Xét xử vụ gian lận điểm thi ở Sơn La: Nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT chối tội

Quý Hiên
Quý Hiên
23/05/2020 06:40 GMT+7

Trong phiên tòa xét xử vụ gian lận điểm thi ở Sơn La, khi HĐXX xét hỏi, bị cáo Yến, nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La, đã chối tội

Hôm qua (22.5), phiên tòa xét xử vụ án gian lận điểm thi tại Sơn La bước qua ngày thứ hai.
Theo các bị cáo là cán bộ ở Sở GD-ĐT, ngành GD-ĐT, cũng như Công an tỉnh Sơn La, việc các bị cáo câu kết rút sửa bài thi và nâng điểm các môn trắc nghiệm diễn ra trong các ngày 29, 30.6 và 1, 3.7. Ngày 4.7, sau khi đã quét lại các túi bài thi có nâng sửa điểm, Trần Xuân Yến, nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La - người được giao nhiệm vụ tổ trưởng tổ chấm thi trắc nghiệm, mới chỉ đạo niêm phong tất cả các bài thi, đồng thời giao cho Nguyễn Thị Hồng Nga (thành viên tổ chấm thi trắc nghiệm) làm lại các biên bản cho phù hợp với thời gian quét bài mà máy tính hiển thị (thời gian này cũng đã được sửa cho phù hợp với tiến trình quét bài mà Bộ GD-ĐT quy định).
Khi có thông tin Bộ GD-ĐT lên kiểm tra, bị cáo Yến đã gọi Nga đến nhà (tối 18.7.2018), và giao phần mềm chuyên dụng xóa triệt để dữ liệu cho Nga rồi bảo xóa lại những file đã xóa. Nga sợ xóa nhầm cả dữ liệu phải giữ thì Yến chỉ đạo Nga trước khi xóa sao chép hết tất cả dữ liệu trong máy tính ra CD. Ngày 20.7.2018, Yến đem đĩa dữ liệu ra nghĩa trang Sơn La thiêu hủy.
Khi HĐXX xét hỏi, bị cáo Yến chối tội, công nhận có “sơ suất” trong việc lập biên bản (lẽ ra khi mở niêm phong có biên bản riêng, khi đóng niêm phong có biên bản riêng, nhưng tổ chấm thi lại làm cùng một lúc 2 biên bản), tuy nhiên cho rằng sơ suất đó không liên quan việc rút bài sửa điểm của các bị cáo khác. Hoặc về việc làm lại biên bản như bị cáo Nga khai, Yến nói là do đoàn công tác của Bộ GD-ĐT yêu cầu cung cấp biên bản, thay vì photo từ các biên bản đã lập, thì bị cáo Yến cho in thêm 1 bộ để nộp cho đoàn của Bộ. Về việc tiêu hủy toàn bộ CD đã sao lưu trước khi xóa toàn bộ dữ liệu gốc, Yến giải thích mục đích sao lưu là phục vụ đoàn công tác, mà khi đoàn công tác đến kiểm tra thì dữ liệu trong máy tính vẫn còn, bộ CD không còn cần dùng đến, nên hủy. Khi được hỏi tại sao không hủy ngay tại Sở
GD-ĐT mà phải mang lên tận nghĩa trang để hủy, Yến trả lời: “Vì trên đường từ Sở về nhà, bị cáo rẽ vào nghĩa trang để hủy”.
Có mặt tại tòa với tư cách người làm chứng, ông Đinh Văn An, cán bộ Sở GD-ĐT Sơn La (nay đã nghỉ hưu), trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 được phân công giám sát công tác chấm thi, cũng khai việc ngày 4.7 bị cáo Yến đưa 1 tập biên bản cho ông An và đề nghị ông An ký lại. Theo giải thích lúc đó của bị cáo Yến, quá trình làm việc có một số thông tin thể hiện trong các biên bản đã lập chưa phù hợp, Bộ GD-ĐT yêu cầu làm lại. Ông An cho biết thêm dù đóng vai trò người giám sát việc chấm thi, nhưng thực chất ông làm việc dưới sự phân công của bị cáo Yến. Trong quá trình làm việc, ông An cũng nhiều lần tranh luận với Yến, nhưng Yến đều nói là công việc yêu cầu thế.
Trong phần xét hỏi của VKS cuối buổi chiều, bị cáo Nga cho biết việc quét lại bài thi đã sửa mất khá nhiều thời gian, nên bị cáo Yến đương nhiên phải biết. Khi đại diện VKS hỏi: “Vậy vai trò của bị cáo Yến là gì? Nếu bị cáo Yến không cho phép, bị cáo và các bị cáo khác liệu có rút bài thi, sửa và nâng điểm bài thi được không?”. Bị cáo Nga trả lời: “Trong quá trình chấm thi trắc nghiệm, nếu không được bị cáo Yến đồng thuận và cho phép thì bị cáo và các bị cáo khác không thể nào sửa chữa được các bài thi trắc nghiệm”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.