Đưa Đà Nẵng trở lại quỹ đạo tăng trưởng

30/05/2024 06:29 GMT+7

TP đáng sống, đáng đến và đáng đầu tư là những từ đã được nhiều người dành tặng khi nói đến Đà Nẵng. Sau một thời gian chựng lại, Đà Nẵng cần một động lực mới để hiện thực hóa kỳ vọng trở thành TP mạnh trong khu vực, tương xứng với nhiều lợi thế, tiềm năng...

TP đáng sống, đáng đầu tư

Hai vợ chồng Tùng Phong cùng 2 con nhỏ từ Quảng Ngãi quyết định chuyển ra Đà Nẵng sinh sống vào năm 2010 với hai bàn tay trắng. Quyết định của gia đình trẻ này thời điểm đó được xem là mạo hiểm. Nhưng sau 14 năm, hai vợ chồng đã có một cuộc sống ổn định, hai con vào đại học ngay tại Đà Nẵng.

Chia sẻ về cuộc sống hiện tại, Tùng Phong cho biết chưa bao giờ hối hận với quyết định lập nghiệp nơi đây. Vốn đã đi nhiều nơi, tới nhiều TP để tìm kiếm cơ hội, anh Phong cảm nhận rõ chính quyền các cấp ở Đà Nẵng khá thân thiện, luôn chủ trương tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp kinh doanh, nhất là các hoạt động về du lịch, nhà hàng, khách sạn, quán ăn...

"Kinh tế phát triển mạnh là người dân có thu nhập cao hơn, đời sống tốt hơn và vợ chồng tôi cũng vậy", anh Phong nói và cho rằng xét về môi trường, thì người dân Đà Nẵng đã có ý thức giữ gìn vệ sinh rất tốt. Từ các khu phố lớn hay trong con hẻm nhỏ mọi người đều tự dặn dò, nhắc nhở nhau giữ gìn vệ sinh xung quanh cho sạch đẹp. Đây cũng là một trong những nét đặc trưng ở TP này.

Đưa Đà Nẵng trở lại quỹ đạo tăng trưởng- Ảnh 1.

Đà Nẵng được kỳ vọng là TP mạnh trong khu vực, là “TP đáng sống”

N.A

"Đà Nẵng có môi trường kinh doanh, đầu tư công bằng, môi trường sống thuận tiện, xanh sạch mà nhiều du khách trong và ngoài nước khi đã đến nơi này đều công nhận cũng như muốn quay trở lại", anh Phong tự hào.

Thu Nga, người ở miền Tây lên TP.HCM sinh sống, kể lại rằng từ thời sinh viên cô đã du lịch đến Đà Nẵng và rất có cảm tình với địa phương này. Cứ 2 - 3 năm cô sẽ quay lại TP biển, lúc cùng với bạn bè, lúc cùng với gia đình, chưa kể nhiều dịp đi công tác. Thu Nga nhận xét, Đà Nẵng là địa phương có vị trí thuận lợi để những khách du lịch như cô muốn khám phá dải đất miền Trung. Bởi từ Đà Nẵng đi Huế, Hội An hay Quảng Ngãi đều dễ dàng, thuận lợi. Đặc biệt, ẩm thực Đà Nẵng cũng phong phú, giá cả phù hợp, có nhiều khách sạn, resort để du khách chọn lựa.

"Nếu nói về TP.Đà Nẵng thì khó nơi nào cạnh tranh được và vì vậy nó cũng trở thành trung tâm của cả miền Trung. Đà Nẵng có biển, có núi, có sông ngay trong TP. Một số địa phương miền Trung cũng có biển, có sông nhưng không nhộn nhịp, không phát triển bằng Đà Nẵng nên chúng tôi muốn đi miền Trung thì cứ chọn Đà Nẵng làm tâm. Tới đây rồi đi đâu thì đi", Thu Nga nhận xét.

Theo TS Võ Trí Thành (Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh), đáng sống là khái niệm rất tinh tế chứ không chỉ bắt nguồn từ văn hóa, lịch sử. Đó là nơi để tận hưởng, cống hiến, nghỉ ngơi, giải trí và làm việc. Công dân TP được thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng, sử dụng dịch vụ, hàng hóa và tối ưu hóa lao động, thu nhập... Thực tế, nhiều TP đáng đến, nhưng chưa chắc đã là nơi đáng sống. Đà Nẵng hiện đang sở hữu những lợi thế quan trọng để trở thành một hình mẫu đô thị đáng sống đẳng cấp khu vực. Bên cạnh đó, một điểm rất quan trọng chứng minh TP đó có thực sự đáng sống, có so sánh được với các đối thủ quốc tế hay không, đó là ở khả năng thu hút giới tinh hoa, người giàu, doanh nhân… Đà Nẵng đã làm được điều đó.

"Có thể khẳng định, Đà Nẵng có nhiều lợi thế, thậm chí hơn Singapore, nhất là về thiên nhiên. Nơi đây hoàn toàn có thể phát triển giống như Singapore, vừa đáng đến, vừa đáng sống. Người ta quan tâm đến Đà Nẵng vì thấy đây là nơi có thể kinh doanh tốt, đầu tư tốt. Nhìn vào quy hoạch chung của Đà Nẵng, có thể thấy dư địa phát triển cực lớn, do đó sẽ có vô số cơ hội đầu tư, kinh doanh và việc làm ở TP biển này. Do đó, Đà Nẵng có rất nhiều tiềm năng để trở thành một đô thị đáng đầu tư", TS Võ Trí Thành nhận định.

Kinh tế Đà Nẵng đang chựng lại

Nhờ những lợi thế vượt trội, từ cách đây 2 thập niên, Đà Nẵng đã được T.Ư "chọn mặt gửi vàng", trao những cơ chế đặc biệt để trở thành TP mạnh trong khu vực. Trong giai đoạn 2004 - 2016, TP này được ưu ái lớn nhất so với các tỉnh, TP khác trong phân bổ ngân sách, thể hiện trong việc giữ lại nguồn thu ngân sách để xây dựng cơ sở hạ tầng, lên đến 32% so với GDP, cao gấp 4 lần so với Bình Dương.

Tiếp đến, Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24.1.2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, rồi trên cơ sở đó, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 119/2020 thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã tạo đà cho Đà Nẵng phát triển vượt bậc. Tăng trưởng GRDP của địa phương giai đoạn 2015 - 2020 bình quân 7,3%/năm, với quy mô đạt khoảng 120.161 tỉ đồng, gấp 1,6 lần so với năm 2015. GRDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 103,6 triệu đồng (tương đương 4.434 USD), gấp 1,4 lần năm 2015.

Cùng với Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ và Hải Phòng, Đà Nẵng thuộc nhóm 5 TP trực thuộc T.Ư. Cả 4 TP kia đều có cơ chế đặc thù để phát triển. Đà Nẵng cũng cần cơ chế đặc thù để "cất cánh", để phát triển, phát huy hơn nữa vai trò trung tâm, đầu tàu và lan tỏa phát triển kinh tế xã hội khu vực miền Trung.

TS Cấn Văn Lực

Dù vậy, trong những năm gần đây, một số dấu hiệu cho thấy tăng trưởng của Đà Nẵng đang chậm lại. Cụ thể, tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2019 - 2023 chỉ khoảng 3,2%, không bằng một nửa so với giai đoạn trước đó. Đặc biệt riêng trong năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế Đà Nẵng chỉ đạt 2,58%, xếp thứ 54/63 địa phương và thấp nhất trong khối 5 TP trực thuộc T.Ư.

TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, nhìn nhận thời gian qua, Đà Nẵng chưa phát triển tương xứng tiềm năng, vị thế của một "thủ phủ" kinh tế miền Trung. Chính vì thế, tính lan tỏa liên kết vùng trong vai trò đầu tàu của Đà Nẵng ở khu vực miền Trung còn khiêm tốn. Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị đã đề ra chủ trương, cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển TP.Đà Nẵng, tạo động lực cho phát triển khu vực miền Trung - Tây nguyên và cả nước; Nghị quyết 119/2020/QH14 thì chủ yếu tập trung vào thí điểm mô hình chính quyền đô thị cùng với một số cơ chế về tài chính - ngân sách, đầu tư và quy hoạch, đất đai. Tuy nhiên, bối cảnh đã thay đổi, nhất là sau dịch Covid-19, cùng xu hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững, đòi hỏi cần một bộ chính sách, cơ chế mới nhằm giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt về phát triển kinh tế - xã hội, giúp Đà Nẵng phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá.

"Cùng với Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ và Hải Phòng, Đà Nẵng thuộc nhóm 5 TP trực thuộc T.Ư. Cả 4 TP kia đều có cơ chế đặc thù để phát triển. Đà Nẵng cũng cần cơ chế đặc thù để "cất cánh", để phát triển, phát huy hơn nữa vai trò trung tâm, đầu tàu và lan tỏa phát triển kinh tế xã hội khu vực miền Trung. Nếu chính quyền Đà Nẵng quyết tâm và làm quyết liệt hơn, các cơ chế đặc thù sẽ trở thành "trợ lực" quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của TP cũng như toàn khu vực", TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Lựa chọn hàng đầu

Năm 2022, theo khảo sát thường niên Expat Insider của Tổ chức InterNations, VN đứng thứ 7 trong tổng số 52 quốc gia đáng sống nhất cho người nước ngoài. Trong đó, Đà Nẵng thuộc những lựa chọn hàng đầu. Nơi đây cũng từng là một trong 10 địa chỉ đáng sống nhất thế giới năm 2018 theo bình chọn của Tạp chí du lịch Live and Invest Overseas.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.