Doanh nghiệp 'ngấm đòn' tỷ giá

Thanh Xuân
Thanh Xuân
26/05/2024 17:04 GMT+7

Biến động tỷ giá đang tác động trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp. Một số công ty lỗ hàng ngàn tỉ đồng khi tỷ giá tăng trong những tháng đầu năm. Một số chuyên gia đưa ra giải pháp ứng phó với áp lực tỷ giá tăng trong thời gian tới.

Lỗ ngàn tỉ vì tỷ giá tăng cao

Tại hội thảo "Hạ nhiệt giá vé máy bay được không?" do Báo Thanh Niên tổ chức, ông Đặng Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines (VNA) cho biết giá vé máy bay tăng từ 15 - 20%, một trong những nguyên nhân đến từ biến động tỷ giá. Cụ thể, tỷ giá biến động tăng thêm 4.700 tỉ đồng trong tổng mức tăng khoảng 11.000 tỉ đồng của VNA. Còn Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) ghi nhận lỗ từ chênh lệch tỷ giá 70,1 tỉ đồng trong quý 1/2024, trong đó lỗ chênh lệch đã thực hiện hơn 16,1 tỉ đồng. Mức lỗ quý 1/2024 tăng 66,87 tỉ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời chiếm gần một nửa so với chi phí tài chính, ở mức 154,48 tỉ đồng, tăng hơn 10% so với quý 1/2023.

Doanh nghiệp 'ngấm đòn' tỷ giá- Ảnh 1.

Một số doanh nghiệp ghi nhận khoản lỗ từ tỷ giá

NGỌC THẮNG

Tương tự, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) có lợi nhuận sau thuế quý 1 hợp nhất giảm 22,33% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm hơn 20,6 tỉ đồng, còn 71,89 tỉ đồng. Ngoài các nguyên nhân như chi phí tăng, theo Vinatex còn đến từ tỷ giá tăng cao (từ 24.420 đồng tại thời điểm đầu năm lên 24.970 đồng vào ngày 31.3). Các đơn vị thành viên của tập đoàn chủ yếu vay USD để hoạt động sản xuất kinh doanh, tỷ giá tăng cao khiến doanh nghiệp phát sinh lỗ tỷ giá lớn do phải đánh giá lại số dư gốc vay ngoại tệ. Cùng kỳ năm 2023, tỷ giá giảm, các doanh nghiệp ghi nhận lãi tỷ giá khi đánh giá lại các khoản mục vay ngoại tệ. Tương tự, Công ty CP Sợi Thế Kỷ có doanh thu thuần quý 1 giảm 22,1 tỉ đồng (tương ứng 7,7%) so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 265,75 tỉ đồng; lợi nhuận gộp tăng 14,4 tỉ đồng (tương ứng 80,6%), lên 32,3 tỉ đồng. Thế nhưng, lợi nhuận trước thuế giảm 1,67 tỉ đồng (tương ứng 59,3%) và lợi nhuận sau thuế giảm 917 triệu đồng (tương ứng 56,3%). Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do chênh lệch tỷ giá ghi vào chi phí tài chính kỳ này tăng nhiều so với cùng kỳ làm cho lợi nhuận trước và sau thuế giảm.

Chuyên gia hiến kế đối phó áp lực tăng tỷ giá

Một số công ty khác ghi nhận mức lỗ từ tỷ giá lớn như Tổng công ty CP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling) ghi nhận lỗ tỷ giá trong quý 1/2024 gần 52,84 tỉ đồng, tăng 23,52 tỉ đồng so với cùng kỳ (tương ứng 83%). Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời đang chịu lỗ quý 1/2024 lên tới gần 96,3 tỉ đồng. Một trong những nguyên nhân gây lỗ là do chi phí lãi vay và khoản lỗ tỷ giá hối đoái tăng nhanh hơn mức tăng của các khoản doanh thu khác. Trong đó, lỗ do chênh lệch tỷ giá là 52,39 tỉ đồng, tăng 18,39 tỉ đồng. Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát ghi nhận lỗ tỷ giá đã thực hiện 231 tỉ đồng và lỗ chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện phát sinh thêm 184 tỉ đồng…

Từ đầu năm đến nay, giá USD trong ngân hàng đã tăng 4 - 5%. Các ngân hàng thương mại gần đây duy trì giá USD ở mức cao và ở mức kịch trần cho phép dù Ngân hàng Nhà nước đã bán ngoại tệ can thiệp đồng thời tăng lãi suất tín phiếu nhằm giảm áp lực tỷ giá.

Ứng phó với tỷ giá

Theo chuyên gia tài chính - ngân hàng TS Nguyễn Trí Hiếu, nếu tiền VND tiếp tục giảm giá so với đồng USD thì không hẳn có lợi cho xuất khẩu, mà còn có nguy cơ tạo ra nhập khẩu lạm phát. Bởi phần lớn hàng xuất khẩu của Việt Nam có hàm lượng giá trị nhập khẩu lớn. Đó là chưa kể nhiều mặt hàng sản xuất tiêu thụ trong nước cũng phải nhập khẩu nguyên vật liệu từ nước ngoài. Những yếu tố này về lâu dài có thể sẽ làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp. 

Ông Hiếu khuyến cáo, để ứng phó với tỷ giá trong thời gian tới, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải chú ý đến tỷ giá hối đoái để kịp thời điều chỉnh kế hoạch kinh doanh và lựa chọn thị trường xuất nhập khẩu và lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi cho doanh nghiệp mình, giảm dần việc chỉ sử dụng đồng USD. Về lâu dài, để phòng ngừa rủi ro tỷ giá, doanh nghiệp cũng có thể lựa chọn những ngân hàng có khả năng tài trợ thương mại tốt, sử dụng những công cụ tài chính phái sinh như mua bán ngoại tệ có kỳ hạn, các hợp đồng hoán đổi (SWAP). Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, việc gia tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, tạo sự khác biệt cho sản phẩm luôn là điều cần hướng tới. Đối với các doanh nghiệp nhập khẩu, việc tối đa hóa nguồn lực nội địa, tìm kiếm các đối tác thay thế, đặc biệt từ trong nước, giảm dần sự phụ thuộc vào nhập khẩu cũng sẽ giúp giảm bớt chi phí.

Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam cho rằng: Sức ép tỷ giá trong thời gian tới vẫn sẽ tiếp tục khi lãi suất USD trên thị trường Mỹ ở mức cao. USD là đồng tiền quan trọng trong hoạt động thương mại, đầu tư cũng là đối tác hàng đầu của Việt Nam. Để giảm bớt áp lực lên tỷ giá trong thời gian tới, cần những yếu tố quan trọng  đó là tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát. Tăng trưởng kinh tế tốt sẽ tạo được lòng tin của nhà đầu tư nước ngoài, từ đó dòng vốn đầu tư tiếp tục chảy vào Việt Nam. Lạm phát được kiểm soát cũng thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. 

"Việt Nam có thể làm tốt hơn giải ngân đầu tư công, trong đó có nhiều dự án quốc tế tài trợ nên nếu đẩy nhanh dự án thì dòng vốn hỗ trợ từ nước ngoài cũng tăng, góp phần ổn định tỷ giá. Nguồn cung ngoại tệ cũng còn đến từ khách du lịch tăng trưởng, kiều hối lên mức cao… Ngoài ra, cơ quan quản lý sử dụng chính sách tiền tệ, chính sách tài chính hài hòa để đưa lãi suất VND về mức hợp lý", ông Quang đề xuất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.