Đó là khu đất “vàng” rộng 24.197,2 m2 nằm trên mặt tiền đường Phạm Văn Khoai (P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa, Đồng Nai) được quy hoạch làm Trung tâm thể dục thể thao của tỉnh Đồng Nai.
Ồ ạt xây dựng
Gần đây, người dân sinh sống trên đường Phạm Văn Khoai ngỡ ngàng vì hàng loạt nhà hàng, quán ăn, cà phê, bida máy lạnh, thậm chí cả gara ô tô ồ ạt mọc lên như nấm tại khu quy hoạch làm Trung tâm thể dục thể thao.
|
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, khu đất trên trước đây được sử dụng để xây dựng chợ tạm Tân Hiệp. Cuối năm 2016, tiểu thương di dời sang chợ Tân Hiệp mới (đối diện chợ tạm khoảng 100 m) để kinh doanh thì chính quyền cho xây dựng hàng rào bằng tôn (cao khoảng 3 m) để bảo vệ khu đất công này. Gần đây, hàng rào tôn được tháo dỡ và lộ ra hàng loạt công trình trên nhiều lô đất (diện tích khoảng 200 - 1.000 m2/lô) xây dựng kiên cố bằng bê tông cốt thép, tường gạch, nhà gỗ... Cảnh buôn bán tấp nập, xe cộ vào ra từ sáng sớm đến tận khuya như một khu thương mại tập trung.
Đi sâu vào bên trong, hàng loạt công trình “khủng” cũng đang trong giai đoạn hoàn thiện. Chúng tôi còn phát hiện cả một nhà hàng rộng cả ngàn mét vuông đang mọc lên. Chủ đầu tư còn cho làm 2 con đường nhựa chạy song song vòng ra phía sau nối vào nhau thành hình chữ U đi thẳng ra trục chính đường Phạm Văn Khoai để phục vụ lưu thông cho các công trình phía sau.
|
“Đừng nói thuê đất, trật tự đô thị vào kiểm tra thì chết”
Không chỉ xây dựng tràn lan, dọc tuyến đường Phạm Văn Khoai có hàng loạt số điện thoại dán chi chít trên tường rào hoặc cắm biển trên các lô đất trống để rao cho thuê đất. Trong vai người đi thuê đất mở quán nhậu, khi chúng tôi vừa đặt vấn đề, chị H. (người cho thuê đất) nói ngay: “Chị cho em thuê nhưng đừng nói là thuê. Tránh tiếng thuê ra nhé. Phải nói là hợp tác làm ăn thôi. Nếu nói cho thuê, trật tự đô thị vào kiểm tra thì chết luôn!”.
|
Theo chị H., chị cũng thuê đất ở đây để kinh doanh. Do lô đất khá rộng (khoảng 500 m2 - PV) mà sử dụng không hết nên tự phân ra cho thuê lại để kiếm lời. “Khu đất này của nhà nước quản lý, cho một công ty tư nhân thuê để kinh doanh. Do diện tích quá lớn nên chủ đầu tư phân ra nhiều lô để cho thuê lại.
tin liên quan
TP.HCM sẽ hủy 300 quyết định bán chỉ định đất côngNếu em đồng ý thuê thì chị sẽ làm hợp đồng. Cứ 5 năm tái ký một lần”, chị H. tiết lộ, đồng thời dặn dò thêm: “Phải kín tiếng vì khu đất này không được phép cho thuê lại. Nếu có ai hỏi thì cứ nói là anh em của gia đình chị vào đây làm ăn chung, mỗi người kinh doanh một mảng khác nhau, chứ nói đi thuê là không được”.
Thấy chúng tôi tỏ vẻ lo lắng về sự rủi ro rất cao khi đầu tư vốn lớn để xây dựng trong lúc việc ký hợp đồng lại ngắn hạn, chị H. trấn an: “Lúc mới thuê, chị cũng lo như em vậy nhưng giờ thì yên tâm rồi. Xung quanh họ đầu tư còn dữ dằn hơn chị nhiều. Quán cà phê làm hơn 2 tỉ đồng đang kinh doanh, rồi mấy nhà hàng đầu tư cả 4 - 5 tỉ đồng đang xây dựng lên đó. Người ta đổ vốn vào như vậy còn không lo thì em sợ cái gì”.
Theo chị H., khi vừa thuê đất chị phải cọc tiền đất 6 tháng và đóng tiền thuê hằng tháng. Rồi chị phải đầu tư cả tỉ đồng để san lấp, đổ nền, xây dựng nhà xưởng. “Nếu thuê căn nhà của chị đã xây sẵn là 15 triệu đồng/tháng (diện tích khoảng 140 m2). Còn giá sử dụng nước là 13.000 đồng/m3, điện là 3.500 đồng/kW vì khu này nước và điện chưa vào được, phải câu nhờ qua công ty cho mình thuê nên giá cao”, chị H. nói.
|
Gần đó, anh T. cho hay anh thuê lô đất để mở quán bida, trả tiền thuê đất hằng tháng. Nhưng trong hợp đồng với công ty thì ghi “hợp tác kinh doanh”. Chúng tôi hỏi vấn đề bị thiệt hại một khi đã bỏ vốn ra đầu tư mà nhà nước thu hồi lại khu đất thì sao, anh T. nói: “Tôi có tìm hiểu, trong khoảng mười năm tới đất này chưa có chủ trương làm gì cả, nên mới quyết định vào đây thuê. Ai đầu tư vào đây cũng hơn cả tỉ đồng nên cũng phải tìm hiểu kỹ”.
Tại văn phòng của chủ đầu tư khu đất, khi chúng tôi hỏi thuê mặt bằng để kinh doanh thì nhân viên ở đây thông báo đã hết. “Giờ muốn kinh doanh trong đây thì phải đi thuê lại của người khác”, nhân viên tên P. cho biết và hướng dẫn thêm: “Ngoài kia (mặt tiền đường Phạm Văn Khoai - PV) còn chỗ trống chưa xây, anh ra liên hệ thuê lại xem sao”.
Theo chỉ dẫn của P., chúng tôi tiếp cận với người đàn ông tên H. đang cho thuê đất thì anh này ra giá: “Giá thuê đất là 45.000 đồng/m2/tháng, thời gian thuê 5 năm ký một lần. Đất ở đây, giấy phép chủ đầu tư đã xin cho toàn khu vực này rồi, cứ xây lên thôi. Khi tôi vào thuê, chủ đầu tư dặn chỉ dựng nhà tiền chế để kinh doanh nhưng tôi đổ trụ bê tông, xây tường gạch luôn, có thấy ai nói gì đâu. Xung quanh đây ai cũng vậy mà làm”.
Cố tình cho thuê dù hợp đồng không cho phép
Theo tìm hiểu của PV Báo Thanh Niên, vào ngày 11.4.2016, toàn bộ khu đất rộng 24.197,2 m2 này được UBND tỉnh Đồng Nai thu hồi và giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất (PTQĐ) tỉnh Đồng Nai quản lý, đồng thời cho xây dựng tường rào bảo vệ để ngăn sự lấn chiếm của người dân.
Sau đó, Trung tâm PTQĐ tỉnh Đồng Nai có Tờ trình gửi UBND tỉnh Đồng Nai và các sở ngành xin duyệt phương án cho thuê mặt bằng ngắn hạn (5 năm) đối với toàn bộ khu đất trên. Sau khi được UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận phương án, ngày 24.11.2016, Trung tâm PTQĐ tỉnh Đồng Nai đã ký hợp đồng cho Công ty TNHH Quý Hoàng Thông thuê với giá 57.600 đồng/m2/năm. Thời gian thuê 5 năm, mục đích sử dụng mặt bằng: thương mại dịch vụ không phải sản xuất, để cây kiểng, bãi xe ô tô, rửa xe, kho bãi tạm chứa hàng hóa, vật liệu xây dựng, quán cà phê, kinh doanh các nhà hàng ăn uống. Trong hợp đồng này có quy định: “Không được ký hợp đồng cho thuê lại đối với mặt bằng đã thuê”.
Trong khi đó, theo điều tra của Thanh Niên, sau khi thuê được đất của nhà nước, Công ty TNHH Quý Hoàng Thông đã phân ra rất nhiều lô đất để cho thuê lại. Thậm chí, có lô đất được cho thuê sang tay qua 2 - 3 người. Để “lách luật”, trong hợp đồng mà Công ty TNHH Quý Hoàng Thông ký với người thuê đất (hay hợp đồng giữa người thuê đất thứ 2 - 3...) đều ghi “hợp đồng hợp tác kinh doanh” nhằm đối phó với cơ quan chức năng. (còn tiếp)
Bên trọng, bên khinh
Tiếp xúc với PV Báo Thanh Niên, một số người dân đang sinh sống trên đường Phạm Văn Khoai cho hay toàn bộ khu vực này thuộc đất quy hoạch làm Trung tâm thể dục thể thao của tỉnh Đồng Nai. Do bị “treo” gần 20 năm qua, nên đa số người dân mua đất, xây nhà trong khu vực này toàn bộ đều bằng giấy tay.
Chị Nguyễn Thị Năng (ngụ P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) cho biết, đầu năm 2002, vợ chồng chị mua đất bằng giấy tờ viết tay rồi xây nhà để ở. Trong quá trình xây nhà, chị bị chính quyền phạt mấy lần. “Nhiều hộ dân quanh đây muốn xây nhà phải bỏ tiền nhờ chỗ này chỗ kia, thậm chí bị phường xuống phạt và không cho xây. Nhưng phía bên kia đường không biết sao lại xây dựng rầm rộ, mở quán ăn, nhà hàng, mở xưởng… mà chẳng thấy chính quyền xuống tạm dừng hay xử phạt gì cả”, chị Năng bức xúc.
|
Bình luận (0)