Ông Trần Cẩm Tú: 'Ai không chịu làm thì dứt khoát cho đứng sang một bên'

23/05/2024 14:27 GMT+7

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư nhấn mạnh, trường hợp nào có thái độ chống đối, không chịu làm thì dứt khoát cho đứng sang một bên.

Sáng 23.5, Quốc hội thảo luận tại tổ, đánh giá về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, cùng đó là công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.

Đại biểu Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam)

Đại biểu Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam)

GIA HÂN

Sợ sai là tốt, nhưng đến mức không dám làm thì nan giải

Ông Lê Văn Dũng, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, đề cập tới câu chuyện cán bộ sợ sai, không dám làm. Đây là nội dung từng được đưa ra thảo luận nhiều lần, nhưng dường như đến nay chưa thể giải quyết triệt để.

Theo đại biểu Dũng, cán bộ sợ sai là tốt, là đúng, để không vi phạm quy định pháp luật; nhưng đến mức không dám làm, không dám đề xuất lại là vấn đề nan giải.

Ông kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành T.Ư tích cực hướng dẫn cách làm cho các ngành dọc, nhất là ở địa phương, để khắc phục cho được tình trạng né trách, đùn đẩy trách nhiệm. "Nếu cứ co cụm, không chịu làm, cũng không có hướng dẫn thì sẽ rất khó", ông Dũng nói và nhận định cần đôn đốc, sốc lại tinh thần cho đội ngũ cán bộ thực thi công vụ.

Cùng quan tâm đến công tác cán bộ, đại biểu Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam) cho biết khi tiếp xúc cử tri, ở đâu cử tri cũng đề cập tới tình trạng nhiều cán bộ đảng viên chủ chốt bị xử lý kỷ luật.

Thông qua ông, cử tri mong muốn Đảng và Nhà nước tiếp tục thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng hiệu quả hơn nữa; xử lý nghiêm các cán bộ có vi phạm; đồng thời kịp thời công khai thông tin, tiến độ xử lý các vụ việc, tránh thông tin xấu độc, sai lệch.

Cùng với đó, công tác bổ nhiệm cán bộ các cấp cần chặt chẽ hơn nữa; phải có cơ chế, chính sách bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự phát triển chung của đất nước.

Đã biết xử lý nghiêm sao vẫn làm sai?

Nói về những "biến động cán bộ cấp cao" thời gian qua, đại biểu Trần Cẩm Tú (đoàn Lào Cai), Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư, khẳng định thay đổi cán bộ là việc làm thường xuyên trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ.

"Khi nhận thấy mình có khuyết điểm, sai phạm, nhận thức được trách nhiệm chính trị trước Đảng, trước nhân dân và tự nguyện có đơn xin thôi là chuyện bình thường", ông Tú nói.

Tuy vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư thẳng thắn nhìn nhận công tác truyền thông còn có mặt hạn chế, chưa kịp thời, chưa đủ để định hướng dư luận. Vì thế, thời gian tới cần chủ động, kịp thời hơn nữa, để người dân, doanh nghiệp hiểu rõ, yên tâm và tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Ông Trần Cẩm Tú: 'Ai không chịu làm thì dứt khoát cho đứng sang một bên'- Ảnh 2.

Ông Trần Cẩm Tú, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư

T.N

Vẫn theo ông Trần Cẩm Tú, việc kiểm tra, xử lý các cán bộ vi phạm có thời điểm "hơi dồn dập", nhưng đây đều là sự việc mới, "không ai đưa việc cũ, việc xa xôi ra để xử lý cán bộ cả", và không làm không được.

Lấy ví dụ về vụ án kit test Việt Á và "chuyến bay giải cứu", ông Tú nói trong bối cảnh người dân mất mát, khổ sở như vậy nhưng một bộ phận cán bộ lại làm sai, trục lợi, vì thế không thể không xử lý.

Hay như các vụ việc tại Vĩnh Phúc liên quan đến Tập đoàn Phúc Sơn, vụ việc liên quan đến Công ty Thuận An, rồi vụ việc ở tỉnh Lâm Đồng…, đều là việc mới xảy ra 1-2 năm trở lại đây.

"Trong khi công tác phòng, chống tham nhũng, kiểm tra, giám sát vừa rồi, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư quán triệt và xử lý rất nghiêm, tạo sự răn đe, giáo dục rất lớn. Nhưng tại sao vẫn sai tiếp? Mà càng sai mới thì càng phải xử lý nghiêm", ông nêu.

"Làm vì cái chung, động cơ trong sáng thì không bao giờ xử lý, thậm chí còn bảo vệ"

Nhắc đến cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, ông Trần Cẩm Tú khẳng định hiện đã có, chứ không phải không. Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đều có chủ trương phân hóa trách nhiệm. Theo đó, phải xử lý nghiêm những người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ để trục lợi; và không xử lý hình sự với những cán bộ chỉ làm theo chỉ đạo, không vụ lợi, không có động cơ cá nhân.

"Nếu cán bộ có sai, nhưng vì cái chung, động cơ trong sáng, chúng tôi không bao giờ xử lý, thậm chí còn bảo vệ", Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư khẳng định.

Ông Tú cho hay, chủ trương này đã tháo gỡ được rất nhiều ở cơ sở. Ví dụ như vụ kit test Việt Á, rất nhiều nơi mua với giá 470.000 đồng/kit (giá bị nâng khống), nhưng xuất phát từ công văn hướng dẫn của Bộ Y tế. Có những người chỉ thực hiện nhiệm vụ, ở trên hướng dẫn như vậy thì làm theo, nên không thể xử lý họ.

Nói về tình trạng "đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, không dám làm", Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư Trần Cẩm Tú khẳng định việc này chỉ xảy ra ở một bộ phận cán bộ, chứ không phải tất cả.

Vậy một bộ phận là ai? Ông Tú cho rằng đó là những người làm công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực nhạy cảm như đất đai, tài chính, xây dựng, đầu tư công…; còn lại cả hệ thống vẫn đang làm rất tốt. Vì thế, cần bóc tách vấn đề để có giải pháp xử lý triệt để.

Đề cập tới câu chuyện cấp dưới hỏi cấp trên nhưng cấp trên nói "cứ làm đúng theo quy định", về bối rối không ai dám làm, ông Tú cho rằng, cần phát huy nguyên tắc tập trung dân chủ, có sự trao đổi, bàn bạc, thống nhất của tập thể. 

"Làm sẽ có đúng, có sai. Nhưng phải làm vì lợi ích chung, vì động cơ trong sáng chứ đừng làm bậy. Người đứng đầu tập thể phải đứng ra để bảo vệ, thì người ta mới dám làm", ông nói.

Ngược lại, trường hợp nào thái độ chống đối, không chịu làm thì dứt khoát cho đứng sang một bên, không thể để cho cả một tập thể đình trệ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.