Bán hàng trực tuyến: Giải pháp nào cho kinh doanh bền vững?

Thành Luân
Thành Luân
13/06/2024 10:17 GMT+7

Giữa bối cảnh cạnh tranh khi xu hướng mua hàng online ngày một bùng nổ gây sức ép lên các đại lý bán hàng truyền thống, doanh nghiệp cần làm gì để kinh doanh đồng bộ đa kênh, tăng trưởng bền vững?

Theo báo cáo của Metric, doanh thu bán lẻ trên 5 sàn thương mại điện tử (TMĐT) lớn nhất tại Việt Nam quý 1/2024 đã cán mốc 71.200 tỉ đồng, tăng trưởng 78,69% so với quý 1/2023, chưa bao gồm doanh thu từ các phiên livestream.

Đơn cử, ngày 6.6 vừa qua tiếp tục là một ngày đầy bùng nổ của bán hàng trực tuyến qua hình thức livestream, khi hàng loạt KOL (Key Opinion Leaders - tạm dịch: những người có tầm ảnh hưởng) tổ chức các phiên live với doanh thu "trăm tỉ".

Thực trạng đằng sau các phiên live "trăm tỉ"

Tuy nhiên, thành công của các phiên live "trăm tỉ" không nói lên thành công trong kinh doanh của các thương hiệu, đặc biệt với các thương hiệu lớn vốn có tỷ trọng doanh thu chủ yếu từ các kênh bán hàng truyền thống.

Bán hàng trực tuyến: Giải pháp nào cho kinh doanh bền vững?- Ảnh 1.

Doanh nghiệp cần làm gì để kinh doanh đồng bộ đa kênh, tăng trưởng bền vững?

CTV

Để đạt được thành công của các phiên Mega Livestream như phiên bán hàng doanh số kỷ lục tới 75 tỉ đồng, theo KOL Quyền Leo Daily, các nhãn hàng cần cam kết giá trên phiên live là độc quyền và rẻ nhất trên mọi nền tảng. Ngoài ra, còn có sự hỗ trợ với rất nhiều voucher giảm giá, miễn phí vận chuyển đến từ nền tảng TikTok Shop. Việc đưa ra các mức giá sốc trên sóng livestream sẽ chỉ khiến thực trạng bán hàng tại các đại lý truyền thống thêm khó khăn do cạnh tranh giá, ảnh hưởng đến kinh doanh chung của các thương hiệu lựa chọn bán hàng đa kênh.

Về lượng đơn hàng ảo, theo nghiên cứu của Metric, với từng nhà bán cụ thể, việc tỷ lệ hoàn đơn quá cao cũng sẽ khiến hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng, làm phát sinh chi phí xử lý, cũng như giảm doanh thu.

Những điều này đặt ra câu hỏi về xu hướng doanh nghiệp sản xuất trực tiếp mở cửa hàng online hoặc bắt tay với các KOL để bán trực tiếp tới khách hàng, bỏ qua hệ thống đại lý phân phối, liệu có gây xung đột lợi ích giữa các nhà phân phối truyền thống với nhãn hàng hay không?

Cần hài hòa lợi ích để phát triển kinh doanh bền vững

Theo chia sẻ từ ông Phạm Bảo Trung - Giám đốc kinh doanh Metric: "Đại lý phân phối luôn là cánh tay nối dài của nhà sản xuất và thương hiệu đến những địa điểm thương hiệu khó có thể tiếp cận tới với ngân sách tối ưu. Đây cũng đang là những đơn vị đảm nhận chính các khâu chăm sóc khách hàng, giao hàng chặng cuối... với kinh nghiệm dày dặn.

Bán hàng trực tuyến: Giải pháp nào cho kinh doanh bền vững?- Ảnh 2.

Bán hàng tại các kênh truyền thống như đại lý, cửa hàng, chợ... vẫn là có sức hút lớn tại các tỉnh, địa phương

CTV

Tệp khách hàng của mỗi kênh bán cũng có những điểm khác biệt rõ rệt trong tâm lý và hành vi mua hàng mà nếu trót tiếp cận sót, sẽ khó duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Vậy nên, cần có sự phối hợp hài hòa giữa các kênh phân phối, chẳng hạn xây dựng và định hướng chính sách dựa trên những lợi thế riêng của từng kênh.

Nếu triển khai khéo léo và hợp lý, chính nhãn hàng và hệ thống đại lý hoàn toàn có thể cùng nhau mở rộng nhóm người tiêu dùng mới; góp phần điều phối hành vi khách hàng, hướng từng nhóm đối tượng vào các kênh mua sắm phù hợp, giúp tối ưu chi phí, giảm thiểu rủi ro và duy trì phát triển ổn định", ông Trung chia sẻ thêm.

Hiện cũng có nhiều doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh chủ yếu qua các kênh truyền thống dần tiếp cận và làm mới hình ảnh thương hiệu trên nền tảng trực tuyến.

Trong đó, điện máy gia dụng Hòa Phát từ tập đoàn Hòa Phát với hơn 30 năm kinh nghiệm về sản xuất công nghiệp, là một thương hiệu mới nhưng cũng dần gia nhập thị trường bán hàng trên TMĐT hay livestream TikTok. Tuy nhiên, thương hiệu chọn hướng phát triển kinh doanh đa kênh bền vững, chỉ dừng lại chủ yếu ở mức quảng bá thương hiệu và tính năng sản phẩm trên các nền tảng trực tuyến, để khách hàng xem trực tuyến có cơ hội được tương tác với sản phẩm. Điện máy gia dụng Hòa Phát tận dụng sức nóng của các KOL có cùng hình ảnh phù hợp với thương hiệu để lan tỏa thông tin về sản phẩm do chính thương hiệu sản xuất như máy lọc nước, máy làm mát không khí, qua đó làm đòn bẩy thúc đẩy kinh doanh tại các điểm bán hàng vật lý, hiện vẫn đang là kênh phân phối chính của doanh nghiệp, như đại lý, siêu thị điện máy...

Bán hàng trực tuyến: Giải pháp nào cho kinh doanh bền vững?- Ảnh 3.

Điện máy gia dụng Hòa Phát thận trọng tiếp cận các nền tảng bán hàng trực tuyến

Chụp màn hình

Các mã sản phẩm, được thương hiệu đẩy bán chính trên các sàn TMĐT cũng khác so với các mã hàng kinh doanh theo kênh truyền thống, để phù hợp với đặc tính của tệp khách hàng từng kênh. Điện máy gia dụng Hòa Phát cũng áp dụng chính sách kinh doanh phù hợp cho các kênh, có chính sách hỗ trợ quảng cáo phong phú tại điểm bán cũng như trên nền tảng online, hòa hợp lợi ích giữa các bên đối tác nhằm giải quyết bài toán "phát triển kinh doanh bền vững".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.