Xã hội đang nhìn nhận về doanh nghiệp nhà nước 'có vấn đề'

Vũ Hân
Vũ Hân
26/07/2019 16:14 GMT+7

Xã hội nhìn nhận vai trò của DNNN là “có vấn đề”; cơ chế, chính sách về DNNN cũng có vấn đề và truyền thông về DNNN cũng vậy, theo ông Phạm Xuân Cảnh, Thành viên HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Phát biểu tại Hội nghị Ban chấp hành lần thứ 17 (mở rộng) của Đảng bộ khối Doanh nghiệp T.Ư, ông Phạm Xuân Cảnh cho biết các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) luôn ý thức mình là "quả đấm thép" của Đảng, Nhà nước, thúc đẩy nền kinh tế phát triển theo tinh thần phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng đảng là nhiệm vụ then chốt .
Tuy nhiên, theo ông Cảnh, trong thực tiễn những năm vừa qua, có câu chuyện là xã hội đang nhìn nhận vị trí, vai trò của các tập đoàn kinh tế, các DNNN là có vấn đề; việc thể chế hóa thành các cơ chế, chính sách luật pháp để thực hiện chủ trương, cương lĩnh của Đảng, Nghị quyết 12, cũng như các nghị quyết của Trung ương có vấn đề; và truyền thông về vấn đề này cũng có vấn đề.
Ông Phạm Xuân Cảnh cho rằng, thực tiễn hiện hữu là cơ chế rất bó, khiến các DNNN vô cùng khó khăn để thực hiện sứ mệnh của mình. Bên cạnh đó là sự chủ quan, hạn chế, tồn tại, thậm chí là khuyết điểm, vi phạm của chính các DNNN, ở PVN, cũng như các tập đoàn khác.
“Thời gian qua, cũng có vấn đề mang tính tồn tại nội tại chủ quan, nhưng đến thời điểm này vẫn đang tồn tại, chưa thấy có lối thoát”, ông Cảnh dẫn vấn đề, và cho rằng các DNNN rất hồ hởi đón nhận Nghị quyết 12, T.Ư 5 và “cứ mơ” là nếu tất cả nội hàm của Nghị quyết này được cả hệ thống chính trị triển khai đồng bộ, thì “chắc chắn các DNNN không đến mức độ khó khăn như hiện nay, không bị bó như ngày hôm nay”.
Tuy không nêu cụ thể những điểm “bó” của cơ chế, chính sách với DNNN, nhưng ông Cảnh cảnh báo “nếu không kịp thời, không khẩn trương tháo gỡ vấn đề thì chúng ta sẽ có tội, có lỗi là không khẳng định được, không phát huy được, không đóng góp được xứng đáng với vai trò, vị trí của các tập đoàn, DNNN; hệ quả của nó chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển bền vững của chúng ta trong những năm tới”.
Ông Phạm Xuân Cảnh cũng cảnh báo những dấu hiệu giảm tốc, vì rõ ràng vai trò, vị trí của các tập đoàn kinh tế là động lực rất quan trọng để thúc đẩy kinh tế, mà mấy năm vừa qua, các DNNN đã bị bó chặt, không vận động được. 

Hai ông DNNN và doanh nghiệp tư nhân "cứ mơ về nhau"

Chủ trì hội nghị, Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình phát biểu: "Các đồng chí có nói tình hình dư luận xã hội có vẻ không thiện cảm với DNNN. Chính vì nhận biết được chuyện đó, nên chúng ta phải tổ chức triển khai rất quyết liệt Nghị quyết này để lấy lại hình ảnh".
Ông Bình cũng khẳng định Đảng và Nhà nước coi kinh tế nhà nước là chủ đạo và DNNN là bộ phận rất quan trọng của kinh tế nhà nước. Nghị quyết số 12 đưa ra định hướng đến năm 2030, kinh tế nhà nước chỉ chiếm khoảng 10-15% tổng GDP, còn lại là các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là kinh tế tư nhân.
Có người nói rằng như vậy là làm giảm quy mô của kinh tế nhà nước. Đúng là làm giảm quy mô của kinh tế nhà nước để tập trung vào những lĩnh vực trọng yếu, những lĩnh vực tư nhân không làm được. Đó không phải làm cho DNNN yếu đi.
Bên cạnh việc thừa nhận cơ chế chính sách chưa thay đổi để DNNN có thể cạnh tranh bình đẳng như các DN khác, Trưởng ban Kinh tế T.Ư cũng cho rằng, trong khi Nghị quyết tập trung vào nâng cao năng lực quản trị của DNNN, thì “qua theo dõi, cơ bản trong 3 năm qua quản trị của DNNN chưa có gì thay đổi về cơ bản”.
“Báo chí có đưa, khi hỏi mấy doanh nghiệp tư nhân thì họ bảo mơ ước được có cơ chế như DNNN. Sang phỏng vấn DNNN thì DNNN lại bảo chúng tôi mơ ước được cơ chế như DN tư nhân. Thế có nghĩa là 2 ông cứ mơ về nhau. Cái lớn nhất kinh tế tư nhân mơ về DNNN chính là cơ chế phân bổ các tài nguyên, nguồn lực. Còn DNNN được giao nguồn lực nhưng cơ chế không cho phép mình làm, nếu có cơ chế như tư nhân thì nhất. Nghị quyết số 10 (của Ban chấp hành T.Ư khóa XII) về kinh tế tư nhân là giải quyết niềm mơ ước của kinh tế tư nhân. Nghị quyết 12 (của Ban Chấp hành T.Ư khóa XII) là cái giải quyết ước mơ của các DNNN. Nếu chúng ta thể chế hóa đầy đủ và triển khai quyết liệt thì tôi khẳng định với các đồng chí rằng là dư luận xã hội sẽ có đánh giá rất tốt về DNNN”, ông Nguyễn Văn Bình nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.