Xung đột voi và người

09/04/2009 00:14 GMT+7

Nhiều năm nay, trong lúc người dân xã Phú Lý (H.Vĩnh Cửu, Đồng Nai) phải tự thân chống chọi với đàn voi ngày càng hung dữ thì các cơ quan chức năng lại tỏ ra "đủng đỉnh" trong cuộc xung đột này! Nghe đọc bài

Theo báo cáo của UBND xã Phú Lý, voi rừng xuất hiện trên địa bàn với mật độ ngày càng dày. Năm 2007 xuất hiện 1 đàn 2 con voi; năm 2008 tăng lên 7-10 con và cả tháng nay đàn voi xuất hiện lên đến 12-13 con.

"Mấy năm trước, khi phát hiện voi kéo về người dân dùng các biện pháp như gõ thùng, đốt lửa và gây tiếng vang lớn xua là chúng chạy vào rừng. Còn bây giờ, những biện pháp này không còn tác dụng. Nghe tiếng gõ thùng, thấy lửa đốt voi vẫn hung hăng xông đến giật sập chòi của dân, tìm gạo, muối...", ông Cao Hiền Quang, Phó chủ tịch UBND xã Phú Lý lo lắng.

Gia tăng xung đột

Có một nghịch lý hiện nay là Nhà nước buộc người dân phải bảo vệ voi, cấm giết voi... nhưng voi gây thiệt hại cho người thì chưa có ai bảo vệ. Voi là tài sản quốc gia cần được bảo vệ, nhưng mạng sống con người phải quan trọng hơn chứ? - Tiến sĩ Phan Việt Lâm, Phó giám đốc Thảo cầm viên Sài Gòn

Cuối năm 2008, hộ ông Tạ Văn Su (ấp 1) chuẩn bị vào vụ thu hoạch, voi kéo về phá nát 5.000m2 khoai mì. Chưa yên ổn, ngày 24.3.2009, voi lại đến "viếng thăm" và giẫm nát 4.000m2 diện tích mía sắp thu hoạch. "Chúng tôi có thể hạ đàn voi về phá rẫy, nhưng vì voi là tài sản quốc gia nên đành chua xót nhìn chúng phá hoại tài sản của mình", ông Su bức xúc.

Còn ông Đặng Văn Nhơn, Trưởng ấp 2, cho biết: "Nhiều lần bị voi phá nương rẫy, nhà cửa, trong khi giải pháp xua đuổi cũ không tác dụng, một số dân đã áp dụng biện pháp tiêu cực. Có hộ đã trộn thuốc trừ sâu vào gạo để trong bếp. May mắn "ông bồ" chỉ hít hít rồi bỏ đi. Còn hộ khác thì làm chòi tít trên ngọn cây, dùng bình ga đốt ném xuống gây nổ cho voi sợ mà bỏ chạy, mặc dù hành vi này bị cấm".

Trong hàng loạt văn bản gửi UBND H.Vĩnh Cửu và các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai, ông Nguyễn Thái Lai, Chủ tịch UBND xã Phú Lý đều cảnh báo: "Vì đàn voi thường xuyên ra phá hoại hoa màu, nhà cửa nên người dân rất hoang mang, bức xúc. Từ đó, người dân có thể sẽ có những hành động khó lường đến bầy voi, dẫn đến tình hình rất phức tạp và nguy hiểm tính mạng cả người lẫn voi".

 

Voi rừng kéo về phá nhà cửa của người dân - Ảnh: H.Tuấn

3 giải pháp

Tiến sĩ Phan Việt Lâm, Phó giám đốc Thảo cầm viên Sài Gòn, phân tích: bản tính của voi rất hiền lành, nhưng một khi thiên nhiên bị tàn phá, thức ăn không còn... buộc chúng phải đi xa hơn để kiếm sống, gặp con người tìm cách xua đuổi để bảo vệ tính mạng và tài sản, sẽ càng làm cho voi trở nên hung dữ, sẵn sàng giẫm nát những ai tìm cách ngăn cản.

"Có một nghịch lý hiện nay là Nhà nước buộc người dân phải bảo vệ voi, cấm giết voi... nhưng voi gây thiệt hại cho người thì chưa có ai bảo vệ. Voi là tài sản quốc gia cần được bảo vệ, nhưng mạng sống con người phải quan trọng hơn chứ?", ông Lâm nói.

Tiến sĩ Lâm đề xuất 3 giải pháp để tránh xung đột giữa voi và người: Thứ nhất, đưa người dân ra khỏi khu vực voi thường xuyên đến kiếm sống, nhưng cách này tốn kém nhiều tiền để bồi thường cho việc di dân. Thứ hai, di dời đàn voi ra khỏi khu vực dân cư như đã từng làm ở Tánh Linh (Bình Thuận), Châu Đức (Bà Rịa-Vũng Tàu)... Biện pháp cuối cùng là sống chung với voi. "Sống chung, nhưng phải tạo ranh giới giữa người và voi bằng hàng rào điện tử hoặc đào hào. Bên cạnh đó, lực lượng kiểm lâm thường xuyên tuần tra để bảo vệ voi, bảo vệ được con người. Ở Malaysia, mỗi khi chính quyền phát hiện voi xuất hiện ở khu dân cư, lực lượng chuyên nghiệp nhanh chóng được huy động đến di chuyển voi vào những khu bảo tồn đã được Nhà nước quy hoạch để tránh xung đột với con người", ông Lâm nói.

Thập niên cuối thế kỷ trước, ở Đồng Nai người dân từng đào hào, ở Bình Thuận từng dùng còi hụ, súng phun lửa... chống voi. Ban đầu các "vũ khí" này có hiệu quả nhưng cuối cùng voi rừng càng quen hơi, bén tiếng, dỏng tai nghe, sấn tới đạp chết luôn cả chuyên gia bắn thuốc gây mê ở Định Quán (Đồng Nai), quần nát những căn nhà bán kiên cố ở Tánh Linh (Bình Thuận). Đến khi trên 30 người ở hai tỉnh này bị voi giày, Chính phủ buộc phải thuê voi nhà ở Bản Đôn và hai đoàn săn voi hỗn hợp Singapore, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam vào rừng săn bắt, chuyển voi dữ lên rừng quốc gia York Đôn (Đắk Lắk).

Yên ắng vài năm, nay lại rộ lên nạn voi rừng. Kịch bản voi dữ giết người, người bắn chết voi có nguy cơ tái diễn.

Đ.N.K

Biện pháp lập hàng rào điện tử cũng được ông Trần Văn Thành, Giám đốc Vườn quốc gia Nam Cát Tiên đồng tình. Ông Thành, từng đi Ấn Độ nghiên cứu về voi, cho biết: "Ấn Độ có khoảng 20.000 con voi, nên thường xuyên xảy ra xung đột với người rất dữ dội. Chính vì thế chính phủ rất quan tâm cho lập hàng rào điện tử bảo vệ (dùng sợi dây điện rất nhỏ không gây chết người, voi đụng vào bị giật thì quay lại vào rừng) rất hiệu quả, cũng không tốn kém nhiều vì sử dụng năng lượng mặt trời. Cách đây 2 năm, Vườn cũng đã xây dựng đề tài bảo tồn đàn voi bằng hàng rào điện tử, nhưng cho đến nay vẫn chưa được duyệt kinh phí".

Và... đủng đỉnh thực hiện!

Năm 2007, Bộ NN-PTNT có văn bản đề nghị UBND tỉnh, thành nơi có quần thể voi rừng cấp bách bố trí vốn để triển khai thực hiện đề án bảo tồn đàn voi, tránh xung đột với con người bằng nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ.

Thế nhưng đến ngày 17.7.2008, UBND tỉnh Đồng Nai vẫn có văn bản gửi Bộ NN-PTNT đề nghị cấp... kinh phí. Bộ NN-PTNT chỉ rõ, dự án do địa phương bố trí ngân sách theo thẩm quyền!

Mãi đến ngày 4.3.2009, Sở NN-PTNT Đồng Nai mới có văn bản đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp 108 triệu đồng để làm chi phí khảo sát, xây dựng đề án bảo tồn voi hoang dã tại Đồng Nai.

Đến nay, Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai đang chờ tiền để tổ chức lấy ý kiến các nhà khoa học cho đề án bảo tồn đàn voi...

Hoàng Tuấn

* Voi về phá rẫy của dân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.