Tiếp tục phiên xét xử đại án Ngân hàng TMCP Xây dựng VN - VNCB (giai đoạn 2), hôm qua HĐXX thẩm vấn ba bị cáo: Phạm Công Danh (52 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB, nguyên Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh - gọi tắt Tập đoàn Thiên Thanh), Trầm Bê (58 tuổi, nguyên Phó chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank), Phan Huy Khang (45 tuổi, nguyên Tổng giám đốc Sacombank) và một số bị cáo đồng phạm “cố ý làm trái...” xảy ra tại Sacombank, gây thiệt hại VNCB trên 1.835 tỉ đồng.
tin liên quan
Phạm Công Danh, Trầm Bê và những 'đại án' nghìn tỉ đồngTheo cáo trạng, để có nguồn tiền trả nợ tại BIDV, giữa năm 2013, Danh đến gặp Trầm Bê và được đưa đi gặp Khang để bàn bạc rồi thống nhất cho Danh vay tối đa 1.800 tỉ đồng với tài sản đảm bảo là tiền gửi của VNCB. Từ đó, tại VNCB, Danh phân công cấp dưới lập hồ sơ khống 6 công ty (do Danh thành lập) chuyển cho Sacombank để làm thủ tục vay. Tại Sacombank, ngày 25.4.2013, Trầm Bê ký phê duyệt 2 tờ trình của Sacombank chi nhánh Trần Hưng Đạo, chi nhánh Q.8, đồng ý cho Danh vay 1.800 tỉ đồng.
Trước tòa, Trầm Bê khai hành vi của bị cáo được nêu trong cáo trạng là đúng nhưng cần trình bày thêm. Bị cáo khai biết Danh khi Danh đang là ông chủ Tập đoàn Thiên Thanh và là khách hàng vay tiền của Ngân hàng TMCP Phương Nam (về sau sáp nhập vào Sacombank - PV). Mặt khác, Danh cũng từng là Chủ tịch HĐQT VNCB nên biết.
Khi bị chất vấn điều kiện chủ tịch ngân hàng được phép đi vay tiền của ngân hàng khác theo luật, Trầm Bê trình bày điều kiện then chốt khi cho vay: chỉ cần có tài sản đảm bảo. Chủ tọa vặn lại: “Theo quy định Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước thì điều kiện trước tiên và duy nhất khi cho vay phải là phương án vay vốn, phương án trả nợ”.
tin liên quan
Trầm Bê khai không cần biết Phạm Công Danh là ai, cứ khách hàng thì cho vayĐối với giám định của Ngân hàng Nhà nước về sai phạm của Trầm Bê, bị cáo nói: “Trên 1.800 tỉ đồng Danh chuyển qua các chi nhánh Sacombank là tài sản đảm bảo của pháp nhân chứ không phải VNCB gửi thị trường 2 để bảo lãnh hoặc gửi thị trường 2 rồi bị cáo đem trừ. Đây giống như một tài sản, một sổ tiết kiệm để bảo lãnh vay của từng khách hàng”. Bị cáo này cũng nêu ý kiến: “TPBank, BIDV cũng cho Danh vay tương tự. Nếu mỗi Sacombank làm sai thì có lẽ do nhận thức của cá nhân bị cáo yếu kém. Nhưng đây là cả 3 ngân hàng có nhận thức giống nhau. Đứng trước tòa, bị cáo thấy trách nhiệm của mình nhưng mong rằng luật Tổ chức tín dụng sửa cho rõ”.
Ngoài ra, Trầm Bê cho rằng bản thân không phục về tội “cố ý làm trái...” do cáo trạng truy tố. “Nếu cố ý làm trái thì bị cáo phải tư lợi hoặc giúp cho Danh một cái gì nhưng bị cáo không biết gì. Còn bị cáo quen Danh thì phải khai là quen chứ, không lẽ nói không quen. Cho vay gần 2.000 tỉ đồng mà không quen thì bị cáo nhắm mắt cho vay tiền của mình sao; muốn làm ăn thì phải bàn bạc, thỏa thuận. Vì khai quen mà phạm tội cố ý làm trái thì bị cáo không phục. Nói vậy lúc đầu tôi mà khai không quen Danh là không phạm tội rồi”.
Đề nghị thu hồi tiền chi lãi ngoài từ nhóm Trần Quý Thanh
Chiều qua, HĐXX cũng xét hỏi bị cáo Danh, Phan Thành Mai. Hai bị cáo khai nhận hành vi phạm tội nhưng mong HĐXX xem xét nguyên nhân, bối cảnh.
Về đề xuất khắc phục hậu quả, trong hơn 6.126 tỉ đồng thiệt hại của VNCB, Mai khai chi lãi ngoài vượt trần gần 200 tỉ đồng cho ông Trần Quý Thanh (chủ Tập đoàn Tân Hiệp Phát) và nhóm bà Trần Ngọc Bích (con gái ông Thanh). Phạm Công Danh khai, từ năm 2012 - 2013, bị cáo đã hàng chục lần vay tiền từ ông Trần Quý Thanh và bà Trần Ngọc Bích, với tổng số tiền vay hơn 20.000 tỉ đồng. Trong đó, Danh đã phải chi lãi suất vượt trần hơn 2.700 tỉ đồng cho nhóm này. Ngoài số tiền lãi ngoài, Danh nêu trong giai đoạn 1 của vụ án đã xác định Danh trả lãi vượt trần cho nhóm Trần Ngọc Bích hơn 47 tỉ đồng nhưng chưa được tuyên thu hồi. Từ đó, Danh đề nghị được xem xét thu hồi các khoản lãi ngoài này để khắc phục hậu quả triệt để.
P.T
|
Bình luận (0)