Sau buổi lễ thông xe hầm Thủ Thiêm và toàn tuyến đại lộ Đông Tây vào chiều nay (20.11), Sở Giao thông vận tải TP.HCM chính thức cho lưu thông qua hầm Thủ Thiêm và phần đại lộ Đông Tây ở khu vực Q.2, phục vụ người dân từ 6 giờ ngày 21.11.
Sau hơn 6 năm thi công, toàn bộ tuyến đại lộ Đông Tây TP.HCM đã hoàn thành. Tuyến đại lộ có tổng chiều dài 21,89 km qua 8 quận, huyện như một mũi tên trúng 2 đích. Đích thứ nhất rất quan trọng, là rút ngắn thời gian đi lại từ đông sang tây và ngược lại, cũng như từ trung tâm TP ra các cửa ngõ phía đông, phía tây và ngược lại. Đích thứ hai là tạo điều kiện để phát triển TP sang hướng đông, đặc biệt là khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Sau này, khi nối kết với đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương ở phía tây và đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây ở phía đông, đại lộ Đông Tây sẽ là trục giao thông chiến lược, nối kết TP.HCM với 2 vùng kinh tế lớn.
|
Các hướng vào hầm
Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông khi lưu thông qua đại lộ Đông Tây, đặc biệt là qua hầm, Sở Giao thông vận tải đề nghị người điều khiển phương tiện giao thông chấp hành đúng hướng dẫn của hệ thống báo hiệu giao thông đường bộ hoặc theo hướng dẫn của cảnh sát giao thông, lực lượng điều tiết giao thông. Sở Giao thông vận tải đã lắp các bảng điện tử hướng dẫn ở lối vào hai đầu hầm. Trong trường hợp xảy ra tai nạn hoặc sự cố buộc phải "đóng" hầm, các bảng điện tử được lắp đặt từ xa sẽ thông báo cho người dân biết để tránh lưu thông qua hầm. Các bảng điện tử được lắp đặt ở QL1A, đường Hải Thượng Lãn Ông, ngã ba Ký Con, Liên tỉnh lộ 25B, đường Trần Não và ngã ba đường vào hầm.
Đại lộ Đông Tây dài 21,89 km, có điểm đầu là nút giao Tân Kiên (H.Bình Chánh), điểm cuối là nút giao Cát Lái (Q.2). Toàn tuyến có 10 cầu xây mới, cải tạo 3 cầu hiện hữu, xây 12 cầu bộ hành và 1.490m đường hầm vượt sông Sài Gòn. Đây là đường hầm vượt sông lớn nhất Đông Nam Á. Công trình đường hầm do nhà thầu Obayashi Corporation (Nhật Bản) thực hiện, với các hạng mục thi công chính gồm: hầm dẫn phía tây, hầm vượt sông Sài Gòn (4 đốt hầm dìm bê tông cốt thép), hầm dẫn phía đông. |
Ở phía tây TP, tuyến đường chính để vào hầm là đường Võ Văn Kiệt (từ QL1 đến đường Hàm Nghi, Q.1). Tuyến đường Võ Văn Kiệt có chiều dài hơn 14 km. Đoạn từ giao lộ Ký Con đến đường Tôn Đức Thắng, Q.1 có chiều dài 1.247,64m, đoạn này có mặt cắt thay đổi từ 4 làn xe đến 10 làn xe, trong đó có 6 làn xe lên xuống hầm và 4 làn xe lưu thông phía trên hầm để kết nối với đường Tôn Đức Thắng.
Ở phía đông TP, lưu thông ra - vào hầm theo tuyến đại lộ Đông Tây (từ hầm đến xa lộ Hà Nội), Q.2. Tuyến này có chiều dài là 6.980m, bề rộng là 100m, gồm 2 đoạn: Đoạn từ hầm đến đường Liên tỉnh lộ 25B sẽ được chính thức đưa vào khai thác cùng lúc với hầm vào ngày 21.11. Riêng đoạn từ đường Liên tỉnh lộ 25B đến xa lộ Hà Nội đã được khai thác từ tháng 8.2010 cho đến nay.
Lưu thông trong đường hầm
Đường hầm Thủ Thiêm có chiều dài 1.490m, bề rộng 33m, bao gồm 6 làn xe, trong đó mỗi chiều lưu thông có 3 làn xe (2 làn xe ô tô và 1 làn xe 2 bánh). Ô tô con và ô tô khách được lưu thông 24/24 giờ; xe mô tô và xe gắn máy chỉ được lưu thông từ 6 - 21 giờ mỗi ngày. Các loại ô tô vận tải lưu thông theo đúng thời gian quy định về hạn chế và cấp phép cho ô tô vận tải lưu thông trong khu vực nội đô TP.HCM. Theo đó, ô tô vận tải có tải trọng dưới 2,5 tấn hoặc có tổng trọng tải dưới 5 tấn (xe tải nhẹ) được phép lưu thông qua hầm từ 8 - 16 giờ và từ 20 - 6 giờ sáng hôm sau (không được lưu thông qua hầm từ 6 - 8 giờ và từ 16 - 20 giờ). Ô tô tải có tải trọng từ 2,5 tấn trở lên hoặc có tổng trọng tải từ 5 tấn trở lên (xe tải nặng) được phép lưu thông qua hầm từ 0 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau (không được lưu thông từ 6 - 24 giờ).
|
Theo quy định, người đi bộ, phương tiện giao thông thô sơ đường bộ, xe 3, 4 bánh tự chế, xe cơ giới không có bộ phận giảm thanh hoặc có nhưng không đúng quy chuẩn kỹ thuật, xe bánh xích, xe vận chuyển súc vật sống không đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường, xe vận chuyển hàng độc hại, chất dễ cháy, chất nổ, hàng nguy hiểm sẽ không được phép lưu thông qua hầm. Các đối tượng hạn chế lưu thông (chỉ được phép qua hầm khi được cơ quan thẩm quyền cho phép), gồm ô tô có tổng tải trọng từ 30 tấn trở lên và các loại xe kéo rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc, xe ô tô kể cả hàng hóa có chiều cao hơn 4,2m hoặc có chiều ngang hơn 2,5m.
Đối với ô tô, tốc độ tối đa khi lưu thông trong hầm là 60 km/giờ, tối thiểu là 30 km/giờ, khoảng cách tối thiểu giữa các xe trên cùng làn là 30m. Đối với mô tô, xe gắn máy, tốc độ tối đa là 40 km/giờ (không có quy định tốc độ tối thiểu và khoảng cách tối thiểu). Trong hầm, làn đường dành cho xe gắn máy có dải phân cách tách biệt hoàn toàn với làn ô tô. Để giám sát chung việc lưu thông, trong hầm có hệ thống camera ghi nhận hình ảnh xe vi phạm tốc độ để truyền về trung tâm khai thác hầm Thủ Thiêm. Sau khi xe ra khỏi hầm, lực lượng chức năng sẽ xử lý vi phạm.
Các hành vi bị cấm khi lưu thông trong hầm gồm: bấm còi, bật đèn ưu tiên (trừ những xe ưu tiên theo quy định, bật đèn ở chế độ chiếu xa và các loại đèn có ánh sáng mạnh khác, dừng, đỗ xe, vượt). Trách nhiệm của người lái xe khi lưu thông trong hầm là phải bật đèn ở chế độ chiếu gần - đèn cốt, đồng thời mở radio sóng AM các tần số: 655 KHz hoặc 610 KHz hoặc 588 KHz.
Sở Giao thông vận tải khuyến cáo người lưu thông qua hầm Thủ Thiêm bằng xe gắn máy nên sử dụng loại nón bảo hiểm chụp kín tai để giảm ảnh hưởng của tiếng ồn; hạn chế chở trẻ em qua hầm bằng xe gắn máy; nếu cho trẻ em lưu thông qua hầm cần có dụng cụ bịt tai để giảm ảnh hưởng của tiếng ồn.
Tuổi thọ 100 năm Chiều 19.11, Văn phòng Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) Việt Nam đã họp báo về dự án Đại lộ Đông Tây TP.HCM. Chủ trì buổi họp báo là ông Motonori Tsuno, Trưởng đại diện của JICA tại Việt Nam - cùng với sự tham dự của Công ty tư vấn Oriental, Công ty Obayashi và Công ty Kawasaki - GTECH. Đại diện Oriental cho biết hầm Thủ Thiêm không lo bị ngập do biến đổi khí hậu, bởi vị trí cao nhất vào hầm có cao trình là + 1,85m so với mực nước biển, trong khi đợt triều cường cao nhất vừa qua trên sông Sài Gòn có đỉnh triều là 1,57m. Hiện tượng thấm nước bên trong đường hầm trong quá trình thi công cũng đã xử lý hết hẳn. Về giải pháp hạn chế tiếng ồn, đại diện đơn vị tư vấn cho biết tiếng ồn xuất phát từ hệ thống quạt thông gió (một chiều có 6 quạt) với độ ồn 95 dB là khá lớn. Tiếng ồn từ xe chạy trong đường hầm sẽ còn lớn hơn. Để hạn chế tiếng ồn, giải pháp được áp dụng là lắp những tấm ván trên tường đường hầm. Việc bảo hành công trình có thời hạn 1 năm. Tuy nhiên, tùy theo yêu cầu của TP.HCM, nhà thầu có thể kéo dài thời gian bảo hành. Ông Tsuno Motonori cho biết: “JICA sẽ tiếp tục theo dõi công tác vận hành công trình này. Nếu có chuyện gì xảy ra, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ vốn, kỹ thuật. Yêu cầu tuổi thọ 100 năm cho công trình này từ phía TP.HCM hoàn toàn được đáp ứng”. |
Mai Vọng
Bình luận (0)