài đặc hữu như voọc chà vá chân xám, khướu Kon Ka Kinh, hổ...
Vùng đệm bị xâm lấn
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, khu vực vùng đệm Kon Ka Kinh có 11 dân tộc sinh sống với hàng chục ngàn người. Đầu năm 2017, nhóm các nhà nghiên cứu của Hội Động vật học Frankfurt (CHLB Đức) tại VN, Trung tâm đa dạng sinh học Nước Việt Xanh và Trường đại học Sư phạm Đà Nẵng đã khảo sát, nghiên cứu tại khu vực hành lang kết nối Kon Ka Kinh và Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng. Nhóm nghiên cứu xác định tại tuyến kết nối, vùng đệm thuộc các xã Đăk Roong, Sơn Lang, H.Kbang có 82 loài, trong đó có 14 loài thú, 38 loài lưỡng cư... Trong số này có đến 19 loài, đang bị đe dọa tuyệt chủng (10 loài ghi trong Sách đỏ VN, 14 loài trong Danh lục đỏ của thế giới), như: voọc chà vá chân xám, ếch cây kio, rắn sọc dưa, rắn cạp nong, rùa bốn mắt, khỉ mặt đỏ, cu li lớn, cu li nhỏ...
Phong phú như vậy nên Kon Ka Kinh đã trở thành nơi hấp dẫn của những kẻ chuyên đi bẫy thú rừng, của nạn xâm lấn, phá rừng từ vùng đệm.
Cả ngày chúng tôi lội vào sâu trong rừng rậm Kon Ka Kinh, đi về những vùng đệm của Kon Ka Kinh. Tại khu vực giáp ranh giữa Kon Ka Kinh và lâm phần của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đăk Roong, H.Kbang, chúng tôi thấy nhiều người dân chặt củi, chở gỗ từ phía rừng ra. Nhiều cây rừng bị chặt hạ trái phép, gỗ bị cưa thành phách. Một số vườn cà phê “mọc” lên từ sự lấn chiếm trái phép này của người dân và cả sự quản lý lỏng lẻo của chủ rừng.
Người dân đã làm rẫy, phá rừng và lấn sát Kon Ka Kinh. Vùng đệm của Kon Ka Kinh đang bị con người can dự ngày càng tăng với những hoạt động xâm lấn, phá rừng làm nương rẫy. Một cán bộ của Kon Ka Kinh nói: “Có vùng ngày xưa gọi là bãi nai, có rất nhiều nai ra kiếm ăn ở vùng đệm. Nay khu vực này trở thành rẫy của người dân. Đàn nai từ đấy vắng bóng”.
Một số người dân ở đây cho biết có những nhóm người chờ sự sơ hở của lực lượng chức năng là xâm nhập vào rừng sâu của Kon Ka Kinh để bẫy thú, đốn hạ những loại gỗ quý. Theo những nhân viên kiểm lâm ở đây, chỉ cần một dây phanh xe đạp đơn giản cũng trở thành một cái bẫy thú lợi hại. Hàng trăm chiếc bẫy thú như thế này đã bị phát hiện, thu giữ. Tình trạng buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã vẫn lén lút diễn ra.
Mới đây, kiểm tra tiệm tạp hóa của vợ chồng bà Đặng Thị N.D (48 tuổi) và ông Nguyễn Văn T. (47 tuổi, xã Ayun, H.Mang Yang), lực lượng chức năng phát hiện nhiều cá thể động vật hoang dã đã được cấp đông trong hai tủ lạnh của quán. Qua trưng cầu giám định tại Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ VN), trong số cá thể động vật hoang dã chứa trong tủ đông có 4 voọc chà vá chân xám, 2 mèo rừng, 1 khỉ mốc, 1 khỉ mặt đỏ, 2 khỉ vàng, 1 khỉ đuôi lợn và 7 sóc đen. Nhiều khả năng số động vật hoang dã này có xuất xứ từ Kon Ka Kinh.
|
Cần khẩn cấp bảo tồn
Ông Nguyễn Văn Hoan, Giám đốc Vườn quốc gia Kon Ka Kinh, cho biết: Từ danh lục thực vật mới cập nhật, danh lục các loài thực vật quý hiếm và quan trọng cho công tác bảo tồn được thiết lập với 22 loài bị đe dọa ở cấp độ quốc gia (Sách đỏ VN 2007) và toàn cầu (IUCN 2010). Trong đó, ở cấp độ đe dọa toàn cầu có 1 loài cực kỳ nguy cấp, 1 loài nguy cấp và 6 loài sẽ nguy cấp; ở cấp độ quốc gia có 2 loài cực kỳ nguy cấp, 9 loài nguy cấp và 8 loài sẽ nguy cấp.
Liên quan đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị của Kon Ka Kinh, UBND tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan chuyên môn cũng như tại Kon Ka Kinh và Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng tổ chức xây dựng kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn các loài linh trưởng trên địa bàn. Theo đó, ngoài công tác tuyên truyền, điều tra, nghiên cứu, khảo sát về bảo tồn các loài động vật hoang dã, đặc biệt là các quần thể linh trưởng đặc hữu, quý hiếm, nguy cấp, tỉnh chỉ đạo các đơn vị xử lý nghiêm các hành vi xâm hại đến động vật hoang dã.
Tuy vậy, ông Nguyễn Văn Hoan thừa nhận: “Vẫn còn tình trạng người dân mang theo súng, bẫy lén lút vào rừng săn bắn động vật hoang dã. Với diện tích rộng, tiếp giáp nhiều huyện nên việc kiểm soát khó khăn dù lực lượng chúng tôi luôn tổ chức tuần tra, kiểm soát, thu giữ hàng trăm chiếc bẫy đặt trong rừng. Việc thu giữ những khẩu súng săn tự chế, súng quân dụng là điều không hiếm”.
Tiến sĩ sinh thái học Hà Thăng Long, Trưởng đại diện Hội Động vật Frankfurt tại VN, nói: “Kon Ka Kinh đang đứng trước những tác động tăng dần từ hoạt động khai thác trái phép của con người. Những loài động thực vật thường xuyên chịu sức ép khai thác quá mức từ các cộng đồng dân cư sống xung quanh vườn quốc gia. Các loài nguy cấp và cực kỳ nguy cấp thì càng dễ tổn thương và có nguy cơ bị tuyệt chủng cục bộ cao. Bởi vì các loài này thường có số lượng quần thể nhỏ, loài đặc hữu và có vùng phân bố hẹp. Đối với loài voọc chà vá chân xám, đây là loài đặc hữu của VN, chỉ phân bố ở một số tỉnh miền Trung và Tây nguyên. Loài nằm trong Sách đỏ VN và là loài cực kỳ nguy cấp. Do vậy, cần có những ưu tiên đặc biệt trong chương trình bảo vệ các loài nguy cấp và cực kỳ nguy cấp nhằm tránh nguy cơ bị tuyệt chủng cục bộ”.
Nguy cơ của voọc chà vá chân xám
|
Bình luận