Vũ trụ gây ra Kỷ băng hà gần nhất của trái đất?

17/06/2024 13:30 GMT+7

Theo giả thuyết mới, nguyên nhân đằng sau Kỷ băng hà gần nhất (còn gọi là Thế Pleistocene chấm dứt 11.700 năm trước) không phải từ trái đất, mà có lẽ xuất phát từ vũ trụ.

Vũ trụ gây ra Kỷ băng hà gần nhất của trái đất?- Ảnh 1.

Mô phỏng nhật quyển bảo vệ thái dương hệ

NASA

Đội ngũ do nhà vật lý không gian Merav Opher thuộc Đại học Boston (Mỹ) dẫn đầu cho rằng nguyên nhân gây nên Kỷ băng hà gần nhất của trái đất đến từ vũ trụ, cụ thể là một đám mây không gian.

Báo cáo đăng trên chuyên san Nature Astronomy số tháng 6 là nghiên cứu đầu tiên đưa ra giả thuyết rằng tình trạng biến đổi khí hậu trên trái đất trong giai đoạn Kỷ băng hà có lẽ bị ảnh hưởng bởi một vụ chạm trán giữa hệ mặt trời, trong đó có trái đất, với một vật thể liên sao.

Theo nhóm của chuyên gia Opher, Thái dương hệ được bao bọc bên trong Nhật quyển, "lá chắn" được hình thành bởi những hạt điện tích phóng thích từ mặt trời.

Nhật quyển có tác dụng bảo vệ trái đất và các hành tinh khỏi bức xạ vũ trụ và ảnh hưởng đến khả năng dung dưỡng sự sống của các hành tinh thuộc mặt trời.

Theo phân tích của các nhà nghiên cứu, Kỷ băng hà trên trái đất do biến đổi khí hậu nhưng có lẽ xuất phát từ việc hệ mặt trời va chạm với một đám mây không gian. Đám mây này đủ lớn để tác động đến toàn bộ nhật quyển.

Để rút ra kết luận trên, nhóm chuyên gia sử dụng dữ liệu đến từ cuộc khảo sát toàn bầu trời tên gọi HI4PI, do hai trong số các kính viễn vọng vô tuyến lớn nhất thế giới ở Effelsberg (Đức) và Parkes (Úc) phối hợp thu thập.

Họ phát hiện hệ mặt trời có lẽ đã đi qua một đám mây lạnh cách đây từ 2 đến 3 triệu năm, thời điểm Kỷ băng hà bắt đầu. Đây là phát hiện vô cùng thú vị, và các chuyên gia có kế hoạch tiếp tục nghiên cứu theo hướng này với hy vọng có thể khám phá thêm nhiều phát hiện mới trong tương lai.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.