‘Vương quốc hoa kiểng' khắp miền vào mùa Tết - Kỳ 1: Những tuyệt kỹ 'không đụng hàng'

13/01/2019 11:29 GMT+7

Các nhà vườn miền Tây đang tất bật chăm sóc vườn trái cây tạo hình độc đáo và những kiệt tác điêu khắc trên cây kiểng tết 'không đụng hàng'.

Bưởi "tài lộc", dưa hấu "thỏi vàng"...

Ông Võ Trung Thành, Chủ nhiệm CLB bưởi tạo hình ở xã Phú Tân (H.Châu Thành, Hậu Giang), người tiên phong tạo hình bưởi hồ lô, cho biết do diện tích bưởi ở Phú Tân bị "lão hóa" nhiều, nên một số hộ chuyên sản xuất trái cây tạo hình khó tìm những vườn đạt tiêu chuẩn.
Do vậy, có hộ phải tìm vườn bưởi tại các tỉnh Sóc Trăng, Vĩnh Long, Bến Tre… để hợp tác với các nhà vườn trồng bưởi năm roi để "chế" bưởi tạo hình.
Bưởi tạo hình vuông có chữ "tài lộc" ẢNH: DUY TÂN
Theo ông Võ Trung Thành, một điều may mắn là năm nay ít xảy ra dịch bệnh trên cây ăn trái, và thời tiết không ảnh hưởng nhiều đến việc sản xuất trái cây tạo hình. Năm vừa rồi, CLB sản xuất trên 10.000 trái bưởi tạo hình hồ lô. Tuy nhiên, năm nay do không chủ động được vườn bưởi nguyên liệu nên chỉ còn khoảng 8.500 trái, tỷ lệ tạo hình thành công khoảng 70%.
“Dù vậy, để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường năm nay, CLB còn cho ra đời bưởi thỏi vàng và dưa hấu thỏi vàng nén. Riêng về giá cả thì sẽ không thay đổi so với năm rồi”, ông Võ Trung Thành chia sẻ.
Bầu chọn
Thường ngày, đặc biệt là dịp lễ, tết, gia đình bạn có thói quen:
Dưa hấu được tạo hình thỏi vàng và nổi chữ "lộc" ẢNH: DUY TÂN

Nghề "chơi" cũng lắm công phu

Theo các nhà vườn, để tạo hình bưởi hồ lô cần trải qua 2 công đoạn, quan trọng nhất là khâu định hình. Sau khi cây đổ nhụy khoảng 2 - 2,5 tháng sẽ tiến hành định hình, dùng dây để nịt trái bưởi tạo eo, khoảng 2 - 3 tuần tùy theo sự phát triển của cây để vô khuôn, cố định khuôn lại, che chắn thật kỹ đợi đến ngày thu hoạch.
Sản phẩm tạo hình bưởi vuông 4 mặt và có in chữ thay lời chúc tốt đẹp trong năm mới ẢNH: DUY TÂN
Anh Nguyễn Thành Tâm (32 tuổi, ngụ ấp 2, xã An Khánh, H.Châu Thành, tỉnh Bến Tre) là một trong những nhà vườn sẽ cung ứng cho thị trường tết bưởi thỏi vàng in chữ thư pháp tài - lộc, bưởi vuông 6 mặt.
Để tạo ra sản phẩm độc đáo và lạ mắt này, anh Tâm chọn bưởi da xanh tròn đẹp, có sức phát triển gần thân để tạo hình. Khi trái bưởi được 2 tháng tuổi sẽ bắt đầu cho vào khuôn nén, đến 5 tháng sau sẽ cho ra thành phẩm. Tỷ lệ thành công đối với bưởi tạo hình chỉ đạt 50%.
Năm nay, anh Tâm tạo hình khoảng 500 trái bưởi thỏi vàng in chữ tài - lộc, với giá bán ra từ 1,6 - 2 triệu đồng/cặp; khoảng 500 trái bưởi 6 mặt tài - lộc, với giá bán từ 1,8 - 2 triệu đồng/cặp.
Theo lời anh Tâm, đây là sản phẩm lạ mắt, mang ý nghĩa tài lộc, may mắn nên đến nay toàn bộ sản phẩm đã được đặt hàng.

Độc đáo kiểng điêu khắc

Tết năm nay, ông Trần Quốc Việt (43 tuổi, ngụ P.Ba Láng, Q.Cái Răng, TP.Cần Thơ) đưa ra thị trường hơn 100 cây kiểng tượng có phủ nhũ vàng vô cùng độc đáo.

Tác phẩm được điêu khắc chủ yếu trên thân cây phát tài, cây khế, vú sữa, mận… với hình tượng Phật Di Lặc cưỡi rồng, Phật Di Lặc cá chép, Phật Bà Quan Âm, Phước - Lộc - Thọ, long tranh hổ đấu, cá hóa rồng…
Kiểng điêu khắc ở vườn nhà ông Trần Quốc Việt  ẢNH: DUY TÂN
Theo ông Việt, công đoạn để tạo nên bức tượng trên cây sống phải vô cùng tỉ mỉ, cần có kỹ năng, kinh nghiệm mới làm được. Trước tiên là nuôi dưỡng và kích thích rễ phát triển, sau đó tùy theo dáng cây để điêu khắc tượng trên đó. Phát họa hình vẽ trên giấy, dán lên thân cây để lấy nền, rồi dùng viết mực phát họa trực tiếp trên thân cây, tính toán những chỗ cần nhấn và không nhấn sâu vào thịt, vì nếu nhấn sâu làm đứt lõi (tim cây) dẫn đến chết cây.
Tùy kích cỡ và hình dáng điêu khắc trên cây, giá bán dao động 5 - 70 triệu đồng/cây ẢNH: DUY TÂN
Trong quá trình điêu khắc phải để khô bề mặt, do cây đang sống nên lúc nào cũng sẽ hút nước lên. Sau đó, phần phù điêu sẽ được chà nhám và phủ lớp keo chuyên dụng để da của cây liền lại, giữ được đường nét lâu dài. Sau 3 tháng, cây phát triển ổn định sẽ bắt đầu làm láng và phủ nhũ vàng lên phù điêu.
Một sản phẩm điêu khắc trên thân cây của ông Trần Quốc Việt ẢNH: DUY TÂN
Cũng theo ông Việt, các loại kiểng điêu khắc này vẫn sống và phát triển bình thường, vì chỉ đẽo một phần thân cây. Cây mua về, cũng không cần chăm sóc gì đặc biệt, chỉ cần nuôi dưỡng như cây kiểng thông thường. Phần tượng, duy trì khá lâu dài vì bề mặt đã được xử lý. Sau này khi cây phát triển lớn dần, có thể các khối u gồ lên, nhưng như vậy tác phẩm càng tự nhiên, càng đẹp. Nếu người chơi không thích thì chỉ cần sửa lại, chỗ nào u gồ thì gọt lại, rất đơn giản.
Bằng đôi bàn tay điêu luyện, tỉ mỉ, trên những thân cây phát tài, cây khế, ông Việt đã khắc thành hình Phật Di Lặc tay cầm thỏi vàng với nụ cười hoan hỷ đặc trưng; hay "ba ông" Phước - Lộc - Thọ vẻ mặt tươi vui, sinh động như mang niềm hạnh phúc đến cho mọi người.
Tất cả những hình tượng điêu khắc này đều được chạm trổ thẳng lên cây với thời gian từ vài ngày đến vài tuần cho một tác phẩm; riêng những cây lớn phải mất khoảng 1 tháng. Tùy kích cỡ và hình dáng điêu khắc trên cây, giá bán dao động 5 - 70 triệu đồng/cây.

Sứ “chân dài” có "một không hai"

Anh Trần Duy Phong (34 tuổi, ngụ P.Tân Quy Đông, TP.Sa Đéc, Đồng Tháp) nổi tiếng với nghề sản xuất sứ “chân dài” và sứ rễ xòe.
Anh Phong cho biết, anh đã chuẩn bị hàng trăm sản phẩm độc đáo để góp phần tạo nên sự phong phú cho kiểng tết năm nay.
Anh Phong và những cây sứ chuẩn bị được kéo “chân” ẢNH: DUY TÂN
Theo anh Phong, để có được một cây sứ “chân dài” hoàn chỉnh, phải trải qua 3 công đoạn: kéo rễ, chỉnh thân và làm xòe rễ. Với cây sứ từ 8 - 10 tháng tuổi, nhà vườn sẽ nhổ lên cắt hết phần rễ phụ, chỉ chừa lại một rễ phát triển tốt nhất để làm thân cây, rồi dùng hai thanh tre kẹp vào để giữ cho rễ thẳng, sau đó trồng lại xuống đất. Khi rễ dài, lại tiếp tục nhổ lên, cắt rễ phụ, rồi trồng lại. Mỗi lần kéo rễ như thế, cây sứ sẽ cao thêm được 20 cm. Tuy nhiên, 1 năm chỉ có thể kéo rễ 2 lần.
Cây sứ “chân dài” thuộc hàng khủng của anh Phong ẢNH: DUY TÂN
Quy trình kéo rễ đối với 1 cây sứ có thể kéo dài từ 3 - 5 năm, tùy theo độ cao mà nhà vườn mong muốn. Sau khi phần thân đạt được độ dài ưng ý, thì nhà vườn tiếp tục tạo dáng thêm phần tán lá, bộ rễ, tạo dáng để nâng cao giá trị cho cây hoa sứ.
Với tầm giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng tùy theo độ tuổi và chiều cao của sứ, dàn sứ “chân dài” của anh Phong đang nhận được sự đánh giá cao của giới chơi sứ. Trong năm 2019, sứ “chân dài” hứa hẹn sẽ khuynh đảo thị trường hoa tết với sự “độc, lạ” khó cưỡng.
Mời đón đọc Kỳ 2:

Những mùa hoa... An Lạc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.