'Xã hội đen' náo loạn phiên đấu giá đất ở Bình Thuận

Quế Hà
Quế Hà
27/10/2018 09:00 GMT+7

Sở Tư pháp vừa báo cáo UBND tỉnh Bình Thuận về hiện tượng các băng nhóm “xã hội đen” tham gia vào cuộc đấu giá 8 lô “đất vàng” ở TP.Phan Thiết.

Cụ thể, ngày 5.10, Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản (TTĐG) thuộc Sở Tư pháp, tổ chức đấu giá 8 lô đất thổ cư, thuộc khu dân cư Đông Xuân An (P.Phú Thủy, TP.Phan Thiết), mỗi lô diện tích 120 - 125 m2, có vị trí 2 mặt tiền. Do có đông lượng người tham gia đấu giá, nên TTĐG phải thuê một khách sạn trên địa bàn P.Phú Trinh (TP.Phan Thiết) để tổ chức.
“Cầu cứu” công an bảo vệ phiên đấu giá
Các đối tượng rất manh động từ các tỉnh xa đến, đặc biệt ở Hải Phòng với mục đích phá giá để kiếm lợi
Trung tá Trịnh Đức Hải, Trưởng công an P.Phú Trinh
Ngay sau khi phổ biến nội quy đấu giá, có nhiều người không đăng ký tham gia vẫn tìm cách vào trong hội trường và có hành vi, lời nói không phù hợp. Ban tổ chức nhờ Công an P.Phú Trinh đến can thiệp nhưng một số người vẫn cố tình gây rối, nên TTĐG phải báo Công an TP.Phan Thiết chi viện 15 cán bộ chiến sĩ đến bảo vệ phiên đấu giá. “Sau khi đấu xong 2 lô đất đầu tiên thì bên ngoài hội trường nóng lên vì thỏa thuận giữa các nhóm cò, đối tượng xã hội đen không đạt được mục đích nên chúng tăng sức ép vào bên trong hội trường. Một số khách hàng đấu giá (chủ yếu người ngoài tỉnh) lúc này lộ rõ bản chất cò đấu giá, tìm cách phát tín hiệu thương lượng với khách hàng đang đấu giá, bất chấp đấu giá viên nhắc nhở. Trong lúc đấu giá, một số khách hàng thực chất là “cò” xin rút nhưng lại gây mất trật tự, tạo ra cuộc xung đột để phá phiên đấu giá. Buổi chiều, an ninh siết chặt hơn nhưng vẫn có người lọt vào trong phòng đấu giá gây rối nên bị công an đưa về phường”, báo cáo của Sở Tư pháp nêu.
Trao đổi thêm với PV Thanh Niên, ông Ngô Giang Bảo, Giám đốc TTĐG, nói: “Khi biết các lô đất bán đấu giá chênh lệch với giá thị trường rất lớn nên các nhóm xã hội đen đến tìm cách gây rối hoặc dàn xếp với những người có nhu cầu mua đất thật. Người trúng giá lô đất sẽ phải trả phần chênh lệch cho các băng nhóm này để được mua lô đất”. Theo ông Bảo, hiện Công an Bình Thuận đã làm việc với TTĐG để nắm bắt, điều tra các đối tượng và băng nhóm quậy phá trong lần đấu giá 8 lô đất vừa qua.
Trung tá Trịnh Đức Hải, Trưởng công an P.Phú Trinh (TP.Phan Thiết), xác nhận: "Khi công an phường đến thì thấy nhiều đối tượng xăm trổ lọt vào bên trong phòng đấu giá gây rối. Chúng tôi phải đưa về trụ sở một đối tượng để làm rõ". Theo trung tá Hải, khi một người dân ở KP.3, P.Xuân An (TP.Phan Thiết) đấu lô đất lên tới 3,6 tỉ đồng (giá khởi điểm khoảng hơn 2 tỉ đồng - PV); lập tức một “cò” lao đến chỉ mặt hăm dọa, khiến người này phải bỏ cuộc. “Các đối tượng rất manh động từ các tỉnh xa đến, đặc biệt ở Hải Phòng với mục đích phá giá để kiếm lợi”, trung tá Hải nói.
Đại tá Nguyễn Văn Ly, Trưởng công an TP.Phan Thiết, cho biết sắp tới đây TTĐG đấu tiếp hơn 20 lô đất ở vị trí rất đẹp của TP. Công an TP đã báo cáo công an tỉnh chỉ đạo phương án bảo vệ, không để xảy ra tình trạng mất trật tự, uy hiếp người đấu giá như vừa qua.
Cần xem lại giá khởi điểm
Theo TTĐG, bình quân có 90 - 100 người tham gia đấu giá một lô đất (cá biệt có lô đến 125 người); trong đó 85 người hộ khẩu ở Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc… đồng loạt tham gia đấu cả 8 lô, nhưng tất cả người mua sau cùng đều ở... Bình Thuận. Giá đấu thành tăng tới 66%.
Vì sao có đông người lao vào cuộc đấu giá này như vậy? Theo ông Nguyễn Hữu Trung, Giám đốc một công ty chuyên về bất động sản ở Phan Thiết, giá đất khởi điểm đưa ra rất thấp, khoảng hơn 2 tỉ đồng/lô; trong khi giá thị trường một lô đất 2 mặt tiền không dưới 4 tỉ đồng, nên thu hút nhiều người tới tham gia.
Trao đổi với PV Thanh Niên, Phó giám đốc Sở TN-MT Bình Thuận Lê Nguyễn Thanh Danh (phụ trách lĩnh vực đất đai) cho rằng: “Theo quy định chỉ những lô đất giá trị từ 20 tỉ đồng trở lên thì mới mời một đơn vị định giá độc lập trước khi đấu giá. Trường hợp 8 lô đất trên khoảng 20 tỉ đồng (sau đấu giá lên thành 33,3 tỉ đồng) nên tỉnh tự làm giá trước khi đấu”, ông Danh nói.
Trong khi đó, báo cáo của Sở Tư pháp nhận định, qua kết quả đấu giá, thực tế giá trị vượt rất cao so với giá khởi điểm. Chính vì thế, các băng nhóm “xã hội đen” đã tìm mọi cách gây sức ép lên người tham gia đấu giá để hưởng lợi. "Sở Tư pháp đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét giá khởi điểm cho phù hợp, để bảo đảm tình hình an ninh trật tự trong công tác đấu giá".
Trong cuộc giao ban báo chí sáng 26.10, do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận tổ chức, trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên về việc “xã hội đen” gây rối ở phiên đấu giá, Phó giám đốc Sở TT-TT Dương Tự, cho biết tỉnh đã họp và công an tỉnh đang có chuyên án triệt phá các băng nhóm giang hồ vào Bình Thuận cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, bảo kê…; bao gồm vụ đấu giá 8 lô đất Đông Xuân An. Theo ông Tự, cuộc đấu giá bị vỡ trận do không lường trước được số người vào đấu quá đông (tới hơn 800 lượt người); các băng nhóm “xã hội đen” chủ yếu ở phía bắc vào đã khống chế, ép những người đấu giá phải nhượng bộ theo ý đồ của chúng để hưởng lợi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.