Sau hơn 1 tháng xét xử phúc thẩm, ngày 24.1, TAND cấp cao tại TP.HCM đã tuyên án vụ Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam, nguyên Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh - gọi tắt Tập đoàn Thiên Thanh) cùng 35 đồng phạm phạm gây thiệt hại cho Ngân hàng TMCP Xây dựng VN (VNCB) trên 9.000 tỉ đồng.
Theo đó, HĐXX phúc thẩm y án sơ thẩm, bác kháng cáo kêu oan, xin giảm nhẹ hình phạt, xin hưởng án treo của 25 bị cáo kháng cáo, bác toàn bộ kháng cáo của 27 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan về phần dân sự, khởi tố vụ án, các biện pháp tư pháp.
|
Thiệt hại đặc biệt lớn, không thể giảm nhẹ hơn
Về phần tội danh và hình phạt, HĐXX chấp nhận đề nghị của đại diện Viện KSND cấp cao tại TP.HCM (gọi tắt VKS), nhận định bị cáo Danh là người có vai trò chính, chỉ đạo các bị cáo khác thực hiện nhiều hành vi trái pháp luật trong thời gian dài, thủ đoạn tinh vi, thiệt hại là đặc biệt nghiệm trọng. Do đó, cấp sơ thẩm quy kết Danh và đồng phạm phạm tội “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” là có căn cứ, đúng pháp luật, không oan.
3 bị cáo Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB), Hoàng Đình Quyết (nguyên Phó giám đốc VNCB - Chi nhánh Sài Gòn, Giám đốc VNCB - Chi nhánh Lam Giang), Mai Hữu Khương (nguyên Giám đốc VNCB - Chi nhánh Sài Gòn) đóng vai trò giúp sức tích cực, nên hình phạt cấp sơ thẩm đã tương ứng với mức độ, hành vi phạm tội, không giảm nhẹ hình phạt theo kháng cáo.
Các bị cáo nguyên cán bộ ngân hàng, đứng tên giám đốc cho các công ty của bị cáo Phạm Công Danh kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, xin hưởng án treo, theo HĐXX, án sơ thẩm tuyên đã dưới khung hình phạt nên không thể giảm nhẹ hơn.
Từ đó, HĐXX y án 30 năm tù đối với Phạm Công Danh về 2 tội danh trên. Các bị cáo kháng cáo còn lại y án từ 3 năm - 22 năm tù.
Giải ngân tiền trước, làm thủ tục sau: bất hợp pháp
Về kháng cáo không chấp nhận thu hồi khoản vay 5.190 tỉ đồng các ngày 21 và 26.8.2013 của ông Trần Quí Thanh (ông chủ Tập đoàn Tân Hiệp Phát), nhóm bà Trần Ngọc Bích (con gái ông Thanh); đề nghị được chấp nhận khoản vay các ngày 21.6, 26.7, 30.7.2013 đã được tất toán nên yêu cầu được nhận lại 124 sổ tiết kiệm với số tiền 5.881 tỉ đồng, HĐXX xét thấy việc 5.190 tỉ đồng được giải ngân trước, sau đó mới hoàn tất thủ tục hồ sơ cho là vi phạm quy định của Thống đốc Ngân hàng VN, luật Tổ chức tín dụng nên việc cho vay và giải ngân số tiền 5.190 tỉ đồng là bất hợp pháp. Số tiền trên là vật chứng vụ án trong hành vi “cố ý làm trái…” mà Danh và đồng phạm thực hiện, cần thu hồi trả lại cho VNCB như án sơ thẩm tuyên.
Do 5.190 tỉ đồng không được công nhận dùng để tất toán các khoản vay các ngày 21.6, 26.7, 30.7.2013, vì vậy giao 124 sổ tiết kiệm cho VNCB quản lý để đảm bảo xử lý các khoản vay này là phù hợp.
Xét kháng cáo của ông Trần Hoài Phục, bà Ngô Bích Thùy Trang, bà Nguyễn Thị Mỹ Dung yêu cầu được nhận lại 6 sổ tiết kiệm tương đương 300 tỉ đồng do các ông bà đứng tên, HĐXX xét thấy dựa vào lời khai của 3 cá nhân này, thừa nhận ông Trần Quí Thanh là người nhận tiền lãi phát sinh từ 6 sổ tiết kiệm trên nên bản chất nguồn tiền trong 6 sổ tiết kiệm là của ông Trần Quí Thanh. Bản án sơ thẩm tuyên tiếp tục giao 6 sổ tiết kiệm cho VNCB quản lý để đảm bảo xử lý các khoản vay của các ngày 21.6, 26.7, 30.7.2013 là phù hợp.
Số tiền cấp sơ thẩm tuyên Trần Quí Thanh nộp 362 tỉ đồng, bà Trần Ngọc Bích nộp hơn 72 tỉ đồng, bà Hứa Thị Phấn nộp hơn 948 tỉ đồng để trả lại cho VNCB là có căn cứ. Bởi lẽ, số tiền trên được xác định là vật chứng trong hành vi “vi phạm về quy định cho vay…”, “cố ý làm trái…” của bị cáo Phạm Công Danh và đồng phạm. Do đó, kháng cáo của ông Thanh, bà Bích, bà Phấn yêu cầu xem xét lại số tiền trên là không có căn cứ chấp nhận.
Ngoài ra, HĐXX cũng bác kháng cáo của vợ bị cáo Danh là bà Quách Kim Chi đề nghị cấp phúc thẩm tuyên trả 20% cổ phần trong Tập đoàn Thiên Thanh, 3 căn nhà bị kê biên là tài sản chung của vợ chồng và một số tài sản, khoản tiền cá nhân khác vì bà Quách Kim Chi không cung cấp đủ tài liệu chứng minh nội dung kháng cáo.
Xét kháng cáo đề nghị hủy các quyết định khởi tố vụ án “cố ý làm trái” của Hoàng Văn Toàn, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Tín và 5 thành viên Hội đồng tín dụng Ngân hàng Đại Tín và kháng cáo đề nghị hủy các quyết định khởi tố vụ án “cố ý làm trái”, “vi phạm quy định cho vay” của bà Hứa Thị Phấn, HĐXX xét thấy cấp sơ thẩm đã khởi tố vụ án theo đúng thẩm quyền của Bộ luật Tố tụng hình sự. Mặt khác, quyết định khởi tố vụ án của HĐXX là quyết định riêng biệt, không thuộc phạm vi xem xét của cấp phúc thẩm, do đó không chấp nhận kháng cáo của bà Hứa Thị Phấn, ông Hoàng Văn Toàn và 5 cá nhân liên quan khác.
Ghi nhận ý kiến của VKS về đề nghị xem xét trách nhiệm hình sự Trần Quí Thanh
Về quan điểm của VKS tại phiên tòa phúc thẩm đề nghị sửa bản án sơ thẩm theo hướng: thu hồi 500 tỉ đồng Phạm Công Danh đã chuyển cho ông Trần Quí Thanh, thu hồi 119 tỉ đồng từ bà Bích, 135 tỉ đồng từ bà Phấn thay vì cấp sơ thẩm tuyên thu hồi theo thứ tự ông Thanh chỉ 362 tỉ đồng, bà Bích hơn 72 tỉ đồng, bà Phấn hơn 97 tỉ đồng; đồng thời, thu hồi thêm 81,1 tỉ đồng tiền lãi Danh đã chuyển ông Thanh. HĐXX xét thấy các khoản tiền VKS đề nghị thu thêm chưa được tòa cấp sơ thẩm xem xét và sau khi xét xử sơ thẩm VKS cũng không có kháng nghị nên cấp phúc thẩm cũng không thể đặt ra xem xét.
Ngoài ra, HĐXX ghi nhận quan điểm của VKS, kiến nghị các cơ quan tố tụng ở giai đoạn 2 vụ án, khi xem xét hành vi phạm tội của đối tượng Phạm Thị Trang (Trang “phố núi”, đã xuất cảnh), Hứa Thị Phấn cũng sẽ làm rõ trách nhiệm hình sự ông Trần Qúi Thanh, bà Trần Ngọc Bích với vai trò giúp sức cho Phạm Công Danh thực hiện hành vi cố ý làm trái gây thiệt hại cho VNCB 5.190 tỉ đồng như VKS đề nghị.
Đối với đề nghị HĐXX kiến nghị Bộ Công an áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh đối với các đối tượng liên quan trong vụ án mà HĐXX sơ thẩm đã khởi tố vụ án và các đối tượng mà Viện KSND cấp cao tại TP.HCM đề nghị xem xét trách nhiệm hình sự tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX phúc thẩm nhận thấy việc áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh là biện pháp hành chính, thuộc thẩm quyền của Cơ quan CSĐT Bộ Công an trong giai đoạn 2 của vụ án.
HĐXX cũng ghi nhận ý kiến của VKS, kiến nghị Cơ quan CSĐT Bộ Công an làm rõ khoản lãi 405 tỉ đồng mà bà Trần Ngọc Bích đã nhận từ Phạm Thị Trang để truy thu thuế thu nhập cá nhân và xem xét hành vi trốn thuế; làm rõ số tiền Trần Quí Thanh, Trần Ngọc Bích đã nhận cho Phạm Công Danh vay hơn 16.000 tỉ đồng nhằm truy thu thuế thu nhập cá nhân và xem xét xử lý hành vi trốn thuế theo quy định pháp luật.
|
tin liên quan
Bị cáo Phạm Công Danh xin lỗi gia đình các thuộc cấpChiều 17.1, sau gần 4 tuần xét xử, các bị cáo kháng cáo trong vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm cố ý làm trái, vi phạm các quy định cho vay gây thiệt hại cho Ngân hàng TMCP Xây dựng VN (VNCB) 9.000 tỉ đồng đã nói lời sau cùng.
Bình luận (0)