Kiến trúc sư chỉ cách thiết kế nhà ống thành phố để dễ thoát hiểm khi cháy

25/06/2024 12:39 GMT+7

Theo dõi nhiều vụ cháy để lại hậu quả thương tâm, KTS Dương Quốc Chính đã đưa ra những giải pháp về mặt thiết kế nhằm thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn.

Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra những vụ cháy để lại hậu quả nghiêm trọng ở Hà Nội, TP.HCM và mới đây nhất là vụ cháy ở TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) khiến 3 trẻ nhỏ tử vong ngày 24.6.

Khi đám cháy bùng lên, với những căn nhà không lối thoát hiểm hoặc lối thoát hiểm không đạt chuẩn..., nạn nhân rất khó tìm đường để thoát ra ngoài.

Tiềm ẩn nguy hiểm những căn nhà không lối thoát

Thực tế cho thấy, người dân sử dụng nhà ống thấp tầng ở những thành phố lớn thường tập trung vào tối ưu diện tích sử dụng chưa chú ý đến việc bố trí các lối thoát hiểm.

Nhà ống thấp tầng thường nằm trong ngõ sâu, hẹp, xây san sát nhau… Người dân lo ngại đến vấn đề an ninh nên thường xây kín mít, che chắn bằng lồng sắt, không có lối thoát phụ. Vì vậy không may có cháy xảy ra thường để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Kiến trúc sư chỉ cách thiết kế nhà ống thành phố để dễ thoát hiểm khi cháy- Ảnh 1.

Những căn nhà chi chít nhau ở Q.Đống Đa, Hà Nội

DƯƠNG QUỐC CHÍNH

Liên quan đến vấn đề này, Thanh Niên đã kết nối với KTS Dương Quốc Chính để có những đánh giá về mặt kiến trúc và các giải pháp thiết kế nhà ống thấp tầng đảm bảo an toàn khi xảy ra hỏa hoạn.

Ông Chính cho hay, ở các đô thị có mật độ dân số cao rất phổ biến dạng nhà liền kề chỉ có duy nhất một mặt thoáng, lại nằm trong ngõ/hẻm nhỏ, ô tô không vào được. Điều này có thể xuất phát điểm là những thói quen tự phát, không có quy chuẩn thời xa xưa. Vì vậy, loại nhà này có nguy cơ cháy và khó có cơ hội dập tắt đám cháy cao hơn loại nhà có nhiều mặt thoáng và mặt đường rộng.

Kiến trúc sư chỉ cách thiết kế nhà ống thành phố để dễ thoát hiểm khi cháy- Ảnh 2.

Ở TP.HCM cũng có nhiều căn nhà ống xây sát nhau

DƯƠNG QUỐC CHÍNH

"Kiểu nhà đó ít có cơ hội chữa cháy và thoát hiểm. Do ít lối tiếp cận và thoát nạn, xe cứu hỏa không thể vào trong nên hậu quả có khi sẽ làm nhiều người tử vong", ông Chính nói.

Cũng theo KTS, lối thiết kế phổ biến của dạng nhà này là chỗ để xe máy ở sảnh ra vào - lối thoát hiểm chính của ngôi nhà. Chỗ để xe là chỗ có nguy cơ cháy nổ vì xe máy có xăng dầu và xe điện có nguy cơ chập cháy khi sạc.

Ngoài ra, cửa của các ngôi nhà này thường rất kiên cố để chống trộm, có vài lớp cửa. Loại phổ thông nhất là cửa xếp, kéo và cửa cuốn đều là những loại bị nghiêm cấm dùng làm thoát nạn (theo quy chuẩn 06 về PCCC). Ngoài ra, cửa cuốn chạy điện nhưng trường hợp bị mất điện do cháy không có bộ lưu điện.

Thiết kế phổ biến của dạng nhà ống là chỗ để xe máy ở sảnh ra vào - lối thoát hiểm chính của ngôi nhà. Chỗ để xe là chỗ có nguy cơ cháy nổ vì xe máy có xăng dầu và xe điện có nguy cơ chập cháy khi sạc. Cửa của các ngôi nhà này thường rất kiên cố để chống trộm, có vài lớp cửa. Loại phổ thông nhất là cửa xếp, kéo và cửa cuốn đều là những loại bị nghiêm cấm dùng làm thoát nạn (theo quy chuẩn 06 về PCCC). Ngoài ra, còn có thêm cửa cuốn chạy điện nhưng trường hợp bị mất điện do cháy không có bộ lưu điện.

KTS Dương Quốc Chính chỉ ra những nguy cơ phổ biến

Thiết kế thế nào để đảm bảo an toàn?

Theo ông, điều tiên quyết trong thiết kế nhà ống thấp tầng, nhà chỉ có một mặt tiền trong việc PCCC là phải có lối thoát hiểm ở ban công, lối lên mái nhảy qua nhà khác và phải có mặt nạ chống khói.

Kiến trúc sư chỉ cách thiết kế nhà ống thành phố để dễ thoát hiểm khi cháy- Ảnh 3.

Các nhà ống thấp tầng được xây dựng phổ biến ở TP.HCM

DƯƠNG LAN

"Lối thoát nạn tạm chấp nhận là ban công phía trước nhà người dân hay bịt kín bởi khung sắt bảo vệ, chống trộm. Do đó cũng khó để cho cảnh sát cứu hỏa có thể vào cứu người. Lối thoát nạn khả dĩ hơn là lối lên mái/tum hay bị khóa trong nhưng khi hoảng loạn vì cháy mọi người khó đủ bình tĩnh để mở khóa", ông Chính nhận định.

Nạn nhân khó thoát nạn do không có lối thoát nạn đạt chuẩn (theo quy chuẩn 06 PCCC). Lối thoát nạn ban công mang tính đối phó, cần có kỹ năng leo trèo nên không thuận tiện với mọi người. Không phải nhà nào cũng có lối thoát dễ dàng để leo lên mái và sang nhà bên cạnh.

Vấn đề cơ bản tiếp theo là cầu thang của nhà dân nhìn chung cũng không đạt chuẩn thoát nạn (không được nhiễm khói). Nhiều người chết do cầu thang nhiễm khói không thể đi được. Nếu đang ở phòng phía trong thì có thể không có lối thoát vì phải đi qua cầu thang mới lên mái, xuống cửa chính hoặc ra ban công.

Kiến trúc sư chỉ cách thiết kế nhà ống thành phố để dễ thoát hiểm khi cháy- Ảnh 4.

Không ít nhà được xây dựng trong hẻm nhỏ

Ảnh minh họa DƯƠNG LAN

"Rất khó để hài hòa giữa mục đích chống trộm an ninh và có lối thoát hiểm PCCC vì trái ngược nhau về độ bền vững. Chỉ có thể hài hòa khi tính toán thiết kế ban đầu là bố trí sẵn nhiều lối thoát hiểm phân tán dễ dàng mở từ phía trong", ông Chính bày tỏ.

Nếu người dân đã thiết kế và xây dựng nhà theo kiểu cũ, không đảm bảo hệ thống PCCC vẫn có giải pháp cải tạo không cần xin phép chính quyền nhưng sẽ khó ưu việt như thiết kế ngay từ đầu.

Các gia đình nên tự rút kinh nghiệm từ các vụ cháy. Hãy làm sẵn các lối thoát hiểm dự phòng, ít nhất 2-3 lối độc lập, vị trí phân tán. Hoa sắt nên có lỗ mở có chìa khóa treo cố định ở gần đó. Các nhà có kinh doanh chất dễ cháy nên trang bị sẵn mặt nạ phòng ngạt và các thiết bị PCCC khác

KTS Dương Quốc Chính

Cái khó nhất là đáp ứng lối thoát nạn đạt chuẩn PCCC. Tuy nhiên, những giải pháp hỗ trợ như báo cháy tự động, trang thiết bị chữa cháy, mặt nạ ngăn khói… có thể hạn chế nhiều nguy cơ tử vong khi xảy ra cháy.

"Các gia đình nên tự rút kinh nghiệm từ các vụ cháy hãy làm sẵn các lối thoát hiểm dự phòng, ít nhất 2 – 3 lối độc lập các vị trí phân tán. Hoa sắt nên có lỗ mở có chìa khóa treo cố định ở vị trí gần đó. Các nhà có kinh doanh chất dễ cháy nên trang bị sẵn mặt nạ phòng ngạt và các thiết bị PCCC khác", ông Chính cho hay.

Kiến trúc sư chỉ cách thiết kế nhà ống thành phố để dễ thoát hiểm khi cháy- Ảnh 5.

Nhiều người chú trọng về việc PCCC khi gần đây thường xuyên xảy ra các vụ cháy

Ảnh minh họa DƯƠNG LAN

Việc hàng xóm xây sát nhà nhau khi xây dựng hệ thống PCCC cũng dễ xảy ra tình trạng khó trao đổi vì mâu thuẫn lợi ích hoặc công năng sử dụng. Việc này cần phải có luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn của nhà nước can thiệp, các gia đình mới có thể hợp tác.

"Ví dụ theo quy định người dân cấm mở cửa sổ quay sang đất nhà bên cạnh mà không đạt khoảng lùi tối thiểu 2 m. Nhưng những cửa này lại là lối thoát nạn rất tốt nếu có cháy. Các cửa này hiện chỉ có thể làm nếu 2 gia đình có quan hệ tốt, còn nếu không thì không thể làm được.

Một số ngõ nhỏ ở Hà Nội hay TP.HCM có tình trạng lấn chiếm khoảng trống ở ngõ, dẫn đến ban công 2 nhà đối diện sẽ gần chạm nhau, gây cản trở cho việc thoát nạn và phun nước cứu hỏa hoặc lính cứu hỏa tiếp cận", ông Chính nói.

Các gia đình cũng cẩn thận trong sử dụng bếp gas, bếp than khi nấu nướng. Nhiều người chủ quan để các vật dụng dễ cháy cạnh bếp nên nguy cơ cháy càng tăng. Nguy cơ cháy từ xe điện, xe máy loại rẻ tiền cũng cao hơn rất nhiều so với các xe cao cấp, đạt chuẩn. Ngoài ra cần đặc biệt lưu ý với các gia đình có kinh doanh vật dễ cháy ở nhà. Các gia đình đó nên có hệ thống báo cháy và chữa cháy tự động nữa, tùy quy mô và loại hình kinh doanh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.