Thông qua chủ trương, nhưng còn nhiều thắc mắc

27/03/2008 12:33 GMT+7

(TNO) Chủ trương mở rộng địa giới Hà Nội là nội dung được bàn bạc tại cuộc họp Hội đồng nhân dân TP Hà Nội sáng nay 27.3. Tờ trình (5 trang) của UBND thành phố tuy còn quá sơ sài và thiếu thông tin, vẫn được 100% đại biểu dự họp thông qua.

Lý do mở rộng

Tờ trình nêu rõ: Hà Nội hiện nay vẫn còn nhiều bất cập và mất cân đối trong quá trình phát triển: Các khu công nghiệp còn phân bổ dàn trải trong nội thành, một số khu công nghiệp cũ vẫn chưa được di dời ra khỏi thành phố. Giao thông đô thị đang đứng trước sự quá tải; mất cân đối rất lớn giữa hạ tầng giao thông với số lượng các phương tiện ngày càng tăng nhanh.

Sau khi mở rộng, Hà Nội sẽ có diện tích 3324,92 km2 (so với 920,7km2 hiện nay); dân số là 6 triệu người (gấp 2 lần so với hiện nay).

Quá trình đô thị hóa thủ đô diễn ra ngày càng nhanh làm cho cơ sở hạ tầng, dịch vụ đô thị và nhà ở quá tải, không đáp ứng được nhu cầu của nhân dân thủ đô. Với quy mô hiện tại, Hà Nội khó có thể đảm bảo được các điều kiện đáp ứng yêu cầu quy hoạch phát triển lâu dài, bền vững.

Để có được thủ đô xứng tầm về quy mô dân số, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và môi trường, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững cả trước mắt cũng như lâu dài thì việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội là nhu cầu khách quan, cấp thiết cần được triển khai thực hiện trong giai đoạn hiện nay.

Với phạm vi mở rộng được đệ trình là lấy toàn bộ Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung của huyện Lương Sơn (Hòa Bình), ông Phó chủ tịch UBND thành phố Phí Thái Bình nêu ra có 7 thuận lợi và 3 điểm khó khăn. Tuy nhiên, đó đều là những điều chung chung như phù hợp với điều kiện địa lý, văn hóa, xã hội; ổn định nhanh, không gây xáo trộn, có diện tích để xây dựng các khu chức năng... Tờ trình chưa chỉ ra được những tác động cụ thể đến dân số, việc làm, môi trường khi sáp nhập. Cơ cấu ngành nghề, lao động, an sinh xã hội; tỷ lệ dân số chia theo giới, trình độ học vấn, tỷ lệ thất nghiệp... Bức tranh Hà Nội sau khi sáp nhập sẽ như thế nào chưa được nêu rõ.

Còn nhiều thắc mắc chưa được giải đáp

Đại biểu Vũ Đức Tân đã chuẩn bị tới 6 trang giấy để nêu những thắc mắc, những vấn đề Hà Nội gặp phải khi sáp nhập cả Hà Tây.

Ông Tân phân tích: "Về mặt quy hoạch đô thị, chúng ta quản lý rất tồi. Đây là hậu quả buông lỏng từ những năm 90. Chúng ta vẫn là một thành phố bẩn; không xanh, sạch, đẹp như chúng ta mong muốn... Chủ trương dùng người tài của ta có nghị quyết của HĐND hẳn hoi, nhưng trong các cơ quan, con em của chúng ta là những người chạy việc thì làm sao có chỗ cho người tài? Với bộ máy ấy liệu chúng ta có quản lý nổi một thành phố lớn như dự kiến không?”. Ông Tân cho rằng nên tính đến chuyện phát triển đô thị vệ tinh, chứ tập trung đông dân vào đô thị chưa hẳn đã tốt.

Đại biểu, Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm, trụ trì chùa Lý Quốc Sư bày tỏ: "Chúng ta phải có biện pháp để bảo vệ làng nghề, các giá trị văn hóa trước tốc độ đô thị hóa sẽ rất cao".

Đại biểu Phạm Thị Loan cho rằng "Bây giờ thị trường bất động sản đang rất nóng, dân số cơ học sẽ tăng lên rất cao, sẽ có hàng loạt vấn đề khó khăn về quản lý mà tờ trình chưa nêu rõ”.

“Tôi có cảm giác như chúng ta đang tính thuận lợi trên diện tích đất không có gì. Như quy hoạch thủ đô với đầy đủ chức năng của một thủ đô hiện đại, phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển vùng Hà Nội thì nghĩa là theo quy hoạch nào? Cũ hay bây giờ mới bắt đầu làm? Định hướng là định hướng nào? Trước khi thông qua, chúng tôi yêu cầu có luận cứ khoa học về các mặt: công nông nghiệp, văn hóa xã hội, hành chính, môi trường .. .?”, vẫn lời đại biểu Vũ Đức Tân.

Tuy vậy, sau đó ông Tân vẫn biểu quyết thông qua, ông giải thích rằng ông thông qua là thông qua chủ trương mở rộng thủ đô, nhưng còn quá nhiều điều về quy hoạch, cán bộ, bộ máy... ông và các vị đại biểu hội đồng nhân dân thắc mắc chưa được giải đáp.

Káp Thành Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.