Xử lý dứt điểm án tham nhũng tồn đọng, kéo dài trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng

Lê Hiệp
Lê Hiệp
15/05/2019 16:56 GMT+7

Từ năm 2013 đến tháng 9.2018, số tiền các tổ chức tín dụng bị thất thoát, chiếm đoạt là trên 62.000 tỉ đồng, 18,52 triệu USD nhưng mới chỉ thu hồi được hơn 10.000 tỉ đồng và 10 triệu USD.

Tỷ lệ thu hồi đạt thấp

Sáng 15.5, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) do ông Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính T.Ư, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, làm trưởng đoàn, đã công bố kết luận kiểm tra công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Kết quả kiểm tra cho thấy, từ năm 2013 đến tháng 9.2018, tổng số tiền các tổ chức tín dụng bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là trên 62.000 tỉ đồng, 18,52 triệu USD.
Các tổ chức tín dụng đã phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan thi hành án dân sự thu hồi được hơn 10.000 tỉ đồng, đạt 17,26% và 10 triệu USD (đạt 54,48%).
Đoàn kiểm tra đánh giá, về cơ bản, các tổ chức tín dụng tích cực phối hợp với cơ quan điều tra, viện kiểm sát nhân dân, tòa án nhân dân các cấp trong việc áp dụng biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài sản tiền gửi; tích cực phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự trong việc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án.
Tuy nhiên, đoàn kiểm tra cũng đánh giá, trong việc thực hiện công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế của Ban Cán sự đảng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam còn bộc lộ một số hạn chế.
Cụ thể, số cuộc kiểm tra, giám sát chuyên đề về thu hồi tài sản còn hạn chế. Nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài từ trước năm 2013 đến nay chưa được chỉ đạo giải quyết dứt điểm. 

Xử lý dứt điểm các vụ việc tồn đọng, kéo dài

Đoàn công tác kiến nghị Ban Cán sự đảng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lãnh đạo, chỉ đạo công tác phối hợp thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt, nhất là phối hợp trong việc áp dụng các biện pháp thu giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản theo quy định.
Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm trong công tác thẩm định cho vay; quản lý, xử lý tài sản bảo đảm, quản lý, khai thác các tài sản của tổ chức tín dụng được tòa án giao để tránh thất thoát, bảo đảm hiệu quả thu hồi tài sản cho các tổ chức tín dụng. 
Phát biểu kết luận tại hội nghị, ông Phan Đình Trạc lưu ý Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần coi công tác phối hợp xử lý tài sản, thất thoát là nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo.
Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong quá trình điều tra, xử lý các vụ án và công tác thu hồi tài sản, nhất là phối hợp trong việc cung cấp thông tin về tài khoản tiền gửi, tạm giữ, kê biên, phong tỏa, giám định… để phục vụ cho các vụ án liên quan trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng. Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng phối hợp chặt chẽ với cơ quan thi hành án dân sự các cấp xử lý dứt điểm các vụ việc tồn đọng, kéo dài.
Cùng với đó, ông Trạc cũng yêu cầu tăng cường chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các tổ chức tín dụng để phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các vi phạm liên quan trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng; bảo quản, xử lý tài khoản đảm bảo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.