Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là nâng tầm sức mạnh của đất nước

Thu Hằng
Thu Hằng
14/05/2019 16:14 GMT+7

“Đảng và Nhà nước luôn coi trí thức Việt Nam là lực lượng lao động sáng tạo, đặc biệt quan trọng để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng kinh tế tri thức, xây dựng văn hóa con người Việt Nam”.

Đó là khẳng định của Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng tại buổi “Gặp mặt trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2019” do Ban Tuyên giáo T.Ư tổ chức tại Hà Nội sáng nay, 14.5.
Đây là lần đầu tiên lãnh đạo Ban Tuyên giáo T.Ư tổ chức gặp mặt các tầng lớp trí thức khoa học công nghệ. Tham dự buổi gặp mặt có 100 đại biểu là các nhà trí thức, khoa học đã đạt các giải thưởng khoa học và công nghệ trong nước, quốc tế, giải thưởng Hồ Chí Minh…, các nhà giáo, nhà khoa học từ các trường đại học, viện nghiên cứu có nhiều thành tích đóng góp cho sự phát triển của khoa học và công nghệ.

Đầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững

Phát biểu khai mạc, ông Võ Văn Thưởng đánh giá cao vai trò của các trí thức đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đội ngũ trí thức khoa học công nghệ đã đóng vai trò động lực, đi đầu trong việc nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhiều nhà khoa học Việt Nam đã được quốc tế ghi nhận. Nhiều công trình khoa học đã góp phần quan trọng thay đổi cơ cấu kinh tế, tăng năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…
Tuy nhiên, theo ông Võ Văn Thưởng, nhìn một cách tổng thể phát triển đội ngũ trí thức cả về chất lượng, số lượng và cơ cấu còn có những hạn chế. Vị trí và vai trò của đội ngũ trí thức chưa được phát huy đầy đủ. Việc huy động tiềm năng đội ngũ trí thức vào sự nghiệp phát triển đất nước vẫn còn thấp so với yêu cầu, vẫn còn một vài trí thức chưa ý thức thật sự đầy đủ và trách nhiệm và bổn phận trước đất nước và dân tộc. “Những đóng góp của trí thức khoa học, công nghệ cho khoa học, công nghệ vẫn chưa đáp ứng, giải đáp kịp thời nhiều vấn đề của thực tiễn đặt ra, chưa thực sự trở thành động lực cho phát triển nhanh và bền vững đất nước”, ông Thưởng nhìn nhận.
Ông Võ Văn Thưởng cũng khẳng định Đảng và Nhà nước luôn coi trí thức Việt Nam là lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng kinh tế tri thức, xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước. Ông Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: “Đảng khẳng định xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Đầu tư cho xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho xây dựng phát triển bền vững đất nước”.
Ông Võ Văn Thưởng cho rằng, quá trình thực hiện sự nghiệp đổi mới xây dựng và phát triển đất nước cần phải đổi mới, từng bước hoàn thiện từ lý luận đến thực tiễn. Điều này phụ thuộc rất lớn vào sự tham gia của đội ngũ trí thức, các nhà khoa học Việt Nam. “Toàn Đảng, toàn dân luôn trân trọng và kỳ vọng vào đội ngũ trí thức, rất mong muốn đội ngũ trí thức các nhà khoa học, tiếp tục không ngừng phấn đấu nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức năng lực chuyên môn phát huy vai trò năng động sáng tạo, vươn lên trở thành nhân tố nòng cốt, tiên phong trong xây dựng và phát triển đất nước. Đảng và Nhà nước sẽ thường xuyên lắng nghe ý kiến tâm huyết của đội ngũ trí thức, các nhà khoa học để đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo”, ông Võ Văn Thưởng nói.

Đầu tư vào đào tạo nghiên cứu trong trường ĐH

Dẫn chứng việc khoa học, công nghệ đóng góp 30% giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp và các mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy hải sản giúp tăng hiệu quả kinh tế từ 10 – 30%, GS-TS Trần Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, đề nghị: "Nhà nước cần có chính sách cụ thể trong đào tạo cán bộ khoa học, công nghệ theo tinh thần "thực học, thực hành, thực danh, thực nghiệm" để các nhà khoa học có thể đóng góp nhiều hơn, làm chủ các công nghệ tiến tiến của thế giới cũng như sáng tạo ra các công nghệ mới mang thương hiệu của Việt Nam. Bên cạnh đó, gắn đào tạo với chuyển giao công nghệ, thành lập Trung tâm ươm tạo nông nghiệp ở tầm quốc gia để quy tụ đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ tốt; quan tâm nhiều hơn đến các nghiên cứu nền tảng, nghiên cứu công nghệ đỉnh cao".
Để Việt Nam bắt kịp cuộc cách mạng công nghệ 4.0, PGS Tạ Hải Tùng, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông (Đại học Bách khoa Hà Nội), cho rằng cần đầu tư vào đào tạo và nghiên cứu trong trường đại học để có nguồn nhân lực chất lượng cao. Nguồn nhân lực trẻ này phải được tiếp cận với khoa học công nghệ tiên tiến ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, được tham gia vào các đề tài nghiên cứu trong suốt quá trình học để có thể học thông qua trải nghiệm, từ đó có những ý tưởng đột phá.
Chia sẻ việc hiện nay có rất ít người trẻ đi vào con đường khoa học – xã hội, GS Hồ Sỹ Quý, nguyên Viện trưởng Viện Thông tin khoa học – xã hội bày tỏ: “Sự chọn nghề vào ngành khoa học xã hội ngày càng ít, có khi bí lắm người ta mới cho con cái vào con đường này. Trong ngành khoa học – xã hội, con đường tiến thân, thành đạt và đạt thành tựu cực kỳ gian nan, trong khi các cơ chế chính sách cho khoa học – xã hội phát huy hết sức còn rất hạn chế”.
Theo ông Quý, các quốc gia hùng mạnh trên thế giới đều trọng dụng KH-XH và có trung tâm khoa học – xã hội mạnh. Các đầu não của các nước nước số đông là từ khoa học – xã hội. Vì vậy, ông Quý, mong muốn cần đầu tư mạnh mẽ hơn nữa, quan tâm sâu sắc cụ thể hơn nữa để giới khoa học – xã hội đóng góp nhiều hơn cho đất nước và sự phát triển của xã hội.
Tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học, thay mặt Chính phủ, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn các trí thức, các nhà khoa học Việt Nam tiếp tục phát huy tài năng trí tuệ với tấm lòng của mình giúp cho đất nước tiếp tục phát triển và phát triển nhanh bền vững hơn.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Khoa học là quốc sách hàng đầu. Chính phủ sẽ có những khâu đột phá trong lĩnh vực khoa học, công nghệ. Điều này thể hiện qua cơ chế chính sách phát huy sức mạnh của hệ thống, khơi gợi sáng tạo của mọi cá nhân, đặc biệt là của các tầng lớp trí thức, các nhà khoa học, như: khai thông các thủ tục tài chính; cơ chế đãi ngộ cả về vật chất và tinh thần; xây dựng các trường đại học trở thành những trung tâm nghiên cứu lớn…”
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.