Israel ngày càng bị cô lập trên trường quốc tế

24/05/2024 05:24 GMT+7

Sự ủng hộ dành cho Palestine đang trên đà gia tăng mạnh mẽ, trong khi Israel ngày càng bị cô lập về ngoại giao vì cuộc chiến đã kéo dài hơn 7 tháng ở Dải Gaza.

Trong một diễn biến bất ngờ, Na Uy, Ireland và Tây Ban Nha hôm 22.5 thông báo họ sẽ chính thức công nhận Nhà nước Palestine vào ngày 28.5. Quyết định này nhận được những lời tán dương từ nhiều nước Hồi giáo và Ả Rập, nhưng khiến Israel giận dữ và lập tức phản ứng một cách quyết liệt.

Israel ngày càng bị cô lập trên trường quốc tế- Ảnh 1.

Binh sĩ Israel trong một cuộc đột kích ở TP.Jenin thuộc Bờ Tây ngày 21.5

AFP

Tel Aviv chỉ trích quyết liệt

Chỉ trích hành động của 3 nước châu Âu, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói bước đi này là "phần thưởng cho bọn khủng bố", theo Reuters. Ông cũng cho rằng một nhà nước Palestine độc lập sẽ "cố gắng tái diễn sự kiện thảm sát ngày 7.10 hết lần này đến lần khác", đề cập đến vụ tấn công của lực lượng Hamas ở miền nam Israel năm ngoái. Israel, cũng như Mỹ và EU, vốn xem Hamas là tổ chức khủng bố.

Lệnh bắt Thủ tướng Netanyahu gây khó khăn cho đồng minh của Israel

Israel đã triệu hồi đại sứ ở Dublin, Madrid và Oslo về nước để "tham vấn khẩn cấp". Một quan chức Israel tiết lộ với Reuters rằng đại sứ của Na Uy, Ireland và Tây Ban Nha cũng đã nhận được yêu cầu triệu tập tại Bộ Ngoại giao Israel ở Jerusalem vào ngày 23.5. Theo quan chức này, đại sứ 3 nước châu Âu dự kiến sẽ được cho xem một đoạn video mà Israel chưa từng công bố về vụ tấn công của Hamas vào ngày 7.10.2023.

Hành động của 3 nước châu Âu dường như phản ánh mâu thuẫn trong EU về cách tiếp cận đối với xung đột ở Gaza. Trên mạng xã hội X, Cao ủy Chính sách đối ngoại EU Josep Borrell cho biết ông sẽ làm việc với 27 thành viên liên minh "để thúc đẩy lập trường chung của EU dựa trên giải pháp 2 nhà nước", theo AFP.

Mấu chốt của giải pháp "2 nhà nước" là cho phép một nhà nước Palestine tồn tại song song với một nhà nước Israel. Song Thủ tướng Netanyahu từ lâu đã phản đối ý tưởng này và lập trường của ông ngày càng được củng cố sau khi trở lại nắm quyền với sự ủng hộ của các đảng dân tộc chủ nghĩa Do Thái giáo cực hữu vào cuối năm 2022, theo Reuters.

Khoảng 144 trong số 193 thành viên LHQ công nhận Nhà nước Palestine, bao gồm các nước lớn như Nga, Trung Quốc và Ấn Độ. Song chỉ một số ít trong số 27 thành viên EU có lập trường tương tự. Trong những tháng gần đây, Anh, Úc và 2 nước EU là Malta và Slovenia báo hiệu rằng họ có thể sớm đưa ra quyết định công nhận.

Lo ngại của Mỹ

Mỹ, đồng minh quan trọng nhất của Israel, ủng hộ giải pháp "2 nhà nước". Tuy nhiên, Nhà Trắng ngày 22.5 cho hay Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn nhìn thấy mục tiêu này trở thành hiện thực thông qua các cuộc đàm phán trực tiếp giữa các bên liên quan, chứ không phải nhờ sự công nhận đơn phương. Tháng trước, Washington đã dùng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để ngăn chặn Palestine gia nhập tổ chức này.

Thủ tướng Netanyahu: Israel không phải 'chư hầu' của Mỹ

Cùng ngày 22.5, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan thừa nhận Washington đang lo lắng việc Tel Aviv ngày càng bị cô lập về ngoại giao. "Chúng tôi chắc chắn đã chứng kiến ngày càng nhiều tiếng nói, bao gồm cả những tiếng nói trước đây ủng hộ Israel, giờ đã chuyển sang hướng khác", tờ The Guardian dẫn lời ông Sullivan.

Trong một diễn biến khác, Ngoại trưởng Colombia Luis Gilberto Murillo cho biết Tổng thống Gustavo Petro của nước này đã ra lệnh mở đại sứ quán tại TP.Ramallah nằm ở Bờ Tây. Thành phố này là nơi đặt trụ sở của chính quyền Palestine (PA) và được xem là thủ đô hành chính trên thực tế của Nhà nước Palestine.

Bất chấp sức ép, Israel vẫn tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quân sự ở Gaza. Giới chức y tế và truyền thông Hamas cho biết quân đội Israel hôm 23.5 đã oanh tạc trên không và trên bộ khắp Gaza, cũng như tham gia các trận đánh giáp lá cà với lực lượng Hamas tại TP.Rafah ở cực nam lãnh thổ này, theo Reuters.

Ai Cập đe dọa ngừng làm trung gian

Ai Cập ngày 22.5 đe dọa sẽ rút khỏi các cuộc đàm phán ngừng bắn ở Gaza. "Những hành động gieo rắc nghi ngờ và xúc phạm nỗ lực hòa giải của Ai Cập... có thể khiến Ai Cập hoàn toàn từ bỏ vai trò hòa giải trong xung đột hiện nay", Reuters dẫn lời ông Diaa Rashwan, lãnh đạo Cơ quan Thông tin Nhà nước của Cairo.

Động thái diễn ra sau khi CNN đưa tin giới chức tình báo Ai Cập đã sửa đổi các điều khoản trong đề xuất ngừng bắn gần đây, khiến các bên không đạt được thỏa thuận.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.