Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) Chu Tiểu Xuyên mới đây cảnh báo về mức độ nợ gia tăng của Trung Quốc.
Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên - Ảnh: Bloomberg |
Theo Bloomberg, ông Chu cho hay tỷ lệ cho vay doanh nghiệp so với tổng sản phẩm quốc nội đã quá lớn. Trung Quốc cần phát triển thị trường vốn mạnh mẽ hơn bằng cách định hướng tiết kiệm vào thị trường vốn. “Cho vay so với GDP, đặc biệt là cho vay doanh nghiệp so với GDP, đang ở mức quá cao”, ông Chu nói.
Tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc ở thủ đô Bắc Kinh, Thống đốc PBOC còn thừa nhận Đại lục vẫn còn đối mặt với vấn đề gây quỹ bất hợp pháp và các dịch vụ tài chính hiện vẫn chưa đủ.
Giới chức Trung Quốc đang chật vật cân bằng giữa việc vừa đáp ứng mục tiêu tăng trưởng ít nhất 6,5% từ nay đến năm 2020, vừa giải quyết mức nợ ngày càng cao. Hôm 16.2, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã cho hay tỷ lệ nợ cao của doanh nghiệp “không phải là chuyện mới ở Trung Quốc”, và nước này sẽ tìm cách hạ nó xuống bằng việc cải cách thị trường vốn.
Nợ doanh nghiệp Trung Quốc hiện ở mức 160% so với GDP Đại lục, theo số liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Tổng thư ký OECD Angel Gurria cho biết các ngành như sắt thép, xi măng, than đá đặc biệt có mức nợ cao và Trung Quốc phải giải quyết vấn đề này vì đây là nguy cơ trong ngắn hạn.
Nói về dự trữ đang sụt giảm nhanh chóng của đất nước, ông Chu cho biết dự trữ ngoại hối Trung Quốc đã “bùng nổ” sau năm 1997 và giai đoạn năm 2002 - 2008. Với mức vốn chảy vào nhiều, dòng vốn thoái lớn hiện nay là bình thường.
Diễn đàn Phát triển Trung Quốc kéo dài ba ngày với sự tham gia của các quan chức chính phủ hàng đầu Đại lục cùng CEO Facebook Mark Zuckerberg, CEO UBS Sergio Ermotti và giám đốc điều hành Ginni Rometty của hãng International Business Machines.Thông điệp mà giới lãnh đạo Trung Quốc đưa ra khá quen thuộc: tiếp tục đẩy mạnh cải cách cơ cấu cần thiết, ngay cả khi kinh tế tăng trưởng chậm lại.
Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde nói tại sự kiện trên: “Sự chuyển đổi là tốt cho Trung Quốc và thế giới. Như bất cứ sự thay đổi nào, quá trình chuyển đổi sẽ gặp phải một số khó khăn khi thực hiện”.
Bình luận (0)